Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tổ chức lại bộ máy giúp việc Tòa án nhân dân cấp cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 9/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội tờ trình dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Dự thảo luật gồm gồm 154 điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều.

Theo Chánh án, dự thảo Luật quy định: Tổ chức lại bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp cao và đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; đồng thời thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

Cùng với đó sẽ đổi mới tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân cấp cao để bảo đảm tính khoa học, phù hợp với quy trình tố tụng và tương đương với bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Toà án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tổ chức lại bộ máy giúp việc Tòa án nhân dân cấp cao ảnh 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh Như Ý

Những căn cứ được đưa ra là để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW; phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các Tòa án của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phù hợp với quy định của Hiến pháp “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; đồng thời phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án.

Chánh án nêu rõ, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng “xây dựng Tòa án chuyên nghiệp”.

Nhiều nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết hiệu quả các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù.

Các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được thành lập sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn cao của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử các vụ án đặc thù, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết loại việc này.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tổ chức lại bộ máy giúp việc Tòa án nhân dân cấp cao ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh Như Ý

Đề xuất tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ

Dự thảo luật quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ và điều này còn 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự là phù hợp và cần thiết. Vì trong vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để xét xử.

“Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan, không đánh giá đầy đủ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập”, ông Bình nêu.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc kỹ quy định này vì có thể khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Việc quy định Tòa án thu thập chứng cứ vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành quy định của dự thảo luật theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Thay vào đó, Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính; hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh nghĩa vụ thu thập chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự, Tòa án không có trách nhiệm này.

Theo cơ quan thẩm tra, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên thu thập được và giao nộp cho Tòa án, sau khi đã kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết.

MỚI - NÓNG