Châu Âu phải tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine để lấp khoảng trống của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một viện nghiên cứu nhận định Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải tăng gấp đôi hỗ trợ quân sự cho Ukraine để lấp vào khoảng trống mà Mỹ để lại, khi dự luật của Nhà Trắng vẫn bị tắc ở Quốc hội.
Châu Âu phải tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine để lấp khoảng trống của Mỹ ảnh 1

Lính Ukraine bắn pháo gần Bakhmut tháng 4/2023. (Ảnh: Reuters)

Khi nguồn tài trợ cho Ukraine đến nay đã cạn, phe Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ vẫn chặn dự luật tài trợ 60 tỷ USD cho Ukraine, dù giới chức phương Tây gần đây cảnh báo binh lính Ukraine sắp hết đạn dược.

“Khả năng cao là Mỹ sẽ không gửi thêm viện trợ quân sự trong năm 2024”, Viện Kiel tại Đức nói trong báo cáo về tình trạng viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi xung đột toàn diện nổ ra năm 2022.

Theo dữ liệu đến ngày 15/1/2024, Mỹ đã cung cấp các gói viện trợ quân sự với tổng giá trị 45,4 tỷ USD cho Ukraine trong thời gian từ tháng 2/2022-12/2023, với tốc độ khoảng 2,2 tỷ USD mỗi tháng.

EU và 27 quốc gia thành viên cam kết cung cấp 53,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột, nhưng mới phân bổ khoảng 38 tỷ USD.

Châu Âu ít nhất phải tăng gấp đôi hỗ trợ quân sự hiện nay nếu Mỹ không cung cấp thêm”, ông Christoph Trebesch, giám đốc Nghiên cứu và theo dõi tình hình hỗ trợ Ukraine tại Viện Kiel cho biết.

“Đây là một thách thức, nhưng chỉ là câu hỏi về ý chí chính trị. Các nước EU là những quốc gia giàu nhất thế giới và đến nay vẫn chưa chi đến 1% GDP năm 2021 của họ để hỗ trợ Ukraine”, ông Trebesch nói.

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, tổng số khoảng 285 tỷ USD được cam kết cung cấp cho Kiev, trong đó 152 tỷ USD dưới dạng hỗ trợ tài chính, 116 tỷ USD viện trợ quân sự, và số còn lại là viện trợ nhân đạo.

Có khoảng cách lớn giữa cam kết và thực hiện, nhất là với EU, khi đến nay mới có 83 tỷ USD được chi. Lý do là vì cam kết của khối là dành cho nhiều năm.

Nguồn viện trợ từ Mỹ cho Ukraine gián đoạn vì chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, khi ứng viên Donald Trump dự kiến sẽ trở thành ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa.

Ông Trump phản đối giúp Ukraine chống lại Nga và gần đây đã sử dụng ảnh hưởng của mình để hủy dự luật cải cách biên giới của Mỹ, trong đó có phần viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Theo các chuyên gia, nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng năm 2025, đó sẽ là hồi chuông báo tử cho nguồn viện trợ từ Mỹ sang Ukraine.

Châu Âu cũng phải chật vật với những chia rẽ nội bộ vì Ukraine.

Trong nhiều tháng, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cản trở khối thông qua gói viện trợ bổ sung 54 tỷ USD cho Ukraine trong 4 năm.

Thủ tướng Robert Fico của Slovakia thực hiện lời hứa lúc tranh cử để chặn gói vũ khí lớn cho Ukraine mà người tiền nhiệm đã đồng ý.

Theo AP
MỚI - NÓNG