Những ý tưởng từ câu chuyện kể của bố mẹ
Thuở còn bé, Tuấn Anh thường được nghe bố mẹ kể về những câu chuyện thời bao cấp. Những câu chuyện ngày xưa qua lời kể của bố mẹ đã chạm vào tâm hồn nghệ thuật của chàng trai, điều đó đã thôi thúc Tuấn Anh tái hiện lại cảnh vật thân thuộc ngày ấy. Tuấn Anh luôn mong muốn những sản phẩm của mình sẽ lưu giữ, truyền cảm hứng và gợi nhớ lại được phần nào ký ức tuổi thơ của mọi người. Đó là lý do vì sao các sản phẩm của Tuấn Anh mang trong mình những giá trị xưa cũ, mộc mạc và gần gũi.
Tuấn Anh cho biết, một sản phẩm thông thường sẽ trải qua 5 bước. Đầu tiên là lên ý tưởng và lập bản vẽ, tiếp đến chàng trai sẽ cắt và dựng mô hình thô. Sau đó là làm các chi tiết nhỏ hơn, sơn màu và gắn các cho tiết nhỏ lên mô hình. Cuối cùng là làm đế và hoàn thiện mô hình. “Những chi tiết nhỏ cần nhất sự tỉ mỉ và chỉn chu, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ thì sẽ làm ảnh hưởng đến cả một mô hình. Vậy nên mỗi khi làm chi tiết nhỏ mình thường tìm một nơi thoáng đãng, mát mẻ để có thể tập trung. Làm những tiểu tiết rất khó nhưng một khi đã làm được mình cảm thấy rất vui. Đó là lý do vì sao mình chưa bao giờ nản chí khi làm những chi tiết nhỏ”, Tuấn Anh cho hay.
Tuấn Anh luôn nỗ lực với niềm đam mê của mình. |
Tính đến hiện tại, Tuấn Anh đã cho ra đời được khoảng 20 sản phẩm. Tuấn Anh thường mất khoảng 7 ngày cho một sản phẩm thông thường. Còn đối với những sản phẩm đòi hỏi tính tỉ mỉ cao hơn, chàng trai mất khoảng 15 ngày để có thể hoàn thiện nó. Sản phẩm đầu tay của Tuấn Anh là sản phẩm tái hiện lại ngôi nhà của bà. Đây cũng là sản phẩm được ca sĩ Vũ Duy Khánh sở hữu. Trong số những mô hình của mình, Tuấn Anh tâm đắc nhất với sản phẩm Phố đường tàu bởi đó là sản phẩm cho chàng trai nhiều cảm xúc nhất. Bên cạnh đó, Phố đường tàu cũng là sản phẩm đang được đông đảo cộng đồng mạng biết đến bởi những khung cảnh quen thuộc của “xóm đường tàu” những năm 1990.
Hành trình khơi dậy “lửa đam mê”
Niềm đam mê sáng tạo mô hình làng quê, thành phố những năm 1990 của chàng trai được bắt nguồn từ khi anh tham gia hoạt động hội trại do thôn xóm tổ chức. Vốn có niềm đam mê với mô hình từ lâu, song lúc ấy còn trẻ, Tuấn Anh không nỡ gác lại những gì mình đang có để theo đuổi ước mơ. Sau khi ra trường, Tuấn Anh chọn cho mình một công việc ổn định nhưng lửa đam mê ấy vẫn thôi thúc anh. “Từ tháng Ba năm nay, mình mới dừng hẳn công việc văn phòng và quyết định cháy hết mình với niềm đam mê này”, Tuấn Anh chia sẻ.
Một ngôi nhà thu nhỏ ở Sài Gòn thập niên 1990 do Tuấn Anh tạo tác. |
Khoảng thời gian đầu, khi “chân ướt chân ráo” bước vào nghề, Tuấn Anh gặp phải rất nhiều khó khăn từ việc lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, cách pha màu cho đến khó khăn lớn hơn là gia đình. Không được học qua trường lớp nào về kỹ thuật tạo dựng mô hình, Tuấn Anh đã phải chi ra rất nhiều hộp màu để tập pha, vô số lần mô hình được sơn lên rồi lau đi. Tuấn Anh tâm sự: “Thật ra, bố mẹ mình cũng như bao bố mẹ. Họ chỉ muốn con mình có một công việc ổn định. Nên việc bố mẹ không đồng ý để mình theo đuổi đam, bỏ việc đang làm là điều dễ hiểu. Khoảng thời gian này, mình cũng chán nản và áp lực muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại, mình có thể chứng minh cho bố mẹ biết rằng mình có thể làm được và sẽ thành công với con đường mình đã chọn”.
Trong tương lai, Tuấn Anh dự định sẽ mở một tiệm cà phê nhỏ trưng bày các sản phẩm của mình với mong muốn mọi người vừa có thể thưởng thức cà phê vừa có thể ngắm những tác phẩm nghệ thuật mang hồn giá trị xưa cũ.
Cùng ngắm những tác phẩm mô hình thu nhỏ của chàng trai xứ Nghệ này: