Maria Llorens Trevino – người phiên dịch tiếng Việt cho Fidel Castro:

“Chị yêu tiếng Việt và Việt Nam! Em nhớ nhé!”

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của chị”, Maria Llorens Trevino nói với tôi, giọng bà rung động không giấu diếm cảm xúc. Chúng tôi ngồi trên căn gác tầng thượng ngôi nhà của bà, số 517 lộ H - giữa đường 21 và 23, khu Vedado, La Habana. Và cứ thế, câu chuyện mở ra như giữa những người thân trong gia đình. Một thời Việt Nam khói lửa chiến tranh, một thời những người con Cuba không tiếc mồ hôi và cả máu của mình giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.

Maria Llorens đã công tác ở Sứ quán Cuba tại Hà Nội hai nhiệm kỳ, không kể thời gian học ở Hà Nội. Bà có tên Việt Nam là Hiền. Cái tên với ngữ nghĩa và âm Việt, lạ thay hoàn toàn ứng với tính cách của bà. Bà rất hiền lành, tốt bụng, chân thành và đon đả giúp đỡ không chỉ với tôi, mà với tất cả những người tôi chứng kiến cùng gặp trong những chuyến thăm ròng rã đi bộ dưới cái nắng ong ong dài 12 tiếng một ngày. Cuba đang trong một mùa khô lạ lùng, dài hơn 2 tháng so với mọi năm. Biến đổi khí hậu và thế thời chuyển vận trong sự khó khăn do sự cấm vận của Mỹ dường như không tác động đến người phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn ấy.

“Chị yêu tiếng Việt và Việt Nam! Em nhớ nhé!” ảnh 1

Bà Hiền Maria chụp ảnh lưu niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Hiền Maria tự hào vì tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, Khoa Tiếng Việt và Ngữ văn, niên khoá 1974-1978. Đi đâu bà cũng mang theo tấm bằng ấy. Nó đã cũ, phần nhựa màu xanh bọc ngoài cong vênh nhưng những dòng chữ viết tay trong đó vẫn sắc nét. Bà kể, năm 72, khi mới 17 tuổi (bà sinh năm 1955) bắt đầu học tiếng Việt ở Cuba, trường ấy nay thuộc Đại học La Habana.

Lúc đó rất hiếm người Cuba biết tiếng Việt nên đã mời “thầy” là một nhà báo công tác ở TTXVN dạy tiếng Việt cho lứa sinh viên năm thứ nhất ấy. Tiếng nói của một dân tộc cách xa nửa vòng trái đất, có sức hút mạnh mẽ với những thanh niên tràn đầy lý tưởng của đất nước Cuba mới. Lớp có 24 sinh viên nhưng hết năm thứ hai thì chỉ có 5 người được cử sang Việt Nam để học. Maria Hiền cùng 2 bạn nữ và 2 bạn nam, tên Việt của họ là Huệ, Hoà Bình, Việt và Nam.

“Chị yêu tiếng Việt và Việt Nam! Em nhớ nhé!” ảnh 2

Hiền Maria khi mới tốt nghiệp đại học ở Việt Nam

Chuyện về người của một thời với nhiều buồn vui, bồi hồi và thương cảm. Trong những người đi học ở Việt Nam cùng chị Hiền, chỉ có ba người vẫn tiếp tục nghề phiên dịch tiếng Việt. Một người chuyển sang ngành ngoại giao, một người làm ngành du lịch, nay đã sang Mỹ sống cùng con gái…

Toàn bộ thời gian công tác, Hiền Maria là người của Văn phòng Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng Cuba, sau là Bộ Ngoại giao. Bà từng làm phiên dịch cho lãnh tụ Fidel Castro. Ấn tượng của bà với lãnh tụ cách mạng là Fidel làm việc rất nghiêm. Ông thường hỏi những phiên dịch khác về người phiên dịch của mình xem trình độ ra sao, dịch có chuẩn xác ý của ông không. Sau rồi ông rất quý Hiền Maria. Có những lần ông đùa về mái tóc xoăn tít của bà ngay khi có mặt khách quốc tế. “Những điều này thì chị không dịch”, bà Hiền cười.

