Năm thứ nhất đại học mình cũng đã “lăn lộn” rất nhiều công việc khác nhau như đi pha chế, dạy gia sư,… Đến khi mình nhận ra đó không phải là thứ mình thực sự thích và cũng không cho mình nhiều kinh nghiệm. Mình có năng khiếu với MC nên tình cờ có được mời dẫn một số sự kiện ở trường, từ đó mình “nảy sinh tình cảm” với nghề cầm mic và sang năm hai đại học mình quyết định tham gia CLB MC và thời trang của trường. Ở đây mình đã được trau dồi rất nhiều kiến thức và kĩ năng về nghề dẫn chương trình. Đó cũng là dấu mốc giúp mình có được thành tích top 12 Nam Vương cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương năm ấy.
Nguyễn Xuân Hiếu |
Top 12 Nam vương cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương |
Là một người luôn thích những thử thách mới nên mình đã quyết định tham gia cuộc thi về MC. Sau khi dành được giải triển vọng cuộc thi MC Spotlight, mình đã có thêm nhiều cơ hội được đi dẫn các sự kiện lớn nhỏ, dần dần được nhiều người biết đến và công nhận năng lực. Không bằng lòng với kết quả đạt được, mình vẫn muốn thách thức bản thân nhiều hơn để biết được giới hạn của mình, mình đã đăng ký tham gia cuộc thi Tìm kiếm người dẫn chương trình Speak Up của Học viện Báo chí và Tuyên truyền – một trong những cuộc thi MC lớn nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau khi vượt qua những vòng thi khắc nghiệt cùng với hơn 200 thí sinh khác, mình đã may mắn bước vào vòng chung kết. Và hiện tại mình đang rất sẵn sàng để tỏa sáng trong đêm chung kết sắp tới.
Giải triển vọng MC Spotlight |
Top 10 MC Speak Up |
Chính nhờ việc thử và trải nghiệm nhiều khiến mình ngày càng hiểu rõ bản thân mình hơn. Hiện tại, mình vẫn luôn nỗ lực trau dồi và phát triển bản thân để trở thành một MC chuyên nghiệp, hướng tới những dự định xa hơn là một MC/BTV của những đài truyền hình lớn. Bên cạnh đó mình cũng rất cũng thích công việc kinh doanh nên mình đã hoàn thành xong chứng chỉ kiểm toán Anh quốc ICAEW CFAB. Và cũng nhờ bài học quản lý “6 chiếc lọ” có được từ những năm nhất đại học đã giúp mình đủ tự tin để có một startup nho nhỏ.
Xuân Hiếu hoàn thành chứng chỉ ICAEW |
Câu chuyện quản lý “6 chiếc lọ” thời 4.0
Cứ mỗi mùa tuyển sinh năm học mới đến, mình thường hay nhận được những câu hỏi của các em tân sinh viên về cách tìm được những công việc lương cao nhưng dường như ít bạn thường quan tâm đến việc quản lý tài chính của bản thân. Mình bắt đầu thấm thía và hiểu điều này khi đủ 18 tuổi mình có được những thu nhập đầu tiên để trang trải cho bản thân. Có nhiều người bạn xung quanh mình tuy lương khá cao nhưng lại có cách chi tiêu khá bộc phát nên hay dẫn đến tình trạng nói vui là cuối tháng chỉ có mì tôm để ăn. Bản thân mình luôn ấp ủ những dự định startup cho tương lai nên mình rất chú trọng việc tích lũy vốn vì những ý tưởng có thể đến bất cứ lúc nào.
Xuấn Hiếu tham gia dẫn chương trình của Khánh Vy |
Ngay từ nhỏ mình đã rất ấn tượng với câu chuyện chia những đồng xu có được vào từng lọ thủy tinh khác nhau. Nhưng bây giờ thì chả còn ai dùng đồng xu nữa, mình đã có cho mình một cách riêng để có vốn cho những dự án tương lai bằng cách coi mỗi lọ thủy tinh là một tài khoản ngân hàng (hay ví điện tử) khác nhau. Và mỗi khi mình nhận được khoản thu nhập thì mình đều lập tức chia vào các tài khoản khác nhau để đảm bảo mình không sử dụng quá quy định đã đề ra. Từ đó mình sẽ có một cách nhìn tổng quan về từng khoản mình đã chi tiêu cũng như luyện cho mình tính kỷ luật rất cao. Từ năm nhất đến bây giờ mình vẫn trung thành với mức tỷ lệ mình đã định ra với từng loại tài khoản như sau:
TK1: Nhu cầu thiết yếu = 45%: Phục vụ ăn uống, xăng xe đi lại, điện thoại, các hóa đơn điện nước, quần áo và các chi phí khác.
TK2: Giáo dục đào tạo = 20%: Mình luôn ưu tiên tài khoản này để phát triển bản thân: tham gia các lớp học kỹ năng, hội thảo, mua sách vở...
TK3: Quỹ bonding = 10%: Đặc sản của đại học là những cuộc bonding hay đi giao lưu với những anh chị khóa trên, mỗi lần đi bonding mình lại tìm ra những điều tuyệt vời.
TK4: Tiết kiệm dài hạn = 15%: Đây là tài khoản dự phòng cho những dự án tương lai hay những khoản khẩn cấp khi có việc xảy ra.
TK5: Hưởng thụ = 10%: Mình dành khoản này để chăm sóc bản thân như du lịch hay những món đồ từng khiến mình mất ăn mất ngủ.
TK6: Quỹ cho đi = 10%. là những việc làm ý nghĩa: làm từ thiện, ủng hộ trẻ vùng cao hay mua những món quà tặng người thân, bạn bè.
Mình nghĩ rằng kiếm được những đồng tiền thời sinh viên đã khó, để tiêu được một cách hợp lý và khoa học thì càng khó hơn. Mình hy vọng mỗi bạn sẽ chọn được cho mình một quy tắc hợp lý để có thể có được một nền móng vững chắc để theo đuổi được con đường mình đã chọn, và luôn không ngừng cố gắng.