Ngân cho biết, sau khi chương trình “Góp gạo thổi cơm mùa COVID-19 lần 4” hoàn thành tại TP. HCM, trong thời gian tự cách ly tại nhà thì được tin Vĩnh Long có những chuyển biến xấu về số lượng ca nhiễm ngày càng tăng. “Tình hình căng thẳng nên sau khi vừa hết thời gian tự cách ly ở phòng, mình lập tức trở về quê để mở siêu thị cộng đồng với mong muốn san sẻ bớt những khó khăn với bà con tại quê mình”, Ngân nhớ lại.
Ngân đã liên hệ với Thành Đoàn Vĩnh Long để phối hợp cùng thực hiện hoạt động này: “Mới nhận thông tin Vĩnh Long giãn cách xã hội mà giá cả mọi thứ đều tăng đột biến và hết hàng. Nhiều người hoang mang và rơi vào khó khăn, nhiều nhất những hoàn cảnh neo đơn, người bán vé số gặp khốn khó do vé số ngưng phát hành. Trước tình cảnh này mình không thể ngồi yên được”, Ngân nói.
"Siêu thị 0 đồng" đa dạng hàng hóa phục vụ người dân khó khăn tại TP. Vĩnh Long. |
Ngân cho biết, do Vĩnh Long công nghệ không phát triển bằng Sài Gòn nên hình thức mua hàng online còn khá xa lại với người dân. Ở đây, người dân đa phần là mua sắm tại chợ truyền thống. Nhiều cửa hàng sợ dịch nên đóng cửa hết nên Ngân càng quyết tâm để thực hiện hoạt động này.
Khi chia sẻ ý tưởng muốn thực hiện gấp “siêu thị 0 đồng” tại TP. Vĩnh Long, Ngân đã nhận được nhiều lời ngỏ ý cho mượn địa điểm để triển khai chương trình. Ngân cho hay: “Mình quyết định mượn quán Cafe - ẩm thực Phố Chợ Nàng Kim vì quán nằm ngay khu trung tâm TP. Vĩnh Long và thuận tiện cho tất cả. Không gian hoạt động, bảo quản hàng hoá đáp ứng được cho siêu thị hoạt động an toàn và hiệu quả. Hơn nữa, anh chị chủ quán cũng rất nhiệt tình hỗ trợ trong mọi hoạt động”.
Những tình nguyện viên chia theo ca để hỗ trợ hoạt động cho "siêu thị 0 đồng". |
Chỉ sau hai ngày chuẩn bị, “Siêu thị 0 đồng” chính thức hoạt động vào ngày 11/7, tại địa chỉ 458 Trần Đại Nghĩa, P. 4, TP. Vĩnh Long. Siêu thị có đầy đủ các loại lương thực, thực phẩm, rau củ tươi, đến nhu yếu phẩm... Hàng hóa mỗi ngày được các tình nguyện viên phân chia, sắp xếp gọn gàng. Siêu thị hoạt động theo hai khung giờ mỗi ngày: Từ 10h - 14h và từ 15h - 19h. Ở “Siêu thị 0 đồng” này, Ngân áp dụng công nghệ vào việc vận hành. “Nhóm mình xây dựng hệ thống xuất nhập hàng hoá. Theo đó, người nhận sẽ nhận theo nhân khẩu. Tương đương với mỗi một người dự kiến một lần được mua hàng là 100.000 đồng. Nhà có bao nhiêu nhân khẩu thì nhân lên, sau ba ngày mới được quay trở lại tiếp tục mua sắm. Lực lượng tình nguyện viên là các bạn trẻ tại TP. Vĩnh Long. Vì không được tập trung đông nên tình nguyện viên chia theo ca để làm việc”, Ngân cho biết.
Người dân đến mua sắm phải tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch. |
Sau chuỗi chương trình hơn tháng ở Sài Gòn, Ngân rút tỉa được rất nhiều kinh nghiệm để áp dụng cho việc điều hành hoạt động của “Siêu thị 0 đồng”. Trước hết kinh nghiệm về hoạt động trong tâm dịch để đảm bảo tiến độ thực hiện công việc dài ngày, tốn nhiều sức và an toàn của các bạn tình nguyện viên tham gia. Thứ hai là về việc tặng quà cho đúng đối tượng. “Cách làm lần này mình sẽ cố gắng triệt để san sẻ quà cho phù hợp đối tượng, phân chia đều theo nhân khẩu và hạn chế tối đa có thể một gia đình mà nhận nhiều lần với mục đích trục lợi”, Ngân chia sẻ.
Các bạn tình nguyện viên còn hỗ trợ chở đồ đến tận nhà cho người dân. |
Nhớ lại kỉ niệm ngày đầu khai trương, Ngân xúc động. “Ngày đầu khai trương có một cô ở một mình (76 tuổi) tới siêu thị mua đồ. Phần của cô trị giá 100.000 đồng. Bạn tình nguyện viên tặng thêm cô rau nhưng cô nhất định không lấy vì cô cho rằng mình ở một mình ăn không hết nên nhường phần cho người khác. Rồi rất nhiều những kỉ niệm của các mạnh thường quân mang đồ tới ủng hộ, nhắn tin động viên các tình nguyện viên hàng ngày đã làm mình và team cảm động. Tụi mình sẽ cố gắng hơn nữa để giúp được nhiều người dân chia sẻ một phần khó khăn qua đợt giãn cách này”.
Trong hơn một tháng khi TP. HCM áp dụng chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, Ngân đã huy động và trao được 1500 phần cho người dân nghèo tại nhiều quận huyện tại TP. HCM với tổng trị giá quyên góp hiện kim và hiện vật lên tới gần 700 triệu đồng.