Đội thi gồm hai thành viên: Trần Minh Thiện (năm thứ tư, ngành Kỹ thuật Hóa học, trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM) và Trần Văn Phú Đạt (trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng).
Khoảnh khắc biết nhóm mình giành được giải thưởng cao nhất cuộc thi, trở thành đại sứ ESG để tham dự hội nghị tại Thái Lan, Minh Thiện cảm thấy vô cùng bất ngờ và vinh dự. Thiện không ngờ nhóm anh có thể chiến thắng một cuộc thi lớn như thế, sự công nhận và đánh giá cao từ mọi người đối với dự án của nhóm khiến anh rất vui, tự hào.
Minh Thiện chia sẻ: “Ban đầu, đây chỉ là dự án nhỏ của nhóm, xuất phát từ vấn đề thực tế là tái chế rác hữu cơ từ sinh hoạt hằng ngày, tụi mình đã triển khai từ ý tưởng đó, không ngừng nghiên cứu để khiến nó có sức thuyết phục và hữu ích hơn. Giải thưởng từ cuộc thi không chỉ mang đến cho nhóm mình sự tự hào mà còn tạo điều kiện để lan tỏa ý tưởng bền vững này đến với nhiều người hơn. Với vai trò là đại sứ ESG tại hội nghị sắp tới, mình hy vọng có thể truyền tải tinh thần ESG và khuyến khích các bạn trẻ cùng tham gia vào các hoạt động phát triển bền vững cho cộng đồng”.
"Enzym từ rác hữu cơ" là tên dự án mà nhóm của Minh Thiện đã nghiên cứu, giành chiến thắng trong cuộc thi “ESG Ambassador 2024”. |
Năm 2023, Minh Thiện và các bạn của mình từng là nhóm sinh viên nhận học bổng “SCG Sharing The Dream”. Bên cạnh sự hỗ trợ tài chính, học bổng còn mang lại cho anh cơ hội tham gia các khóa học và buổi chia sẻ về ESG và phát triển bền vững.
Sau đó, trong quá trình học ở trường, Minh Thiện đã nhận thấy một lượng lớn rác thải hữu cơ bị lãng phí mỗi ngày tại căn tin trường. Là một sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học, anh bày tỏ mối quan tâm đối với điều mình vừa phát hiện qua việc tìm hiểu trên các tạp chí và diễn đàn uy tín, anh đã phát hiện ra rằng rác thải hữu cơ có thể được tái chế thành dung dịch đa năng. Từ đó, ý tưởng này dần hình thành, Minh Thiện đã tập hợp những bạn có chung niềm đam mê lại với nhau để cùng phát triển dự án và tham gia cuộc thi.
“Thông qua dự án, chúng mình mong muốn gửi gắm thông điệp rằng, ngay cả những thứ bị xem là phế thải cũng có thể trở thành nguồn tài nguyên quý giá. Chúng mình hy vọng, dự án có thể góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tái chế và thúc đẩy mọi người áp dụng những giải pháp bền vững, ứng dụng ESG trong cuộc sống hàng ngày”, Minh Thiện bày tỏ.
Dung dịch enzyme đa năng từ rác thải hữu cơ thay thế các sản phẩm hóa chất công nghiệp trong việc chăm sóc gia đình (homecare), bằng cách giúp làm sạch, khử mùi và khử trùng mà không gây hại cho môi trường. |
Dự án có tham gia của 12 bạn sinh viên thuộc nhiều trường đại học trên cả nước. Do sự phân tán về địa lý, Thiện và các bạn phải trao đổi và làm việc trực tuyến. Mỗi người trong nhóm đều đóng góp một phần công việc, cùng nhau thảo luận và chia sẻ ý tưởng. Theo Thiện, dù các bạn còn lại không đồng hành cùng anh trong chuyến đi đến Thái Lan, nhưng thật ra, mỗi bạn trong nhóm đều mang danh hiệu là một đại sứ ESG tại nơi mình sinh sống và học tập. Trách nhiệm của các bạn cũng góp phần lan tỏa dự án và tinh thần ESG, không thua kém bất cứ ai cả.
Minh Thiện nói: “Chúng mình đa số vừa thực tập vừa tham gia dự án nên có áp lực không nhỏ, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ các bạn trong nhóm, chúng mình đã cùng vượt qua và giành chiến thắng chung cuộc. Đó là một trải nghiệm đầy thách thức nhưng cũng rất đáng nhớ, và càng khẳng định tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của nhóm trong suốt quá trình thực hiện dự án”.