Tác giả, diễn giả, Chủ tịch Tập đoàn GBM Group Nguyễn Mến. |
Thưa Chủ tịch GBM Group Nguyễn Mến, doanh nghiệp chị có thích tuyển dụng những nhân sự có thương hiệu cá nhân không?
Chủ tịch GBM Group Nguyễn Mến: Đương nhiên là có rồi. Việc nhân sự mới giới thiệu được với sếp những điểm mạnh nhất của bản thân sẽ giúp cho quá trình giao việc được nhanh chóng và chuẩn xác hơn. Cả nhân sự mới và doanh nghiệp sẽ không mất thời gian để tìm hiểu nhau. Điều này tốt cho cả hai phía.
Hiện có nhiều định nghĩa về thương hiệu cá nhân. Nhưng theo cá nhân tôi, thương hiệu cá nhân chính là cái mà mình giỏi nhất, nổi bật nhất được người khác công nhận và nghĩ về mình đầu tiên.
thương hiệu cá nhân chính là cái mà mình giỏi nhất, nổi bật nhất được người khác công nhận và nghĩ về mình đầu tiên.
Các doanh nghiệp đang cần nhân sự có thương hiệu cá nhân như thế nào, thưa chị?
Chủ tịch GBM Group Nguyễn Mến: Theo tôi, doanh nghiệp nào cũng cần nhân sự có thương hiệu để phục vụ công việc của công ty một cách tốt nhất có thể. Thương hiệu cá nhân của người chủ doanh nghiệp rất quan trọng, nhưng thương hiệu đó có mạnh đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể bằng hàng chục, hàng trăm nhân sự đều có thương hiệu tốt.
Cá nhân tôi cho rằng, doanh nghiệp cần những nhân sự có năng lực và thái độ làm việc phù hợp. Ở đây, thương hiệu cá nhân của nhân sự được hiểu đơn giản là họ thể hiện được những điểm mạnh nhất của mình ở hai lĩnh vực năng lực và thái độ. Năng lực và thái độ đó phù hợp với vị trí mà doanh nghiệp cần và có thể phục vụ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi nhân sự có thương hiệu cá nhân tốt thì cả họ và doanh nghiệp sử dụng họ đều có lợi. Ví dụ, trong công ty tôi có nhân sự khiến cho mọi người biết cô ấy là người rất cẩn thận, chu đáo, trách nhiệm thì cô ấy phù hợp với công việc quản lý khâu sản xuất hàng hóa, kiểm soát chất lượng sản phẩm và sẽ được cấp trên giao nhiệm vụ đó. Hoặc có nhận sự rất mạnh trong ngoại giao, tư vấn chăm sóc khách hàng thì anh ấy sẽ phát huy được thế mạnh ở mảng marketing và bán hàng...
Chủ tịch GBM Group Nguyễn Mến là giảng viên, diễn giả được yêu thích tại nhiều trường doanh nhân, trường đại học, tỉnh, thành Đoàn... |
Doanh nghiệp của chị đang đánh giá thương hiệu cá nhân của nhân sự mới như thế nào, thưa chị?
Chủ tịch GBM Group Nguyễn Mến: Do yêu cầu của công việc, doanh nghiệp chúng tôi tuyển nhân sự mới thường xuyên. Tôi ví việc đánh giá thương hiệu cá nhân của ứng viên như một hành trình có nhiều điểm chạm. Điểm chạm đầu tiên là CV. Điểm chạm tiếp theo là phỏng vấn (nếu qua được vòng CV). Điểm chạm sau đó là thử việc (nếu qua được vòng phỏng vấn). Điểm chạm tiếp theo là trở thành nhân sự chính thức (nếu qua được vòng thử việc). Qua mỗi điểm chạm ứng viên đều phải thể hiện nổi bật được thế mạnh của bản thân so với các ứng viên còn lại. Và khi chứng minh được mình thực sự nổi bật qua các vòng (điểm chạm) này thì ứng viên đã cho lãnh đạo doanh nghiệp thấy được thương hiệu cá nhân của mình. Điều này rất quan trọng. Ví dụ nếu có quá nhiều ứng viên gửi CV mà CV của bạn chẳng có gì khác biệt với các CV khác (nội dung và hình thức) thì đương nhiên bạn sẽ bị loại, bạn không có cơ hội được đến với vòng tiếp theo. Hay nếu bạn qua được vòng CV mà lại không có gì nổi bật ở vòng phỏng vấn thì bạn cũng sẽ bị loại...
