Lớn lên trong một gia đình đông con, bố mẹ đã ngoài 60, tôi nhận thức được một điều rằng, đã đến lúc mình phải thay đổi bản thân mình và tôi lựa chọn rời miền núi nghèo Quỳ Hợp về thành phố Vinh học tập ở một môi trường mới, và chính 3 năm cấp 3 ấy đã để lại cho tôi một cuốn tựa truyện tươi đẹp về thanh xuân, về cái mà ai cũng hay gọi là mái nhà thứ 2.
Bố mẹ luôn hi vọng rất nhiều vào tôi, có những bữa cơm chiều bố thường kể cho tôi những ngày tháng đi làm nông trường, làm công nhân ở các lò gạch để đổi từng cân mì về cho con cái. Chính vì thế, tôi luôn lấy đó làm động lực để cố gắng hơn nữa, rồi dần trở thành một cán bộ Đoàn tiêu biểu của nhà trường, xung phong trong các công tác thiện nguyện tại chỗ của trường cấp 3. Và niềm tự hào đầu đời khi va chạm xã hội của tôi chính là được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, một động lực, một món quà rất lớn động viên tinh thần để tôi thi tốt kì thi THPT Quốc gia năm đó.
Bước vào cánh cổng Học viện Hành chính Quốc gia với nhiều bỡ ngỡ, tôi dần trở nên bé nhỏ giữa hơn 1.000 tân sinh viên nhập học hôm ấy. Bố đưa tôi nhập học và chỉ kịp dặn vội con đôi ba câu, dúi vội cho tôi chút tiền bố mẹ tích góp được rồi nét mặt không che giấu được vẻ lo lắng vội nói lời chào vì còn phải trở về cho kịp chuyến xe liên tỉnh chạy chiều về quê. Khi đó, dù buồn, tủi vì biết mình không được như bao bạn trang lứa khác, nhưng tôi không nản lòng. Tôi tham gia vào hoạt động thiện nguyện cùng đội sinh viên tình nguyện đồng hương Nghệ Tĩnh Học viện Hành chính Quốc gia, và trở thành thành viên Ban Đối ngoại Ban liên lạc đồng hương Sinh viên Nghệ Tĩnh tại Hà Nội, đơn vị đã rèn dũa cho tôi được cứng cáp hơn, được tôi luyện một cách bài bản hơn về kĩ năng mềm – thứ mà không phải muốn mua là có người bán.
Bố mẹ vốn sống thuần nông, nên vấn đề nghiên cứu và tìm hiểu chính trị lại là một chuyện quá xa vời với gia đình tôi. Thế nhưng với sự nỗ lực không ngừng trong học tập, tiên phong trong các phong trào Đoàn thanh niên của học viện cũng như đội tình nguyện, một lần nữa tôi được sướng lên dòng chữ “Tự hào và trách nhiệm” khi được đứng vào Cấp ủy Chi bộ Sinh viên (1) – Học viện Hành chính Quốc gia.
Để rồi vẫn thấm nhuần tư tưởng “Vào Đảng để phấn đấu chứ không phải phấn đấu để vào Đảng”, tôi luôn không ngừng phấn đấu trong học tập, rèn luyện, tiếp thu kịp thời những tư tưởng chỉ đạo của Đảng đề ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp trên giao phó, là một cán bộ lớp gương mẫu trong học tập, năng nổ trong công tác Đoàn Hội tại Học viện. Và những thành công ấy, những sự thay đổi tích cực ấy không thể không kể đến sự giúp đỡ, định hướng của Thầy giáo, Cô giáo, sự quan tâm của gia đình, và những chia sẻ lúc khó khăn của bạn bè để có được tôi của ngày hôm nay.
Có một điều tế nhị là chúng ta không nên kể khó, kể khổ quá nhiều vì chẳng có ai có thể giúp đỡ mình cả một quãng đời dài cả. Thế nhưng tôi vẫn muốn viết ra đây để các bạn được thấy rằng, bước ra xã hội, cái khó, cái khổ ấy không vì lòng bao dung mà bỏ sót một ai cả. Tôi từng tìm đến những nhà hàng, quán coffee để thử việc, xin việc và bén duyên với nghề Kĩ thuật viên Âm thanh – Ánh sáng – tổ chức sự kiện. Công việc chẳng hề nhẹ nhàng một chút nào cả, thế nhưng hình ảnh bố mẹ đã ngoài 60 và gia đình ở quê sống phụ thuộc vào nông nghiệp đã khiến tôi luôn dặn mình cố lau giọt mồ hôi ấy đi, vì biết đâu mình đang rơi mồ hôi nhưng bố mẹ lại đang lăn từng giọt nước mắt trên má vì lo không biết kiếm đâu ra tiền để chu cấp hàng tháng cho con ăn học nơi phố thị đắt đỏ.
Là một cán bộ Đảng viên trẻ, tôi luôn muốn truyền lại nhiệt huyết tuổi trẻ cho các bạn tới đây sẽ là tân sinh viên, hay những bạn có đồng hoàn cảnh với tôi. Bởi tương lai của chúng ta có tươi sáng hay không là phụ thuộc vào hiện tại mình đang cố gắng những gì. Học là để cho bản thân mình, học từ những cái nhỏ nhặt nhất, đừng vội lấn sâu vào những cái quá lớn lao khi chúng ta còn chưa đủ trưởng thành và chín chắn trong suy nghĩ để đón nhận những điều đó. Tôi cũng từng có lúc muốn bỏ cuộc, thế nhưng vẫn nghĩ rằng “bỏ cuộc rồi cũng về cầm cuốc, dắt trâu, kéo cày”. Muốn bước ra khỏi cuộc sống cơ cực thì chấp nhận xuất phát điểm của mình, biết được điều đó để rồi tiếp tục cố gắng, không ngừng nghỉ, và không ngừng đốt cháy nhiệt huyết tuổi trẻ trong chính bản thân mình. Tuổi còn trẻ mà, còn sức thì cứ đi, còn thời gian thì cứ nghĩ và còn quyết tâm thì hãy cố gắng đi.
Hoạt động tập huấn tại Hải Dương
Trao một suất quà nhỏ, một chiếc khăn, một túi bánh hay một chiếc xe đạp trong những chuyến thiện nguyện mà tôi từng tham gia và nằm trong Ban Tổ chức chương trình. Tôi luôn hạnh phúc khi được thay mặt những doanh nghiệp, nhà hảo tâm gửi tặng những món quà thiết thực ấy đến với bà con nghèo trên khắp dải đất hình chữ S này. Và cũng chính vì thế tôi mới nhận ra rằng, cuộc sống này còn nhiều điều quý giá lắm, hãy cứ sống với chính mình, sống với niềm đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ của mình để sau này ngoái đầu nhìn lại không thốt lên hai từ hối hận mà thấy ở phía sau đó là một bức tranh mang tên Thanh xuân tươi đẹp.
“Sống là cho – đâu chỉ nhận riêng mình”. Hãy nói ra những điều cần nói, làm những điều cần làm, để làm cho cuộc sống của ta luôn tươi mới, tâm an yên, lòng thanh tịnh.
Lương Tiến Đạt
Quê quán: Xã Châu Đình, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An
Sinh năm: 1999
Vào Đảng: 19/6/2017.
Sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản lí nhà nước – Học viện Hành chính Quốc gia.
Hiện đang là Chi ủy viên Chi bộ Sinh viên (1) – Học viện Hành chính Quốc gia, Lớp phó Học tập lớp KH18 – QLNN1.