Chạnh lòng

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Đến giờ này vẫn chưa nghe nói gì chuyện thưởng Tết”, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (Bệnh viện Trưng Vương) nói sau nụ cười nhạt. Trưng Vương là bệnh viện đầu tiên tại TPHCM chuyển công năng thành bệnh viện điều trị bệnh COVID-19 và bắt đầu hoạt động kể từ giữa tháng 6/2021.

Đây cũng là bệnh viện tầng 4, chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ròng rã 6 tháng liền, bác sĩ Thúy cùng các đồng nghiệp đã trụ ở tuyến đầu chống dịch, làm việc, ăn, ngủ tại chỗ trong điều kiện hết sức khó khăn và nguy hiểm.

Để bước vào trận tuyến ác liệt, bác sĩ Thúy đã phải dứt sữa sớm với đứa con trai chưa tròn một tuổi và gửi con về cho ông bà ở quê chăm sóc. Chỉ đến khi dịch tạm lui chị mới được trở về gia đình để gặp con. “Lâu quá không gặp, con dường như không nhớ mặt mẹ…”, người mẹ trẻ nói với đôi mắt ngấn lệ.

Không riêng bác sĩ Thúy, hàng vạn nhân viên y tế ở tâm dịch TPHCM đã không quản hiểm nguy, sẵn sàng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch. Nhiều người đã xả thân, hy sinh hạnh phúc riêng tư để vì mục tiêu chung là cứu người và ngăn chặn dịch bệnh.

Sau những tháng ngày ác liệt, họ trở lại với công việc và cuộc sống đời thường. Song nhiều người trong số đó không thể tìm lại cuộc sống bình thường của mình trước đó, bởi những sang chấn tâm lý họ đã gặp phải trong thời gian gồng mình trên tuyến đầu chống dịch. Nhiều người đã phải nghỉ việc tạm thời để chữa trị hoặc nghỉ việc vĩnh viễn vì không thể thoát khỏi sự ám ảnh từ những gì họ đã chứng kiến và chịu đựng.

Những người may mắn còn giữ được tính mạng, sức khỏe và tiếp tục cống hiến thì chưa nhận được sự đãi ngộ tương xứng, thậm chí quá ít ỏi so với công sức họ đã bỏ ra, chưa kể những hy sinh mất mát. Nhiều nhân viên y tế đã phải sống dưới mức trung bình, thậm chí nghèo khổ. Trong khi đó, cho đến hiện tại, nhiều người vẫn chưa được nhận hoặc chưa nhận đủ khoản phụ cấp, hỗ trợ phòng chống dịch ít ỏi mà nhà nước dành cho họ. Điều đó khiến họ không khỏi chạnh lòng, tổn thương và sự tổn thương càng trở nên nặng nề hơn khi Tết cận kề nhưng không một đồng tiền thưởng, hoặc có nhưng chỉ mang tính tượng trưng.

Chế độ đãi ngộ, tưởng thưởng, trong đó có lương thưởng, không chỉ là điều kiện cần để giúp các nhân viên y tế có cuộc sống tốt hơn để từ đó có điều kiện làm việc tốt hơn, mà còn là động lực để họ cống hiến nhiều hơn và đó mới là điều quan trọng. Hơn thế nữa, đó còn là thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và thuyết phục nhất của Nhà nước đối với những người đã xả thân vì nước, vì nhân dân.

Các nhân viên y tế nơi tuyến đầu luôn được tôn vinh là những “chiến binh áo trắng”. Khi đất nước lâm nguy, họ sẵn sàng lao vào vòng hiểm nguy. Đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết nhưng họ không chút ngần ngại, không so đo, toan tính, sẵn sàng hy sinh và dâng hiến, kể cả tính mạng của mình. Vì vậy, họ cần được đãi ngộ và tưởng thưởng xứng đáng như một chiến binh, thậm chí là người hùng. Và, không một lý do gì để Nhà nước hay cả xã hội so đo, tính toán với những chiến binh đã xả thân vì nước, vì dân.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.