Chia sẻ về biệt danh “Ốc nghiệm”, Khanh lý giải: “Đây là biệt danh được một người chị đặt cho mình, như nhắc nhở mình hãy đi chậm lại như một chú ốc để cẩn thận, kỹ lưỡng trong trải nghiệm, chiêm nghiệm, rồi rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân”.
Hoạt động Đoàn - Đội hơn 10 năm
Hoài Khanh bén duyên với hoạt động Đoàn từ năm học lớp 10. “Từ khi là đội viên, mình đã tiếp xúc và tham gia các cuộc thi, ngày hội do các anh chị phụ trách Đội tổ chức. Được học hỏi các anh chị từ khi còn nhỏ là một “bệ phóng” để mình được truyền lửa và gắn bó lâu dài với công tác Đoàn đến ngày hôm nay”, Khanh kể.
Khanh cho rằng, hoạt động Đoàn - Đội cũng là một cách học. “Từ hoạt động Đoàn - Đội, mình học được cách sáng tạo, học cách dám nghĩ - dám làm, học cách bền bỉ theo đuổi một thực hiện một ý tưởng, học cách đồng cảm và sống chan hòa giữa tập thể và điều mình học được đầu tiên chính là học cách cân bằng những đầu việc”, Khanh tiết lộ.
Khanh từng là một trong ba đại diện Việt Nam dự Diễn đàn Trẻ em ASEAN tại Brunei. |
Chàng “Ốc nghiệm” chọn cách ưu tiên, sắp xếp và lên thời gian biểu cho các hoạt động. “Ban đầu, mình từng “bơi” trong rất nhiều việc mà không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Nhưng sau tất cả, mình biết rằng, phải ưu tiên - sắp xếp và bắt tay vào việc. Phải thật sự bắt đầu, lớn lên qua mọi việc thì tự động học được cách cân bằng”, Hoài Khanh chia sẻ bí quyết cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động.
Thử thách lớn nhất mà Khanh gặp phải trong suốt quá trình công tác là phải vượt qua "chủ nghĩa cá nhân" để hòa nhập với tập thể. Khanh cho biết, muốn trở thành một cán bộ Đoàn tiêu biểu cần học cách vượt qua những mong muốn thể hiện bản thân vô ích, phải gắn mình với mọi người. Vì khi đó, bản thân sẽ nhìn thấy rất nhiều “ánh lửa” từ chính những người bạn, người đồng đội xung quanh.
“Trách nhiệm” và “Tình thương” chính là hai điều mà Hoài Khanh nhận ra trong suốt quá trình tham gia hoạt động. Lý giải cho điều này, Khanh nói: “Mỗi hoạt động khi tham gia cần chúng ta rèn giũa một tinh thần trách nhiệm, đã làm thì phải làm đến cùng. Còn tình thương là chất keo gắn kết từng cá nhân với tập thể”.
Hiện tại, Hoài Khanh đang nỗ lực để tham gia vào các hoạt động của Hội Sinh viên. Bên cạnh đó, chàng sinh viên năm thứ nhất cũng mong muốn tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng Chỉ huy Đội tại quận Tân Bình. “Mình mong muốn được lan tỏa những điều tử tế đến với mọi người. Hoạt động Đoàn cho mình rất nhiều tình cảm và tâm huyết để thực hiện điều này”, Khanh chia sẻ.
Trưởng thành từ nghịch cảnh
Hăng hái trong công tác Đoàn nhưng ít ai biết được Khanh từng có hoàn cảnh gia đình khó khăn đến mức suýt phải nghỉ học. Năm Khanh lên 6, cha mẹ phải chuyển về Long An để mưu sinh. Cậu được gửi sang nhà bà ngoại tại TP. HCM. “Lúc ấy, mình cảm thấy lạc lõng vì thiếu vắng tình thương của mẹ cha”, Khanh nhớ lại.
Hoài Khanh vẫn đang cố gắng, nỗ lực từng ngày. |
Đến khi Khanh học lớp 12, biến cố bất ngờ ập đến với chàng trai khi mẹ gặp tai nạn vỡ khớp gối trong một lần đi tiêm vắc xin tại Long An. Lúc này, gia đình không còn tiền tích lũy trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Mẹ nằm viện, ba túc trực chăm mẹ, còn Khanh mang cơm vào viện mỗi ngày.
“Đây là lúc khiến mình suy nghĩ nhiều nhất. Vì lúc này sắp khai giảng năm học mới nhưng tài chính trong gia đình gần như không có. Mình trăn trở không biết có được tiếp tục đến trường hay không”, Hoài Khanh nhớ lại.
Khanh cho biết, sau một lần tâm sự với cô chủ nhiệm, chàng tân sinh viên khá bất ngờ khi nhận lại sự chia sẻ hết lòng từ bạn bè và thầy cô trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TP. HCM). Toàn bộ chi phí học tập đều được thầy cô và bạn bè trong trường quyên góp và trích quỹ hoạt động Đoàn hỗ trợ. “Khi mình cần giúp đỡ, chắc chắn luôn có cánh tay chìa ra. Và mình đã chọn cách mở lòng, biết cho đi nhiều hơn về sau. Chính sự giúp đỡ này đã tạo động lực cho mình cố gắng hơn nữa trong chặng đường tiếp theo phía trước”, Khanh bộc bạch.