Chút vĩ thanh Chuyện ngõ nghèo

0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Chuyện ngõ nghèo
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Chuyện ngõ nghèo
TP - Bữa mới rồi ngồi với nhà văn Tạ Duy Anh mới bừng ra vài cái à. Thì ra cái tên sách Chuyện ngõ nghèo do NXB Hội Nhà văn in lần đầu năm 2016 là của đích tác giả Nguyễn Xuân Khánh chứ chẳng phải ai khác!

Có khi là bà bạn Nguyễn Thu Hà, nguyên là Phó GĐ NXB Phụ Nữ cùng mấy chị em khác (từng là những bà đỡ khá mát tay cho những Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn… lần lượt ra đời ở nhà Phụ nữ) chưa biết cũng nên?

Số là lần ngồi với Thu Hà, thời điểm cuốn Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh đang nổi tiếng xa gần, chất giọng Thu Hà như có chi đó ái ngại, luyến tiếc về số phận long đong của cuốn sách. Ấy là Thu Hà từng bao nhiêu là hy vọng khi dâng bản thảo cuốn Trư cuồng (tên ban đầu của tác giả) cho một người quen là VIP ở cơ quan bảo vệ văn hóa để nhờ ông thẩm định. Mà cốt yếu là để nhờ cái uy ông bảo lãnh! Nhưng một thời gian sau, ông trả lại bản thảo Trư cuồng kèm cái câu thẳng băng em nói với tác giả là cuốn này phải viết lại hoặc xẻo đi một nửa thì mới có thể in được!

Rồi chưa rõ sau này, ai, nhà văn Trung Trung Đỉnh hay Phạm Xuân Nguyên hoặc ai đó trong nhóm dịch, cộng tác viên thân thiết của NXB Phụ Nữ của Thu Hà đã đưa bản thảo Trư cuồng đến NXB Hội nhà văn?

Trư cuồng đã nằm trên bàn biên tập viên Tạ Duy Anh!

Tôi ngước cái nhìn sang anh thợ đường hầm Sông Đà (trước đây ánh nhìn ấy là thân mật, bây giờ hình như có chút e dè?) với cái người từng Bước qua lời nguyền tác giả được nhiều độc giả mến mộ! Cấp độ mến mộ ấy đã tăng đã nhân thêm lên bởi Tạ Duy Anh không chỉ chăm chút riêng bộ lông cánh của mình mà bao năm nay từng là bà đỡ mát tay cho gần trăm tác phẩm ra đời làm sáng thêm cái danh của NXB văn chương Việt!

Chẳng hay quý nhân Tạ Duy Anh từng có duyên may gặp được bao nhiêu quý vật? Nhưng tập bản thảo Trư cuồng có phải là quý vật không khi mấy cây viết, người của nhà xuất bản như nhà văn Lê Minh Khuê (không rõ đọc khi nào?) thì khen hết lời khi thấy nó trên bàn Tạ Duy Anh! Mà lão họ Tạ này khi ấy lại chưa đọc. Nhưng như lão đương bộc bạch, rằng sự tò mò về cuốn sách là có thật và nó cứ tăng dần lên… Bởi cái tên Nguyễn Xuân Khánh, thời ấy xuất hiện trở lại trên văn đàn với những Miền hoang tưởng, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn gây tiếng vang trong dư luận. Mà đâu xa Miền hoang tưởng, cuốn tiểu thuyết tác giả Nguyễn Xuân Khánh từng phải dùng cái tên khác đã bị cấm lưu hành và phải hơn hai mươi năm sau mới xuất hiện trở lại với cái tên chính thức Hoang tưởng trắng do chính Tạ Duy Anh biên tập. Và cũng chỉ cần một cuốn ấy thôi, đủ để tác giả Bước qua lời nguyền xếp Nguyễn Xuân Khánh vào dạng nhà văn loại nào trong thang bảng của riêng mình!

Trư cuồng được viết vào đầu những năm 1980. Nguyễn Xuân Khánh từng phải đi bán máu, gác đêm, làm thợ may và có dư mười mấy năm nuôi lợn để kiếm sống. Trư cuồng như một thứ tổng tập đại thành. Của phóng sự. Của truyện ngắn. Của thứ chương hồi tiểu thuyết. Của tản văn nữa khi đậm đặc, khi phảng phất cái mùi phân lợn rất đời của những tháng ngày bao cấp ở xóm nghèo lao động có tên là trớ trêu là Thanh Nhàn gần chỗ ở của nhà văn.

