Phạm Mạnh Đình (trưởng nhóm dự án) cho biết, sản phẩm ngói Pando của nhóm có các đặc tính kỹ thuật tốt hơn so với sản phẩm ngói truyền thống. Cụ thể là nhẹ hơn 25%, không thấm nước, chịu lực uốn lớn gấp 4 lần, chịu mài mòn và va đập tốt hơn 15 lần. “Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa. Mỗi năm có 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra, nhưng chỉ có 0,15 triệu tấn được tái chế. Lượng rác thải nhựa thải ra đại dương mỗi năm 0,73 triệu tấn. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải tăng đến 200% mỗi năm. Bởi vậy nhóm quyết tâm thực hiện dự án này với mong muốn góp phần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường”, Mạnh Đình chia sẻ.
Khi thực hiện dự án Pando, nhóm đã đặt ra câu hỏi “Tại sao các quốc gia đã đầu tư rất nhiều về công nghệ tái chế nhưng vẫn chưa hiệu quả?”. Theo nhóm dự án tìm hiểu, nguyên nhân chính do chất thải nhựa chưa được giải quyết đúng cách, bị vứt bừa bãi hoặc không được xử lý. Bên cạnh đó, chỉ có 27% sản phẩm nhựa thải được đưa vào sản phẩm tái chế. Lượng nhựa tái chế đưa vào sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần dùng sẽ gây ra sự cạnh tranh giữa nhựa nguyên sinh và nhựa tái sinh. Việc này đã dẫn đến nhiều nhà máy tái chế nhựa bị thua lỗ. Ngoài ra, việc tái sử dụng rác thải nhựa nhiều lần trong ngành thực phẩm sẽ không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng.
Để giải quyết bài toán này, nhóm dự án đã đưa ra giải pháp về vật liệu UNC, biến rác thải nhựa thành sản phẩm có tuổi đời lâu hơn, sử dụng cho các ngành xây dựng và kỹ thuật. Vật liệu UNC được tạo ra từ các nguyên liệu chính là rác thải nhựa, cốt liệu cát và phụ gia. “U là UTE, tên viết tắt tiếng Anh của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM còn N là Nilon và C là Cát. Cốt liệu có thể thay thế cát là xỉ, cát biển, đá dăm. Vật liệu UNC được ứng dụng vào sản xuất gạch ngói, gạch lát, công nghệ thùng chìm, thùng nổi và công nghệ in 3D, gọi chung là sản phẩm Pando”, Mạnh Đình cho biết thêm về những dòng sản phẩm mà dự án mang lại.
Để hiện thực hóa giấc mơ đưa sản phẩm ra thị trường và muốn sản phẩm sẽ được ứng dụng vào cuộc sống người dân, các thành viên nhóm dự án Pando đã thành lập công ty vào tháng 5/2020. “Pando muốn hướng đến trở thành một doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tái chế rác thải, mang trí tuệ và ước mơ về công nghệ Việt Nam, vươn tầm thế giới. Mô hình doanh nghiệp hướng tới là Công ty Cổ phần Công nghệ Pando. Dịch vụ hướng tới là nhượng quyền thương mại. Công ty sẽ có địa điểm là Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, TP. HCM", Mạnh Đình tiết lộ về kế hoạch dài hạn của nhóm mình.
Cũng theo Mạnh Đình, tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay đã kéo theo sự phát triển của các khu du lịch. Theo đó là sự phát triển của thị trường Homestay và các khu resort. Nhóm dự án dự kiến cung cấp sản phẩm là gạch ngói Pando cho các Homestay ở Việt Nam. Gạch ngói Pando sẽ giải quyết được vấn đề chống nóng, giảm tải trọng cho kết cấu và giải quyết được nhu cầu sống “xanh” cho Homestay, Resort và hướng tới “du lịch xanh”. Đây cũng là hướng phát triển dự án mà nhóm muốn hướng đến trong thời gian tới. “Hiện tại đã có một số đối tác công ty sản xuất gạch ngói và các công ty môi trường đô thị đặt hệ thống sản xuất. Dự kiến, cuối năm nay nhóm sẽ chuyển giao công nghệ”, nhóm dự án vui mừng chia sẻ.
“Năm 2019, tụi mình gặp nhau và cùng nhau làm dự án trong mùa dịch cho đến tháng 5/2020. Đều là những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tụi mình gặp rất nhiều khó khăn, tối đi dạy thêm, đi vá xe, đi làm quán nhậu, chạy Grap... để lo chi phí ăn học và góp một chút tiền để chạy dự án. Mùa dịch làm gì cũng khó, nên tụi mình luôn luân chuyển công việc làm thêm. Nhiều lúc nản vì ai cũng bận, nhưng rồi lại cùng động viên nhau vượt qua những khó khăn. Công việc làm thêm nhiều thì công việc dự án cũng gặp khó, chưa kể áp lực gia đình (gọi về nhà tránh dịch). Tuy nhiên, tụi mình đã làm dự án với một niềm tin mãnh liệt là dự án sẽ thành công”, Mạnh Đình chia sẻ.