Từ ví dụ trên cho thấy, việc xây dựng thương hiệu cá nhân của ứng viên khi đi tuyển dụng là cần thiết và phải được làm đồng bộ ở tất cả các khâu.
Chị có cho rằng các doanh nghiệp yêu cầu “Thương hiệu cá nhân” với các bạn sinh viên mới ra trường thì cũng giống như việc yêu cầu các bạn ấy phải có “Kinh nghiệm làm việc”, mà trên thực tế thì đa phần các bạn sinh viên có vẻ như chưa thể có?
Chủ tịch GBM Group Nguyễn Mến: Thực ra thương hiệu cá nhân khác với kinh nghiệm làm việc. Như tôi đã phân tích ở trên thương hiệu cá nhân không phải là một thứ gì đó cao siêu, ai cũng có thể chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân, độ tuổi nào cũng có thể xây dựng thương hiệu cá nhân. Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là sống ảo, không phải là để nổi tiếng... Nó đơn thuần là để bạn nổi bật với thế mạnh của mình. Bạn là sinh viên nhưng bạn có thế mạnh nhất là chăm chỉ, cầu tiến thì học việc rất nhanh, bạn có thế mạnh là năng nổ, hoạt bát thì rất dễ hòa nhập với môi trường làm việc, bạn có thế mạnh là nhiệt huyết hết lòng vì công việc thì sẽ luôn được cấp trên trọng dụng…
Để làm nổi bật thế mạnh của bản thân thì thời bây giờ có rất nhiều cách, bạn chỉ cần tìm cách phù hợp nhất với bản thân mình thôi. Bạn có thể thể hiện nó trên mạng xã hội, trên CV giới thiệu bản thân, khi gặp trực tiếp nhà tuyển dụng, trong thời gian thử việc…
Tôi thấy nhiều bạn sinh viên bây giờ đã trở thành KOLs (những người ảnh hưởng đến công chúng) trên mạng xã hội ở những lĩnh vực các bạn ấy có thế mạnh. Và chưa cần các bạn ấy tốt nghiệp thì nhiều doanh nghiệp đã mời các bạn ấy về làm việc rồi. Đây là một ví dụ về thương hiệu cá nhân rất gần gũi với các bạn sinh viên.
Theo quan điểm của Chủ tịch GBM Group Nguyễn Mến: "Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là sống ảo, không phải là để nổi tiếng..." |
Chị có điều gì muốn chia sẻ với các bạn sinh viên để có thể xây dựng thương hiệu cá nhân một cách hiệu quả nhất?
Chủ tịch GBM Group Nguyễn Mến: Nếu các bạn quan tâm và thực sự muốn xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân một cách nghiêm túc thì các bạn nên đọc cuốn sách Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất của tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh. Đây là cuốn sách tác giả viết riêng cho giới trẻ có mong muốn xây dựng thương hiệu cá nhân bài bản. Tác giả là một người có rất nhiều năm làm việc với nhiều thế hệ sinh viên và cũng là một chuyên gia về truyền thông và marketing thực chiến nhiều kinh nghiệm.
Còn từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng, sau khi định vị được bản thân (biết rõ điểm mạnh, điểm yếu...) thì việc nhất quán trong xây dựng thương hiệu cá nhân là quan trọng nhất, dù bạn là sinh viên hay là ai đi nữa. Những gì bạn thể hiện trên mạng xã hội, trong học tập, trong công việc, trong đời sống hằng ngày, trong quan hệ với bạn bè... đều nên thống nhất theo một phong cách của chính bạn. Bạn không nên là một người nhí nhố trên mạng xã hội trong khi ngoài đời thực bạn là một người nghiêm túc thích sống nội tâm (mặc dù mạng xã hội cho phép bạn làm được điều đó).
Khi đưa ra thông điệp của bản thân, nên thật đơn giản để mọi người dễ nhận ra bạn. Ví dụ thông điệp tôi muốn mọi người nhớ đến tôi là Nữ CEO kinh doanh thời trang truyền cảm hứng sống tích cực cho chị em. (Cười).
Cảm ơn chị.
(Bài phỏng vấn được trích từ đặc san Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất của tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh do báo Tiền Phong xuất bản vào cuối tháng 6/2022).