Chương trình lớp 10 mới với hơn 100 tổ hợp môn: Giáo viên, hiệu trưởng lo… vỡ trận

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chỉ gần 5 tháng nữa các trường sẽ triển khai chương trình lớp 10 mới. Nhiều giáo viên, lãnh đạo nhà trường cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách về vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Thêm nữa, đối diện nguy cơ "vỡ trận" ở khâu tổ chức môn học.

Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Các em chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, theo chương trình THPT mới các em chọn năm môn khác từ ba nhóm môn là điểm mới hoàn toàn so với hiện tại, với định hướng nghề nghiệp rất cao.

Cũng theo cô Huyền Thảo, theo đúng lý thuyết, nếu để học sinh tự lựa chọn, có 108 cách chọn năm môn này. Điều này dẫn đến thực trạng là sẽ có một số môn có thể rơi vào tình trạng ít được các em học sinh trong cùng một trường lựa chọn. Như vậy công tác quản lý trường học cũng sẽ rất nhiều cái khó. Khó trong việc quản lý và tổ chức lớp học.

Giáo viên này cho rằng, cách làm này dẫn đến tình trạng những môn được quá nhiều học sinh chọn không đủ giáo viên đứng lớp. Ngược lại, môn ít học sinh sẽ bị thừa giáo viên.

“Theo đó tình trạng thừa và thiếu giáo viên cục bộ sẽ diễn ra. Thế nên đây là giai đoạn các trường lên phương án chuẩn bị và định hướng cho giáo viên và phụ huynh, học sinh trong việc chọn nhóm môn và môn học. Chưa kể trong quá trình học các em còn thực hiện việc chuyển đổi môn học và chọn môn học khác khi hết lớp 10”- cô Thảo nói.

Một hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội cho rằng, môn Nghệ thuật, gồm Âm nhạc và Mỹ thuật - lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10 khiến nhiều trường lo nhất về khả năng thiếu giáo viên.

'Bởi lẽ, do những năm trước không dạy môn này, các trường đều không có giáo viên biên chế. Như vậy, để triển khai đúng kế hoạch,k trước năm học mới, nếu không tuyển giáo viên Nghệ thuật, trường có thể không đáp ứng được nhu cầu của học sinh', vị hiệu trưởng nhấn mạnh.

Còn nhiều băn khoăn

Nhiều hiệu trưởng cảnh báo nguy cơ vỡ trận chương trình lớp 10 mới ở khâu lựa chọn môn học.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, TP HCM cho rằng, nếu để học sinh tự chọn môn, chắc chắn các trường khó đáp ứng nhu cầu.

Thầy Phú cho rằng, việc đảm bảo nguồn nhân lực là vấn đề khó khi mà có nhiều tổ hợp chọn như vậy.

Theo chương trình mới, học sinh được học các môn bắt buộc, được lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm môn (gồm 9 - 10 môn) sẽ dẫn đến tình trạng học sinh chọn nhiều môn khác nhau tạo ra sự chênh lệch số lượng học sinh giữa các môn, điều này sẽ liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp nhân sự, giáo viên trong trường học có nhiều xáo trộn. Thậm chí, sẽ có những môn có khi bị "khai tử"

Như vậy, môn học quá ít học sinh lựa chọn sẽ dẫn đến thừa giáo viên, có thể không tránh khỏi tình trạng một lớp học chỉ có một vài em học sinh, trong khi có những môn học số lượng học sinh chọn quá đông nhưng điều kiện đội ngũ giáo viên lại không thể đáp ứng. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thừa - thiếu cục bộ. Chưa kể, nhiều môn mới còn gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên.

Khi trình Quốc hội phê duyệt, các ban ngành đã đề xuất cho các em tự chọn thì không thể để nhà trường xây sẵn những chương trình để ép học sinh vào theo kiểu “lùa vào chuồng”.

“Nếu như vậy là không đúng tinh thần, nội dung đã được phê duyệt. Nhưng tôi thấy hiện nay đang có khuynh hướng này”- thầy Phú nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Phú, không chỉ điều chỉnh về việc chọn môn học mà chương trình mới còn xuất hiện rất nhiều nội dung mới. Trong khi các trường đào tạo giáo viên lại vẫn hạn chế về số lượng.

Với các môn như môn Giáo dục địa phương, môn trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục kinh tế và pháp luật,…sẽ còn thiếu giáo viên vì hiện tại chưa có trường đại học nào đào tạo những ngành này thì nguồn nhân lực thì sẽ lấy đâu ra để đáp ứng. Vấn đề này, các lãnh đạo cấp trên phải tính toán.

Ông Phú cũng cho rằng, hiện nay, sách mới chỉ có bản trên website, giáo viên tự lên nghiên cứu. Việc chọn sách giáo khoa nên để quyền cho nhà trường thay vì để Sở GDĐT chọn như hiện nay.

“Đặc biệt, việc tuyển dụng giáo viên phải “trả về” nhà trường để chủ động, linh hoạt trong vấn để sử dụng, tuyển chọn nhân sự, sử dụng được người tài theo đúng nội dung 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức”- vị hiệu trưởng này đề xuất.

MỚI - NÓNG