Chất liệu tự nhiên trong “Gia phả”

Chất liệu tự nhiên trong “Gia phả”
TP - Với “Gia phả”, triển lãm tranh vừa khai mạc, Trần Hoàng Sơn đã có một cuộc giải phóng khỏi các chất liệu.
Một bức tranh trong “Gia đình em út”
Một bức tranh trong “Gia đình em út”.

Trần Hoàng Sơn, giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, người được biết đến như một chuyên gia về tranh sơn mài, từng được mời sang Thụy Điển để giảng dạy.

Trong loạt tranh này, họa sĩ đã sử dụng những chất liệu tự nhiên chế tác từ đá nghiền, tro của lá tre, gỉ kim loại đồng… được chuyển tải trên giấy dó bồi toan - một chất liệu thủ công của làng Đống Cao - Bắc Ninh.

Trần Hoàng Sơn, bằng hàng loạt chân dung, được vẽ theo kỹ thuật tả chân kết hợp với trang trí mang bóng dáng tranh dân gian, đã kể một câu chuyện về mình thông qua các mối quan hệ gia đình, xã hội và làng xóm.

Trần Hoàng Sơn
Trần Hoàng Sơn.

Phần 1, sự chắc chắn, ổn định được Sơn mô tả gói gọn trong một gia đình, nơi có người cha, người mẹ được mô tả có phần trang nghiêm và người con trai dang rộng vòng tay như muốn ôm cả thế giới.

Phần 2 với chằng chịt các mối quan hệ phức tạp và đầy mâu thuẫn. Về những bức chân dung trong phần này, họa sĩ nói: “Khi chúng ta cộng càng nhiều thì sẽ có sự trừ đi, khi ta đặt ta đặt một dấu “+” vào gia đình, xã hội...? nó sẽ đem lại sự rủi ro, mất mát hơn cho cuộc đời ta”.

“Làng” ở phần cuối là một biểu hiện của quê hương, nguồn cội. Họa sĩ mô tả họ là những con người lam lũ, giản đơn nhưng họ lại có những phong tục, tập quán riêng… làm nên những nét văn hóa đặc trưng.

Trong các bức chân dung của Trần Hoàng Sơn có rất nhiều hình ảnh hoa, dường như đây không chỉ là trang trí, mà còn là một biểu tượng ẩn chứa tâm lý thậm chí số phận nhân vật.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG