Chữa lành

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Chữa lành” có thể hiểu một cách đơn giản là tự chữa trị, xoa dịu vết thương, cú sốc tâm lý/tâm hồn của mình, để trở nên lạc quan, an lành hơn.

Liệu pháp chữa lành ai nghĩ ra? Tôi cho rằng không có ai là người khám phá đầu tiên, mà xuất phát chính tự mỗi bản thể. Con người thời săn bắt hái lượm theo một cách bản năng đã tự biết chữa lành cho mình rồi. Trước cả những bùa phép ma thuật của phù thủy, pháp sư, trước cả tôn giáo. Đó là lý do loài người tồn tại đến ngày nay.

Dạo gần đây, hai chữ “chữa lành” trở thành trend hài hước trên mạng xã hội. Nhưng ai cũng biết, ẩn dưới sự đùa cợt ấy là vô vàn những nỗi âu lo, mệt mỏi, hoang mang thật sự trước bối cảnh phức tạp của đời sống xã hội, thế giới. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) hồi năm ngoái, thì “cứ 7 người trên thế giới, có tới 6 người bị ám ảnh bởi cảm giác bất an”. Điều đó đã xảy ra trước cả đại dịch, và ngay tại những quốc gia giàu nhất. Trước đó, báo cáo của Liên Hợp Quốc về Phát triển con người 2021-2022 đã đưa ra một khái niệm mới, đó là “Phức cảm bất định mới” (New Uncertainty Complex).

Một cú sốc nữa vừa tới, đó là AstraZeneca lần đầu thừa nhận vắc xin này có thể gây cục máu đông và hội chứng giảm tiểu cầu dẫn đến tử vong. Bản thân hãng dược phẩm khổng lồ này đang đối mặt một vụ kiện tập thể của khoảng 50 gia đình nạn nhân ở Anh. Tưởng tượng đây có thể khiến rất nhiều người từng tiêm loại vắc xin này từ hai năm trước phải khẩn cấp “chữa lành” tâm lý cho mình vì sốc!

Kỳ thực trên đời có thứ gì kể cả bổ béo tốt lành nhất mà không có tác dụng phụ. Với AstraZeneca, tỷ lệ biến chứng khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm, cực thấp so với hiệu quả cứu mạng trong đại dịch hẳn không ai có thể quên.

Nhớ một ý của Jared Diamond trong cuốn Súng, vi trùng và thép, rằng: “Nếu ai đó chết vì suy dinh dưỡng kéo dài, vì lũ lụt hay sóng thần, thì những người sống sót sẽ không nói rằng "cô ấy chết vì bị nhiễm biến đổi khí hậu 6 ngày trước" như thường nói về bệnh nhân COVID”. Đó là một thực tế đau đớn và dai dẳng. Mỗi chúng ta chỉ biết đau đớn và chăm bẵm chữa lành cho vết thương của cá nhân mình, mà không cần quan tâm nguyên nhân vết thương ấy đến từ đâu. Không thấy rằng mối nguy hiểm lớn nhất mà loài người đang đối mặt không phải từng loại dịch bệnh, mà chính là biến đổi khí hậu, là cạn kiệt tài nguyên, là tình trạng đói nghèo bất bình đẳng đang hủy diệt hành tinh này.

Chúng ta liệu có thể “chữa lành” bằng chùa to chuông lớn, bằng cách dâng lên thánh thần những chiếc bánh, tô mì khổng lồ, bằng những khoản cúng dường vô hạn độ? Chúng ta có thể tự “rút phích” thoát mình ra khỏi mọi nhốn nháo, xô bồ mệt mỏi đời sống thực để làm mới, tẩy rửa tưới tắm lại bản thân. Con người thậm chí đang được chữa lành bằng liệu pháp thực tế ảo: Bệnh nhân đối diện với nỗi sợ hãi, ám ảnh nhất của mình trong môi trường ảo, để có thể kiểm soát và vượt qua được chúng trên thực tế.

Chừng nào còn con người, chừng đó vẫn còn phải chữa lành. Nhưng không thể “chữa lành” bằng cách thoát ly, bàng quan với hiện thực.

MỚI - NÓNG