Maria Llorens Trevino từng là đại biểu Quốc hội Cuba. Bà kể, một số người quen thấy bà có điều kiện làm việc gần gũi lãnh đạo cao nhất, “có lời nhờ vả” nhưng bà từ chối thẳng. “Chị là cán bộ, là người giúp việc phục vụ cho Fidel Castro. Chị cố gắng làm tốt công việc của mình và không được phép đòi hỏi!”, bà nói.

Về hưu bà vẫn giúp cơ quan cũ khi có đoàn khách Việt Nam sang công tác. Vất vả và thù lao không bao nhiêu, nhưng với bà đó là niềm vui vì được nói tiếng Việt.

Cả đời làm việc, cống hiến, giờ đây bà ở trên căn nhà xép như tổ chim trên sân thượng một ngôi nhà cổ. Ngoài sân là tiếng chim và có những con bay cả vào phòng. Bà nuôi hai con chó. Những phòng bên dưới diện tích lớn hơn, thuận lợi hơn là của “những người trước cách mạng là người ở thuê, sau cách mạng họ ở luôn không trả nữa”, bà kể như một câu chuyện đương nhiên như hết mùa khô sẽ đến mùa mưa ở La Habana.

Căn phòng mà Hiền Maria ở, phòng khách cũng là bếp và phòng ăn treo đầy những tấm ảnh kỷ niệm. Vị trí trang trọng nhất là hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên dưới là hình chụp… bàn tay Fidel Castro! Hỏi thì bà bảo chị có rất nhiều ảnh lãnh tụ, nhưng ảnh chụp bàn tay ấy chị thích! Nói rồi bà lấy ra rất nhiều ảnh Fidel lưu trữ từ rất lâu rồi. Toàn ảnh đen trắng, bà bảo “Em thích thì chị tặng!”. Tôi xin bà vài cái làm kỷ niệm.

Trên tường còn có ảnh bà cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ở bức tường đối diện có hình một bà mẹ Việt Nam mặc áo bông đội khăn. Giá sách của bà nhiều tượng nhỏ kỷ niệm những chuyến đi Việt Nam và sách tiếng Việt. Tôi nhìn thấy ngoài Từ điển Tiếng Việt là sách công cụ, có Lịch sử Việt Nam, Truyện Kiều, Tiếp sau nỗi buồn – một người Mỹ giữa làng quê Việt Nam

Bà lấy cả một kho ảnh ra cho tôi xem, có hình bà Nguyễn Thị Định với lời đề tặng phía sau “Chị thân mến tặng em Hiền thân yêu của chị, tấm ảnh chị chụp năm 1974 thời kỳ còn chống Mỹ cứu nước tại chiến khu miền Nam. Chị của em”. Dưới dòng tên ký là thời điểm tháng 10/1982.

Có một chuyện để tôi được ngạc nhiên về hiểu biết và tình cảm của Hiền Maria với Việt Nam. Đó là bà liên tục nhắc tôi cần đọc cuốn sách “Tuổi vàng” của Jose Marti, trong đó Người Anh hùng dân tộc của Cuba đã viết về con người và đất nước Việt Nam – khi đó là xứ An Nam thuộc Pháp với tình cảm yêu mến và khâm phục ý chí đấu tranh cùng đức tính cần cù. Thú thực, trước khi đi Cuba tôi đã tự trang bị một số kiến thức qua nhiều kênh khả tín.

Nhưng tôi không hề biết Jose Marti (tên đầy đủ José Julián Martí Pérez, sinh 28/1/1853– mất 19/5/1895) đã đặt viên gạch hữu nghị đầu tiên giữa hai đất nước Cuba và Việt Nam bằng một áng hùng văn tràn đầy tình cảm như vậy. Thì hôm hẹn nhau đến thăm nhà ông “Hùng” - người từng hai lần là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam, bà Hiền đã mang theo cuốn sách ấy cho tôi đọc. Cuốn sách “Tuổi vàng” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành bằng tiếng Việt mà bà giữ như đồ quý.