Bản thảo Trư cuồng thời điểm trong tay Tạ Duy Anh, nó đã ra đời 35 năm! Đã bao lần Nguyễn Xuân Khánh vác nó đến các NXB nhưng không nhà nào dám in!

Tôi gạn thêm biên tập viên Tạ Duy Anh cảm tưởng đầu tiên về Trư cuồng. Trong chất giọng bình thản cố hữu ấy như đương có gì đắm đuối?

Sau tất cả sự tò mò, tôi đọc “Trư cuồng” trong tâm thế của người thưởng thức hơn là thẩm định. Nó thực sự hấp dẫn. Tác giả viết đầy cảm xúc, luôn bị chính nỗi oan ức của mình chi phối, nên có lúc giọng điệu mất đi sự bình tĩnh.

Phần thể hiện dưới dạng nhật ký “văn chương” hơn phần sau đậm về triết lý triết luận, bày tỏ chính kiến.

Tôi tin rằng, nếu tác giả viết Trư cuồng vào thời kỳ sau, khi ông đã bình thản hơn trong nhìn đời, có thể tính chất hài hước của cuốn sách sẽ chiếm ưu thế? Nhưng đòi hỏi như vậy là vô lối và có phần quá đáng. Nếu làm biên tập mà không luôn dằn vặt về điều đó, thì cả đời chỉ là kẻ tô vẽ, cắt cúp, bôi xóa như cái máy được lập trình, nghĩa là vô tích sự bởi chẳng cần có anh thì mọi việc vẫn trôi chảy.

Biên tập là phải để lại dấu ấn cá nhân trong mỗi cuốn sách, khi đưa nó từ bản thảo chỉ nằm trên bàn, thành sách đặt trên kệ hàng.

Nói gọn lại thì chỉ nguyên như những gì tôi đọc, đã xứng đáng thúc giục tôi quyết tâm “giải hạn” lưu đày 35 năm cho tiểu thuyết Trư cuồng.

Cái nghề biên tập xuất bản dường như phải có chút chi như ma mỵ, phù thủy? Nghe Tạ Duy Anh kể lại mà ù cả tai. Những là trình tự Đăng kí đề tài, đọc thẩm định, duyệt và cấp phép vv và mây mây!

Nhưng cái này thì là mang máng biết. Ấy là cuốn sách không thể mang cái tên Trư cuồng quen thuộc mà tác giả từng khư khư và nhiều người đã biết. Nó sẽ bị chặn ngay từ khâu duyệt kế hoạch. Nó phải mang cái tên khác. May quá, cái tên Chuyện ngõ nghèo Ký sự ngõ nghèo của tác giả từng ướm trước đã được Tạ Duy Anh chọn một trong hai!

Tiếp nữa là phải làm việc cụ thể với đối tác (NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam) về tên cuốn sách cùng nội dung biên tập.

Hỏi thêm biên tập viên họ Tạ về cái phần biên tập này thì lão cười đại ý rằng, cái phần biên tập cắt xén ấy chỉ mang tính chiến thuật thôi. Tạ Duy Anh hồi hộp đợi kết quả đối tác làm việc với tác giả. Nếu tác giả đồng ý thì lúc ấy mới đăng ký đề tài!

Rồi Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam ào vào phòng như cơn gió lành. Anh Giang phấn khởi cho hay, sau khi xem xong, tác giả Nguyễn Xuân Khánh thốt lên: “Tôi tưởng họ sẽ làm cho nát bét, chứ chỉ thế này thôi mà in được thì còn mơ gì hơn”.

Chút vĩ thanh Chuyện ngõ nghèo ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Bấy giờ Tạ Duy Anh mới yên tâm đăng kí đề tài lên Cục xuất bản. Có lẽ cái tên mới Chuyện ngõ nghèo nên không bị chú ý để đưa vào tầm ngắm và có thể bị ngăn cản, như nó đã bị ngăn cản suốt mấy chục năm?

(Cục xuất bản cẩn thận, khi thẩm tra lưu chiểu còn có công văn yêu cầu NXB cắt tiếp những đoạn mà Cục cho là "không phù hợp" rồi mới cho phát hành).

