Chờ đại dự án hồi sinh những dòng sông Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TP - HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt vấn đề phải giải quyết triệt để ô nhiễm, làm sống lại hình ảnh các dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa – lịch sử Thủ đô. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng khi các “đại dự án” chưa về đích.

Làm sống lại các dòng sông

Nhiều năm nay, khi nhắc đến các dòng sông nội đô ở Hà Nội, người dân và du khách nghĩ ngay đến những dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất chậm được khắc phục. Đặc biệt, chất lượng nước sông Đáy, Nhuệ vẫn không có dấu hiệu được cải thiện, luôn duy trì ở mức kém hoặc rất kém. “Tại các sông nội thành như Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, kết quả quan trắc phản ánh tình trạng bị ô nhiễm nặng”, quy hoạch nêu.

Chờ đại dự án hồi sinh những dòng sông Hà Nội ảnh 1
Nhiều dòng sông ở Hà Nội đang ô nhiễm nghiêm trọng

Trước tình trạng trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được thành phố Hà Nội đặt ra là giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch. Thành phố cũng đặt mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị. Theo đó, Hà Nội sẽ phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý. Đảm bảo quy mô nhà máy xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, sông Tích góp phần làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm. Thành phố cũng sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Liên quan đến các dự án xây dựng đập dâng trên sông Hồng, sông Đuống, TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu quan điểm, việc nâng mực nước sông Hồng sẽ giúp phục hồi cảnh quan sông Hồng. "Ở Hà Nội hiện nay, nhiều dòng sông cạn trơ đáy, người dân đổ nhiều chất thải nên ngày càng ô nhiễm. Nếu cứ để như vậy, nhiều dòng sông sẽ biến mất. Nếu triển khai đề án xây dựng đập dâng, nhiều dòng sông ở Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy sẽ lấy nước từ sông Hồng, có dòng chảy, phục hồi cảnh quan môi trường không chỉ cho Hà Nội mà cả vùng Thủ đô", ông Thắng nói.

Một giải pháp “đa mục tiêu” trong đó có việc hướng tới làm sạch các dòng sông ở Hà Nội đang được đề xuất thực hiện là xây dựng các đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống. Theo quy hoạch, dự kiến Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, sông Đáy hay thậm chí sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa. Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng thống nhất đề xuất xây dựng một số đập trên sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục vào các sông của Hà Nội. Việc này nhằm đảm bảo dòng chảy môi trường, tránh tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, trả lại khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm cho sông...

Tiếp tục chờ

Trao đổi với phóng viên, TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, giải pháp quan trọng nhất trong việc làm sạch sông Tô Lịch là không cho nước thải đổ xuống sông. “Hai bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ. Hằng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông. Nếu không tách được nước thải, mọi giải pháp đều khó hồi sinh được sông Tô Lịch”, bà An nói. Theo bà An, nhiều năm qua, Hà Nội đã chú trọng đến giải pháp tách nước thải khỏi sông Tô Lịch, thông qua việc thực hiện Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD. Dự án này có vai trò rất quan trọng đối với môi trường thành phố, đặc biệt là việc hồi sinh sông Tô Lịch. Tuy nhiên, dự án khởi công đã nhiều năm nhưng chưa hoàn thành. Bà An nhấn mạnh, Hà Nội cần quyết liệt thúc tiến độ dự án này. “Cần phải xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm tập thể, cá nhân thì tình trạng dự án “đắp chiếu” nhiều năm mới được khắc phục”, bà Bùi Thị An nói thêm.

Về tiến độ xây dựng Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, theo báo cáo của đơn vị quản lý, đến nay, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành thử trong quý II-2024, hoạt động chính thức trong năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn hai gói thầu gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trước vấn đề này, trong cuộc kiểm tra, làm việc mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm, tập trung thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành. Ông Dũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát chặt chẽ yêu cầu, tập trung đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm hiệu quả, chất lượng; giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc, đưa dự án vận hành thử và vận hành chính thức theo kế hoạch.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 phải đảm bảo tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 50-55% nhưng hiện nay mới xử lý được 28,8%. Để đạt được mục tiêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý nước thải. “Khi hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, 50% lượng nước thải của thành phố sẽ được xử lý”, ông Đinh Tiến Dũng cho hay. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá không chỉ có ý nghĩa về việc đạt chỉ tiêu xử lý nước thải của thành phố mà còn góp phần rất quan trọng trong việc làm sạch các sông quan trọng của Thủ đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, cũng như phục vụ cho gần một triệu dân trong phạm vi 6 quận nội thành và huyện Thanh Trì.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.