Chợ 'bỏ bùa' khách Hàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có một khu chợ ở Đà Nẵng mà có lẽ khách Hàn Quốc nào cũng phải đến và rút hầu bao. Khu chợ “bỏ bùa” du khách xứ sở Kim chi nằm ngay trung tâm thành phố, bên dòng Hàn giang, có tên cũng thật trùng hợp với nguồn du khách áp đảo: chợ Hàn.

Nhất định phải đến

Chợ Hàn hình thành từ hơn 80 năm trước, mang cái tên này đơn giản vì nằm cạnh sông Hàn. Đứng bên bờ sông, thấy xe du lịch nối đuôi nhau thả khách vào chợ. Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban quản lý chợ Hàn cho hay chợ đón khoảng 10.000 khách một ngày, trong đó 80% là khách Hàn Quốc.

Chợ 'bỏ bùa' khách Hàn ảnh 1

Du khách Hàn Quốc lựa chọn mẫu mã để “may nóng” áo dài trong chợ Hàn. Ảnh: Thanh Hiền

Từ sáng sớm, những đoàn khách Hàn đã có mặt khắp các lối vào chợ trên đường Hùng Vương, Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học... Anh Kim Tea Joon (23 tuổi, Hàn Quốc) cùng bạn gái lần đầu tiên đến Đà Nẵng khoe với chúng tôi cuốn sổ tay sưu tầm những địa điểm phải tới ở thành phố này. Ngày đầu tiên, anh trải nghiệm đi cáp treo ở Bà Nà, chiều về tắm biển, tối đến xem cầu Rồng phun lửa. Ngày thứ hai, anh dành khoảng thời gian từ 9h sáng đến 13h để đi chợ Hàn. “Ở Hàn Quốc, khi nhắc đến Đà Nẵng mọi người đều nói tới chợ Hàn, tôi cũng đã xem nhiều review trên mạng xã hội và quyết định dành nhiều thời gian cho khu chợ này”, anh chia sẻ. Sau khi đi một vòng khu đặc sản ở tầng 1, tay anh lỉnh kỉnh xách theo mấy túi đồ, toàn những mặt hàng có thể để lâu, mang về làm quà. Kim Tea Joon cởi mở, rất vui vì mua được các sản phẩm từ xoài như kẹo, bánh, xoài sấy - món sở trường của người Hàn Quốc. Ngồi trên ghế đợi, cặp đôi xứ Kim chi bàn tính sẽ lên tầng 2 mua giày dép, sau đó xuống lại tầng 1 thưởng thức các món ngon của Đà Nẵng, trong đó có bánh tráng cuốn thịt heo. Thời gian còn lại, anh sẽ “hộ tống” bạn gái đi mua áo quần, vải vóc, đồ phụ kiện…

Chị Lee Seo Bin (27 tuổi) được người thân từng tới Đà Nẵng mách nước nhất định phải đi chợ Hàn. Khi xem clip trải nghiệm ở ngôi chợ này, chị náo nức được một lần đến đây và thỏa sức mua sắm. Taxi đưa chị đến cổng chợ phía đường Trần Phú, vừa xuống xe, những quầy hàng bán mũ, túi xách ngay mặt tiền chợ đập vào mắt. Chị bị những chiếc mũ, túi cói, đồ hand made “bỏ bùa” và phải rút ví gần 1 triệu đồng để mua cho bằng được. “Những sản phẩm này rất thời trang, dễ phối đồ, phù hợp với phong cách nhẹ nhàng của người Hàn Quốc nên tôi rất thích. Tôi đã mua thêm mũ vành tròn để về tặng mẹ và chị gái, chắc chắn họ sẽ rất hài lòng”, chị Lee Seo Bin phấn khích. Nhiều du khách Hàn Quốc lý giải họ thích chợ Hàn vì đây là chợ truyền thống, mang văn hóa địa phương, chợ cũng không lớn nhưng đáp ứng được những gì du khách cần mua trong chuyến du lịch, là áo quần, giày dép, thức ăn, hàng lưu niệm. Đặc biệt, mọi thứ đều tìm kiếm rất dễ.

10h sáng trở đi, những quầy hàng ở chợ Hàn không lúc nào vắng khách, tiểu thương tất bật bày soạn, đóng gói, tính tiền. Có quầy phải phụ thêm hai, ba người. Chị Tâm Thảo (hàng áo quần) thừa nhận quầy hàng của chị và hầu như tất cả tiểu thương chợ này sống được đều nhờ vào khách Hàn Quốc. Người Hàn Quốc rất thích làm đẹp nên các mặt hàng thời trang bán rất chạy, nhất là các loại áo quần du lịch, mang đi dạo biển…

Ở chợ Hàn còn có một dịch vụ mà hiếm khu chợ nào có khiến những người khách chú trọng ngoại hình khó bỏ qua, là “may nóng” áo dài. Du khách chỉ cần chọn loại vải mình thích, sau đó đến dãy quầy may phía sau sẽ được đo, cắt, may tại chỗ. Đúng một tiếng sau sẽ trao tận tay bộ áo dài “mới ra lò”. Chị Ji-won (35 tuổi) cùng hai con gái đã chốt ngay 3 bộ áo dài màu hồng với giá từ 300 - 500 ngàn mỗi bộ. Chị không giấu được sự ngạc nhiên, thán phục vì việc may áo thần tốc mà vẫn rất đẹp, vừa vặn, giá cả lại rất phải chăng.