Cũng nói thêm là ông Giám đốc NXB nhà văn Trung Trung Đỉnh từng rất sốt mến việc ra sách của Nguyễn Xuân Khánh. Thời điểm ấy nhà văn đương là những ngày cuối của một giám đốc NXB. Chính vì sự sốt mến này mà tự dưng Tạ Duy Anh đâm ngài ngại cho sếp mình?

Đến đây, gần như tôi phát sốt ruột bởi chất giọng biên tập viên họ Tạ này cứ thủng tha thủng thẳng…

Đây là đoạn kết.

Trước khi hết quyền ký một ngày, GĐ Trung Trung Đỉnh lượn qua các phòng, cười cười chả biết thật hay đùa: “Tao chỉ còn quyền ký nốt hôm nay thôi, đứa nào có gì trình hết ra đây, tao ký tất”.

Khi Trung Trung Đỉnh vào phòng tôi, tôi bèn đưa hồ sơ biên tập cuốn Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh kẹp cùng mấy tờ giấy khác trình ra trước mặt ông. Trung Trung Đỉnh không thèm liếc qua, hạ bút kí xoèn xoẹt bất cứ chỗ nào tôi chỉ. Ký xong, ông nhà văn nhìn tôi cười trông “rất ghét”, bảo: “Chữ kí tao vẫn đẹp và oách lắm, chú cứ còn là chạy dài”.

Sau 35 năm bản thảo nằm trong ngăn kéo đến mốc cả lên, tác giả cũng gần như đã tuyệt vọng, Chuyện ngõ nghèo, nguyên bản là Trư cuồng đã đĩnh đạc bước ra đời bằng cái chữ ký vét của ông GĐ nhà văn Trung Trung Đỉnh.

Cũng anh Giang, người của Công ty Nhã Nam nói lại với Tạ Duy Anh, khi Chuyện ngõ nghèo chính thức được phép phát hành, tác giả Nguyễn Xuân Khánh đã ấp cuốn sách còn nguyên mùi mực in lên ngực mà khóc! Những giọt nước mắt hiếm hoi và muộn màng của một ông già tuổi 84!

… Trưa ấy ở nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn, có lẽ dịch Covid đang kỳ rộ nên đến đưa tang nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đa phần là người chưa phải cao niên lắm?

Lẩn thẩn nghĩ, cốt cách phẩm hạnh của trí thức cổ kim có lẽ là sự liên tài? Hoặc nói cách khác là tương lân, tương liên. Cái tài, cái tình cùng cái tâm lúc sinh thời của văn nhân Nguyễn Xuân Khánh đã động tâm, đã tương liên chả riêng chi với những bậc cao niên mà cả những người trẻ hơn. Những Phạm Xuân Nguyên, Trung Trung Đỉnh, Lê Minh Khuê, Trần Thị Trường, Tạ Duy Anh…

Kìa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thoắt cái đã ngồi trước cuốn sổ tang. Tôi ngó qua những xum xuê râu tóc. Chao ôi, bao nhiêu là những chữ nghĩa, ngữ nghĩa ma mị sắc lẻm là thế? Vậy mà giây phút này nhà phê bình cộm cán ấy đã phải mượn đến cái vỏ thơ để chuyển tải…

Tiễn đưa Anh, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Anh đi từ Một đêm đằng đẵng/ Đêm dài trống vắng mấy mươi năm/ Một mình lặng lẽ rừng sâu thẳm/ Anh dựa vào mình những trang văn/ Hồ Quý Ly cùng anh tâm sự/ Nỗi đau nhà cải cách không thành/ Mẫu Thượng ngàn gửi Anh quá khứ/ Nguồn thiêng tính Mẹ mãi trong lành/Anh đội gạo lên chùa nước Việt/ Mượn nhà cửa Phật buổi rối ren/ Tìm ở cha ông miền minh triết/ Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Anh về miền hoang tưởng trắng/ Nơi trong veo cái đẹp tận nguồn/ Nơi tình yêu là nguồn say đắm/ Nơi không lo chứng bệnh Trư cuồng/ Anh đi nhé phiêu diêu cõi Phật/ Phạm Toàn, Bùi Ngọc Tấn chờ anh/ Cõi trần thân đã rời mặt đất/ Hồn cốt văn chương vẫn đậm tình.

(Những chữ in nghiêng in đậm là tên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh)

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...