Gần 30 năm qua, bố mẹ Tuấn dù nghèo khó nhưng luôn tìm cách chạy chữa cho con mà không thành. Theo hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Nhi Trung ương, Tuấn bị liệt cột sống vĩnh viễn, không có khả năng phục hồi.
Căn bệnh đã cướp đi của Tuấn ước mơ đến trường, được giao tiếp, được đi lại như mọi người. Thấy Tuấn quá thiệt thòi, vừa chăm sóc, mẹ Tuấn, bà Đỗ Thị Thành vừa dạy từng con chữ, phép tính cho con.
“Mặc dù chân tay co quắp, nhưng Tuấn là đứa có trí nhớ tốt, việc tính toán Tuấn làm rất nhanh và thông thạo. Cái máy khâu điện của bác bị hỏng, bác trai không sửa được vứt ở nhà kho. Thế mà Tuấn bảo em trai làm theo đúng thao tác, cái máy khâu của bác lại chạy được bình thường”, bà Thành nói.
Những ngày trái gió trở trời, xương sống và chân tay co rút đau đớn nhưng điều đó không làm anh sợ hãi bằng việc không được sống với cộng đồng. Mấy chục năm chỉ nằm yên một chỗ, nhìn người bà bị rối loạn thần kinh, nhiều lúc kêu gào, trong người anh thêm bứt rứt, xót xa. Nỗi đau giằng xé, đã có lần anh định tìm đến cái chết.
“Mình đủ dũng cảm để ra đi, nhưng hổ thẹn mình tự thấy chưa làm gì cho bố mẹ và xã hội này nên… Xem ti vi thấy các nhà khoa học, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo rất cần đến nội tạng, mình mong khi chết đi có thể hiến tặng thể xác của mình”, anh tâm sự.
Năm 2009, anh Tuấn tham gia Trung tâm Sống Độc lập, được giao lưu, học hỏi kỹ năng sống dành cho người khuyết tật. Anh thấy con đường hòa nhập cộng đồng được mở rộng hơn. Hiện tại, anh chỉ mong được mở một quán nước chè ngay đầu ngõ để phụ giúp gia đình.