Chọn Sách giáo khoa năm học 2024-2025: Giáo viên sẽ trách nhiệm, tâm huyết hơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các nhà xuất bản đã giới thiệu sách giáo khoa mới lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho năm học 2024-2025 tới giáo viên, trường học. Năm học tới là năm đầu tiên, giáo viên được trả lại quyền chọn bộ sách để dạy học trong bối cảnh thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa (SGK).

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến nay, đơn vị đã hoàn thành việc giới thiệu SGK mới lớp 5, lớp 9, lớp 12 tới hơn 55.000 cán bộ, giáo viên. Đó là đội ngũ dự kiến sẽ dạy các lớp cuối cấp trong năm học tới.

Tại tỉnh Thanh Hoá, các Phòng GD&ĐT cũng tổ chức cho các trường học tập huấn SGK mới, nghe tác giả biên soạn sách giới thiệu về quan điểm biên soạn, cấu trúc sách, cấu trúc bài học, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh… Các địa phương khác cũng lựa chọn hình thức giới thiệu, tập huấn SGK theo hình thức trực tiếp đối với đội ngũ cốt cán và trực tuyến tới nhà trường. Theo nhiều nhà quản lý cơ sở giáo dục, dù trường học ở bậc nào cũng có một số năm triển khai sách mới nhưng khi giao quyền chọn sách cho giáo viên, họ sẽ tâm huyết, trách nhiệm hơn với bộ sách sẽ dạy học.

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, năm nay quyền lựa chọn SGK được giao về cho các nhà trường và giáo viên có một tháng để đọc kỹ, đưa ra ý kiến đối với từng đầu sách. Ở bậc THCS đã triển khai dạy sách mới lớp 6, lớp 7, lớp 8, hiện chỉ có đội ngũ dạy lớp 9 năm tới nghiên cứu sách mới. “Để lựa chọn sách mới, giáo viên phải nghiên cứu kỹ, phù hợp với thực tế học sinh, nhà trường để chọn bộ sách phù hợp, dân chủ. Ban giám hiệu tuyệt đối không định hướng giáo viên phải lựa chọn đầu sách nào”, bà Hồng nói.

Năm học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, SGK từ lớp 1, Bộ GD&ĐT giao cho các trường lựa chọn sách để dạy học. Một năm sau, quyền lựa chọn SGK mới lại thuộc về các tỉnh, thành phố. Năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT có thông tư quy định quyền lựa chọn sách thuộc về giáo viên các nhà trường. Theo đó, mỗi trường học sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn SGK; cho toàn bộ giáo viên môn học tham gia lựa chọn SGK các môn.

Theo bà Hồng, đến 20/3, các trường phải chốt danh mục SGK hội đồng lựa chọn gửi đơn vị quản lý để nắm thông tin. Sau khi đã chọn các đầu sách, nhà trường sẽ mời tác giả biên soạn SGK đến để trao đổi, giải đáp băn khoăn của giáo viên trước khi vào dạy học. Sau 3 năm dùng SGK mới, đa số giáo viên thích nghi và chịu tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt ở bộ môn Ngữ văn, chương trình mới “dạy một đằng thi một nẻo”, Bộ GD&ĐT yêu cầu không dùng ngữ liệu trong SGK để kiểm tra, đánh giá. Nhờ vậy, giáo viên phải dạy theo hướng cung cấp kiến thức cơ bản, dạy kỹ năng làm bài và hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, cách dạy theo SGK mới cũng kích thích tư duy sáng tạo của học sinh.

Cũng có thể hai năm hai đầu sách

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, trước đây, khi quyền chọn sách không thuộc về giáo viên nhưng hằng năm nhà trường cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá và chọn sách. Danh mục sách nhà trường gửi lên các cấp quản lý, sau đó sẽ có hội đồng cấp tỉnh, thành phố lựa chọn. Nhà trường sẽ chỉ được chọn ra bộ sách trong danh mục đã được thành phố phê duyệt để dạy học. Khi giao quyền chọn sách về cho từng trường học, giáo viên sẽ vất vả hơn trong đánh giá, tuy nhiên điều đó thuận lợi hơn vì họ hiểu học sinh và hiểu từng đầu sách để chọn. Khi đó, cũng có thể xảy ra các tình huống như: một trường chỉ chọn bộ sách của một nhà xuất bản, cũng có trường nhặt từng đầu sách của các nhà xuất bản khác nhau.

Chọn Sách giáo khoa năm học 2024-2025: Giáo viên sẽ trách nhiệm, tâm huyết hơn ảnh 1

Từ năm học tới, giáo viên được trao quyền chọn SGK mới để dạy học

Để chuẩn bị bộ sách cho năm tới, giáo viên, khối trưởng chuyên môn cùng đọc từng đầu sách, sau đó có báo cáo về ưu điểm, tồn tại để so sánh các sách khác nhau. Điều cần lưu ý đối với giáo viên trong 5 năm là SGK đó có phù hợp với đặc điểm học sinh của trường hay không. Ví dụ, ở nơi phụ huynh có trình độ dân trí không cao, chọn bộ sách nào dễ tiếp cận để họ có thể đồng hành, hỗ trợ con. Nhưng hiện nay cũng chỉ có 3 bộ sách, trong đó một bộ có ngữ liệu phù hợp với các tỉnh miền Nam nên phạm vi lựa chọn thu hẹp trong 2 bộ còn lại. “Bộ dùng nhiều từ ngữ gần gũi, phù hợp với các tỉnh miền Nam có cách dùng từ như: ba má, con heo… Nếu lựa chọn dạy cho học sinh, giáo viên sẽ phải giải thích rất nhiều”, vị phó hiệu trưởng nói.

Theo vị Phó hiệu trưởng, trong 4 năm dạy SGK mới cũng có lúc chọn chưa chuẩn và điều chỉnh. Ví dụ năm đầu tiên lớp 1 dạy sách Toán của đơn vị này nhưng sau một năm phát hiện ra cách “đi” của sách đó khá giống với chương trình giáo dục phổ thông 2006, trong khi SGK khác có cách tiếp cận, đặt vấn đề hay hơn. Tuy nhiên, trong 2 năm thay đổi 2 đầu sách nhà trường cũng phải tìm cách giải thích với phụ huynh rất kỹ, nếu không trong một nhà có 2 anh em liên tiếp đi học nhưng không học được sách của nhau.

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, trong các đợt giới thiệu SGK, đơn vị đã lưu ý những nội dung, nguyên tắc cơ bản để chọn sách. Đó là bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy, học của từng trường. Trong đó, điểm đặc biệt là năm học 2024-2025 là năm cuối cùng trong lộ trình thực hiện chương trình SGK mới đối với các khối lớp cuối cấp ở cả 3 bậc học. Năm nay, giáo viên được trao quyền bỏ phiếu lựa chọn sách trên cơ sở nghiên cứu, nhận xét đánh giá các SGK trong danh mục SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Hiệu trưởng nhà trường được trao quyền thành lập hội đồng lựa chọn SGK để đưa vào giảng dạy ở đơn vị mình.

MỚI - NÓNG