Chuyện về “đồng chí Hùng” - tức ông Fredesmán Turró González - người từng hai lần là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam (1999-2004 và 2008-2013) xin hầu bạn đọc trong một bài báo khác. Ở đây chỉ điểm qua rằng người thanh niên 18 tuổi Fredesmán đến Việt Nam năm 1968 để học tiếng Việt trong phiên chế quân đội. Ông vẫn nhớ như in tiếng kẻng báo thức lúc 5 giờ sáng để đơn vị dậy tập thể dục và sau đó từ chiếc loa “rất to, tôi chưa từng thấy ở đâu” vang lên tiếng nhạc và giọng nói dõng dạc: Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội… Sau tiếng tút tút 6 giờ sáng là đi học hoặc đi lao động giúp dân. Điều trăn trở của ông Hùng là cho đến nay, ông và đồng đội thời đó vẫn chưa tìm lại được địa chỉ mà đơn vị mình đóng quân và học tập tiếng Việt. Bởi lý do lúc đó toàn bộ liên lạc phải lấy theo địa chỉ bí mật. Ông chỉ nhớ đó là một ngôi làng cách Hà Nội chừng 15 cây số…

Thời sinh viên, Hiền Maria cứ thứ Bảy, Chủ nhật là đạp xe cùng các bạn Cuba đi tham gia “lao động XHCN” xây dựng khách sạn Thắng Lợi và nhiều công trình khác. Học xong về Cuba, bà làm giáo viên tiếng Việt 1 năm chính ở ngôi trường mà mình đã học.

Rồi bà đi phiên dịch cho một đoàn cán bộ y tế Việt Nam sang Cuba hợp tác trao đổi kiến thức về đông y giúp nước bạn. Làm phiên dịch cho bác sĩ đông y Việt Nam dạy các kiến thức hoàn toàn mới cho các bác sỹ Cuba trong thời gian hơn nửa năm là một việc rất khó khăn. Duyên kỳ ngộ, bà đã gặp người chồng tương lai ở đó. Ông là người Cuba nhưng đã nghiên cứu về y thuật không dùng thuốc nên hiểu được một phần những kiến thức của Việt Nam như châm cứu, bấm huyệt… và đã giúp bà những khái niệm chuyên môn để có thể phiên dịch được cho cả hai phía. Sau đợt này, hai người cùng sang Việt Nam và một lễ cưới đầm ấm đã diễn ra ở Đại sứ quán Cuba. Chồng bà, ông Luis Angel Urgellés Lorié làm việc ở Bệnh viện Việt Nam – Cuba tại Hà Nội.

“Ôi một thời toàn người tốt!”. Bà cảm thán với tôi. Một luồng gió mát từ biển ào qua cửa sổ mở rộng. Nhà Hiền Maria không có máy điều hoà và cũng không cả quạt.

Nhiệm kỳ đầu ở Việt Nam, bà làm ở bộ phận hợp tác về nông nghiệp, y tế và xây dựng giúp Việt Nam. Đôi vợ chồng trẻ ở Khu Chuyên gia – Khách sạn Kim Liên, Hà Nội. Mang thai con gái đầu lòng và cũng là duy nhất đến tháng thứ 8 bà vẫn ở Việt Nam, chỉ đến gần lúc sinh nở mới về Cuba. “Chị muốn sinh con ở Việt Nam luôn, nhưng đúng là lúc đó Việt Nam khó khăn quá, đến thuốc tê cũng hiếm…”. Ấy là thời điểm tháng 10/1986.

Nhiệm kỳ thứ hai khi bà Hiền Maria sang công tác thì “chị thấy Việt Nam đã đổi mới rất nhiều!”. Đó là quãng thời gian đầu những năm 2000. Bà mang cả con gái sang và cho học đại học ở Việt Nam…

Hơn hai tuần rong ruổi với Hiền Maria rất thú vị nên cảm giác quá nhanh. Rồi tôi cũng phải chia tay với La Habana. Tiễn tôi, bà Maria Llorens Trevino Hiền nhắc lại câu chuyện muốn mở một lớp cho con em người Việt ở Cuba học tiếng Việt! Bà sẵn sàng làm công việc ấy, không đòi hỏi gì, vì “Chị yêu tiếng Việt và Việt Nam! Em nhớ nhé!”.

LAH, tháng 8 năm 2023

MỚI - NÓNG