Học tiếng, bắt trend giữ khách

Chợ 'bỏ bùa' khách Hàn ảnh 2

Hàn Quốc là nguồn khách áp đảo trong chợ Hàn. Ảnh: Thanh Hiền

Vừa tiếp chuyện chúng tôi, vừa để mắt khi khách tới xem hàng, chị Thảo hết nói tiếng Anh lại chuyển sang tiếng Hàn chào hỏi khách. Những câu giao tiếp bình thường và từ ngữ liên quan đến mua bán, chị nói rất mượt. Chị chiêm nghiệm, ai tới một vùng đất khác mà người dân ở đó nói được tiếng nước mình thì đều vui lòng cả, huống hồ gì buôn bán. “Nếu chào khách bằng tiếng nước họ, họ sẽ rất ấn tượng, cởi mở và phóng khoáng hơn nhiều. Từ đó mua đồ cực kỳ “đã”, thậm chí còn bo thêm”, chị cười.

Cũng như chị Thảo, nhiều tiểu thương hiểu rõ đặc thù chợ du lịch thường xuyên đón khách quốc tế nên đã học thêm tiếng Hàn, Anh, Thái, Trung Quốc… để có thể tương tác được với các “thượng đế”. Bên quầy đặc sản, các tiểu thương cười tươi, nhiệt tình mời khách nước ngoài ăn thử bằng ngoại ngữ. Một khu chợ truyền thống nhưng rất hội nhập. Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban Quản lý chợ Hàn chia sẻ, từ năm 2018, chợ Hàn bắt đầu đông hẳn lên, khách Hàn luôn luôn áp đảo. Để giao tiếp được với khách quốc tế, các tiểu thương không chỉ tự mày mò mà còn đăng ký đến các trung tâm học ngoại ngữ, có người giao tiếp được hai, ba thứ tiếng. Vì vậy du khách đến chợ rất ưng bụng.

6 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng đón hơn 82.000 lượt khách Hàn Quốc, chiếm hơn 40% thị trường khách quốc tế. Làn sóng khách Hàn đến chợ Hàn ngày một nhiều hơn, đòi hỏi khu chợ này phải tìm mọi cách đón thời cơ và giữ chân cho bằng được. Từng tiểu thương trong chợ, nhất là mặt hàng thời trang luôn phải bắt “trend” ngoài kia chuộng mang gì, cập nhật mẫu mã mới, tìm hiểu gu thời trang của khách Hàn. Lạc vào khu quần áo, bạt ngàn những chiếc sơ mi phong cách Hawaii, đầm maxi in hình hoa lá, áo thun cotton…năng động, phù hợp với hoạt động ngoài trời. Phía quầy giày dép, những đôi sục với phụ kiện đính kèm dễ thương, bắt mắt hút khách. Chị Quỳnh An (hàng giày dép) kể rằng, có đợt khách Hàn cực kỳ ưng giày dép cói, hàng nào cũng chưng, bây giờ khách “đu trend” đi sục vì tiện lợi, nắng mưa gì cũng “cân” được nên phải chiều theo. Ở tầng 1, nơi bán các loại đặc sản, bánh kẹo…hàng nào cũng có các món làm từ xoài. Bánh dẻo xoài, kẹo xoài, xoài sấy, mứt xoài…vì đây là món sở trường của người Hàn Quốc.

Trong chuyến du lịch lần này, đoàn của anh Ji Yoo (47 tuổi) với gần 10 người đều đánh giá chợ Hàn là điểm đến mang lại cho họ nhiều trải nghiệm thú vị nhất. Các anh trai mua giày dép, còn các chị thì chọn váy áo để mang đi biển, đi Hội An chụp ảnh.

Ban Quản lý chợ Hàn cho hay, để phục vụ và gây ấn tượng tốt với du khách, chợ có bộ tiêu chí “chợ văn minh thương mại”, trong đó chú trọng việc tiểu thương phải có thái độ kinh doanh, giao tiếp văn minh, thân thiện, hòa nhã với khách hàng; hàng hóa kinh doanh trong chợ được niêm yết bảng giá, bán theo giá niêm yết, đảm bảo cân đúng, cân đủ… Ngoài ra, tiểu thương cũng sẽ được tham dự các lớp tập huấn kỹ năng để phục vụ du khách chu đáo hơn nữa.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Và Tôi Cũng

Mong rằng chị em tiểu thương chợ Hàn nói riêng và người Đà Nẵng mình nói chung (thành phố đáng sống nhất hành tinh) đừng vì những lợi ích nhỏ nhặt ( con tép) mà mất đi cái lớn lao ( con cá voi) mọi thành phố đều mơ ước!

Thích Trả lời

Có thể bạn quan tâm

Nhiều ngân hàng tăng vốn, có cổ đông lớn

Nhiều ngân hàng tăng vốn, có cổ đông lớn

TPO - Vietcombank dự kiến phát hành hơn 2.766 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ phát hành là 49,5%. Sau phát hành, vốn điều lệ Vietcombank tăng từ gần 55.891 tỷ đồng lên gần 83.557 tỷ đồng. Bac A Bank sẽ phát hành hơn 62 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tăng vốn điều lệ thêm gần 621 tỷ đồng, từ hơn 8.959 tỷ đồng lên 9.580 tỷ đồng.
12 lãnh đạo chi nhánh Vietcombank sang Ngân hàng Xây dựng

12 lãnh đạo chi nhánh Vietcombank sang Ngân hàng Xây dựng

TPO - Ông Nguyễn Mạnh Hùng - thành viên HĐQT Vietcombank - được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng thành viên Ngân hàng Xây dựng Việt Nam kể từ ngày 16/1/2025. Đến nay, Vietcombank đã cử biệt phái 12 lãnh đạo các chi nhánh Vietcombank sang CB giữ các vị trí quan trọng.
Cổ phiếu Tân Tạo sắp phải rời sàn

Cổ phiếu Tân Tạo sắp phải rời sàn

TPO - Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM sẽ thực hiện thủ tục hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo, theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và căn cứ ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.