TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Chi tiết tăng lương từ 1/7; lãi suất giảm không ngừng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các hãng hàng không rốt ráo đi thuê máy bay; Từ 1/7, chuyển hơn 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt; Mức tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7; Lãi suất tiếp tục giảm... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.


Các hãng hàng không rốt ráo đi thuê máy bay

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Hàng không Việt Nam - cho biết, hiện nay các hãng hàng không đều gặp tình trạng khó khăn về tàu bay. Như Pacific Airlines vừa trả lại các tàu bay, tái cơ cấu các khoản nợ, Bamboo Airway giảm hơn 20 tàu bay so với năm ngoái để tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong khi đó, Vietravel Airlines không bổ sung được thêm nên thị trường hiện chỉ còn tập trung vào Vietnam Airlines và Vietjet.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm ngoái, các hãng bay Việt Nam có hơn 230 tàu bay, hiện chỉ còn khoảng 170 chiếc, giảm khoảng 25%. Đặc biệt, việc nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) triệu hồi khoảng 600 - 700 động cơ PW1100 trên toàn thế giới đang ảnh hưởng tới Việt Nam.

Chi tiết tăng lương từ 1/7; lãi suất giảm không ngừng ảnh 1
Việc các hãng đều thiếu tàu bay đang khiến giá vé máy bay đang tăng cao.

Việc khan hiếm tàu bay đang khiến giá vé máy bay trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 năm nay tăng cao. Điển hình, chặng bay từ Hà Nội đến Phú Quốc ngày 27/4 của Vietnam Airlines có giá dao động từ 4,3 - 5,3 triệu đồng/vé phổ thông, nhiều khung giờ hết đã hết vé. Đối với hạng thương gia, vé có mức giá 13 triệu đồng/vé. Giá vé ngày thường dao động mức 2,5 - 3 triệu/vé.

Chặng bay Hà Nội - Quy Nhơn đi ngày 27/4 về ngày 1/5, với hãng Vietnam Airlines giá khoảng 3,1 - 5,9 triệu đồng/vé/chiều. Hạng thương gia lên đến hơn 13 triệu đồng/vé/chiều. Cùng chặng này, nếu bay của hãng Vietjet Air, khách sẽ phải trả mức giá từ 1,6 - 2,5 triệu đồng/vé/chiều (chưa bao gồm thuế, phí).

Từ 1/7, chuyển hơn 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua có không ít người dân đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Thủ đoạn đối tượng lừa đảo rất tinh vi như tự xưng cơ quan chức năng như công an, thanh tra giao thông... đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm và đường link có mã độc. Sau đó, đối tượng vào tài khoản, thậm chí chiếm quyền kiểm soát điện thoại để lấy hết tiền.

Theo đó, từ ngày 1/7, chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần xác thực bằng mã OTP. Với chuyển tiền trên 10 triệu đồng, bên cạnh xác thực bình thường như hiện nay, người thực hiện giao dịch còn phải xác thực khuôn mặt. Quy định này áp dụng theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước ban hành tháng 12/2023, mục đích là đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện.

Chi tiết tăng lương từ 1/7; lãi suất giảm không ngừng ảnh 2
Chuyển tiền trên 10 triệu đồng sẽ phải xác thực bằng sinh trắc học.

Ngân hàng Nhà nước quy định tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học.

Mức tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7 là bao nhiêu?

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra mức lương tối thiểu áp dụng từ 1/7 tăng 6% so với hiện hành, trùng với phương án Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị gửi Chính phủ ngày 12/1.

Theo phương án này, lương vùng I nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng II là 4,41 triệu đồng; vùng III là 3,86 triệu đồng và vùng IV đạt 3,45 triệu đồng.

So với mức lương hiện hành dao động từ 3,25-4,68 triệu đồng tùy vùng, mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 - 280.000 đồng/tháng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%).

Chi tiết tăng lương từ 1/7; lãi suất giảm không ngừng ảnh 3
Mức lương tối thiểu dự kiến tăng từ 200.000 - 280.000 đồng/tháng từ 1/7 tới.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức điều chỉnh này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu đến hết năm nay, để cải thiện phần nào cuộc sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu vùng này cũng được cho là cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025, tức cơ quan xây dựng chính sách tính trước một phần chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2025 vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm nay.

Lãi suất tiếp tục giảm, dòng tiền tiết kiệm chảy vào đâu?

Theo khảo sát với hơn 40 ngân hàng cho thấy, khoảng 10 đơn vị còn niêm yết lãi suất từ 5% trở lên cho kỳ hạn 12 tháng (là kỳ hạn được nhiều người ưa chuộng), gồm NamABank, VietBank, SeABank, Oceanbank, Sacombank, DongABank, Saigonbank, VietABank, LPBank và Woori Bank.

Hiện, lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi không quá 12 tháng là 5,3%, giảm 0,4% so với tháng trước. Với các kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất phổ biến từ 3% đến 4,8%; 6 tháng dao động 2-4,7% một năm.

Chi tiết tăng lương từ 1/7; lãi suất giảm không ngừng ảnh 4
Lãi suất tiết kiệm vẫn giảm mạnh từ đầu năm đến nay.

Nếu muốn hưởng lãi tốt hơn, khách hàng có thể gửi các kỳ hạn dài như 13-24 tháng, lên tới 5,8% tại VietABank, OCB, HDBank, MB, NamABank, Sacombank, Saigonbank, LPBank hay BaoVietBank.

Lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng chỉ còn quanh mốc từ 1,7% đến 3%/năm. Lãi suất thấp nhất được ghi nhận ở nhóm ngân hàng quốc doanh như Agribank, Vietcombank và SCB với 1,7% cho kỳ hạn 1 tháng và 2% cho kỳ hạn 3 tháng.

Đề xuất mới về đóng bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo tờ trình Luật Việc làm sửa đổi được lấy ý kiến trong hai tháng, bắt đầu từ 15/3. Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2015-2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng khoảng 6%/năm. Hết năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,5% tổng lực lượng lao động.

Chi tiết tăng lương từ 1/7; lãi suất giảm không ngừng ảnh 5
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% thay vì cố định mỗi bên 1% như hiện nay.

Việc sửa đổi Luật Việc làm lần này sẽ khắc phục sự bất thống nhất với Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, Luật Việc làm hiện hành quy định “cứng” mức đóng bảo hiểm cho người lao động là 1%, còn chủ sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người đóng bảo hiểm thất nghiệp. Việc này giúp người lao động có khoản tiền hỗ trợ tạm thời khi mất việc hoặc học nghề, tìm việc mới.

Nếu xảy ra thiên tai, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp không linh hoạt trong khi quỹ kết dư lớn. Hết năm 2022, quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư trên 59.000 tỉ đồng.

Hệ thống điện đang đối mặt nhiều nguy cơ

Cục Điều tiết Điện lực cho biết, theo báo cáo của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hụt tổng sản lượng do sự cố và suy giảm công suất tại một số nhà máy nhiệt điện than do sự cố thiết bị như chạm đất rotor máy phát, lủng ống lò, bám dính than bunker, sự cố hệ thống thải xỉ đáy lò….

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo cấp điện mùa khô, Bộ đã yêu cầu các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu khu vực phía Bắc (thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) báo cáo về tình hình hồ chứa trong bối cảnh công tác cung ứng điện năm 2024 đối diện nhiều khó khăn. Điều đáng lo nhất tại thời điểm hiện tại là lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc thấp, chỉ đạt khoảng 25-96% trung bình nhiều năm.

Chi tiết tăng lương từ 1/7; lãi suất giảm không ngừng ảnh 6
Nhiều hồ thủy điện trên toàn quốc lượng nước về rất thấp so với trung bình nhiều năm.

Tình trạng lượng nước về thấp cũng diễn ra ở toàn bộ khu vực miền Trung và miền Nam. Theo thống kê, khu vực miền Trung có 19/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, chỉ đạt từ 17-94%. Có 8 hồ thủy điện có lượng nước về tốt nhưng đều là thủy điện nhỏ.

Tại khu vực miền Nam, ngoại trừ thủy điện Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim có nước về cao hơn trung bình nhiều năm, tất cả các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn từ 29-70% so với trung bình nhiều năm.

MỚI - NÓNG