Châu Âu nỗ lực hàn gắn sau những rạn nứt về Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vài tuần sau những bất đồng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đón lãnh đạo Pháp và Ba Lan đến Berlin trong ngày 15/3 để thể hiện tình đoàn kết của châu Âu trong nỗ lực ủng hộ Ukraine.
Châu Âu nỗ lực hàn gắn sau những rạn nứt về Ukraine ảnh 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)

Tháng trước, một hội nghị được sắp xếp vội vàng ở Paris để tạo nên động lực mới cho nỗ lực của phương Tây nhằm giúp đỡ Ukraine.

Tuy nhiên, hội nghị không đạt được mục tiêu đề ra. Ngược lại, việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết không loại trừ khả năng đưa bộ binh châu Âu đến Ukraine không nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Scholz, cho thấy quan điểm khác biệt giữa lãnh đạo hai nước vốn đóng vai trò dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU).

Bất hòa xảy ra trong bối cảnh sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine suy yếu, cho thấy khoảng trống về vai trò lãnh đạo của châu Âu có thể tạo thêm lợi thế cho Nga.

“Đây là thời điểm Pháp và Đức cần bình tĩnh. Tôi nghĩ cuộc họp lần này sẽ giúp giảm căng thẳng và tăng cường hỗ trợ Ukraine”, cựu Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, người hiện là đặc phái viên của Tổng thống Macron, nói với đài phát thanh FranceInfo ngày 14/3.

Ông Macron dự kiến sẽ đến Berlin vào giữa ngày để gặp song phương Thủ tướng Đức, trước khi nhà lãnh đạo Ba Lan đến vào giữa buổi chiều, một quan chức chính phủ cho biết. Ba nhà lãnh đạo sẽ có tuyên bố trước khi họp với nhau.

Tranh cãi giữa Pháp và Đức không phải chuyện mới, nhưng bất hòa lần này gây lo ngại ở Kiev và trên khắp châu lục.

Hai nhà lãnh đạo đang gửi đi thông điệp chiến lược rất khác nhau. Ông Macron thể hiện quan điểm cứng rắn hơn, còn những người ủng hộ ông Scholz gọi ông là “thủ tướng hòa bình”, người đang muốn tránh bất kỳ leo thang nào giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky, nói với Reuters rằng tình trạng “thiếu quyết đoán và thiếu phối hợp” sẽ dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 14/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra cảnh báo rõ ràng tới các thành viên rằng Ukraine sắp hết đạn và liên minh chưa làm đủ để hỗ trợ Kiev.

“Các đồng minh cần đưa ra quyết định cần thiết để cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine. Đó là thông điệp của tôi tới tất cả các thành viên”, ông Stoltenberg nói.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói với kênh TVP Info rằng ông sẽ thông báo với Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron về cuộc gặp của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Mỹ khác tại Washington trong tuần này.

Thủ tướng Tusk nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục cái gọi là Tam giác hợp tác Weimar giữa Warsaw, Berlin và Paris, sau những năm chính quyền trước của Ba Lan gây căng thẳng cho cơ chế này.

Vị trí chiến lược của Ba Lan với láng giềng Ukraine khiến nước này trở thành đối tác quan trọng trong nỗ lực của châu Âu nhằm hỗ trợ Kiev.

Tuy nhiên, vấn đề về nguồn cung vũ khí và câu hỏi liệu Ukraine có đủ lực lượng để chiến đấu với Nga lâu dài hay không khiến một số đồng minh của Kiev dao động.

“Bây giờ có một số người không tin Ukraine sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột và châu Âu không thể hỗ trợ lâu dài như Ukraine muốn, trong khi không thể trông cậy vào Mỹ”, một nhà ngoại giao châu Âu nói với Reuters.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG