Chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội: Cần cân nhắc năng lực quản lý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng ngàn cơ sở y tế nhưng các đơn vị này hầu như chưa phát triển như các bệnh viện tuyến trung ương hay các bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh. Do đó, Hà Nội cần cân nhắc năng lực quản lý đối với lĩnh vực y tế.

Đó là ý kiến của ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức mới đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, sau khi dự thảo được đăng tải, Bộ đã tham gia ý kiến, góp ý với ban soạn thảo về nhiều vấn đề. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất đối với ngành Y tế là “Chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ, Cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bệnh viện các trường đại học”, theo khoản 1, Điều 27 của dự thảo.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, quan điểm của Bộ Y tế là đưa nội dung này ra khỏi dự thảo vì nhiều lý do. Theo đó, đây là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương… có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam và Hà Nội. Theo Nghị quyết 19 thì các bệnh viện này đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ.

Cuối tháng 7/2023, Bộ đã họp với lãnh đạo 17 Bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội và đều thống nhất 100% ở lại Bộ. Thậm chí, 100% cán bộ nhân viên bệnh viện E khi được khảo sát đều đồng ý ở lại Bộ Y tế.

Chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội: Cần cân nhắc năng lực quản lý ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Hơn nữa, các bệnh viện Trung ương đều là cở sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó, có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Đại học Y Hà Nội. Đó là chưa kể, các bệnh viện thuộc Bộ sẽ mang tầm quốc gia, có vị thế lớn trong hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đặc biệt là chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước tiên tiến. Sau tiếp nhận sẽ chuyển giao cho tuyến dưới thuận lợi hơn. Ngoài ra, các bệnh viện thuộc Bộ là cánh tay nối dài của Bộ Y tế trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Vai trò này thể hiện rõ trong phòng chống dịch COVID-19 vừa qua. Khi có dịch bệnh trên toàn quốc, Bộ sẽ dễ dàng điều động các bệnh viện hỗ trợ địa phương chống dịch.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị cân nhắc tới năng lực quản lý và điều kiện phát triển của y tế Hà Nội. Hiện Hà Nội có 42 bệnh viện công, 7 bệnh viện Bộ ngành khác ngoài Bộ Y tế, 43 bệnh viện tư nhân, 579 trạm y tế và 3.895 phòng khám đa khoa- chuyên khoa và cơ sở y tế tư nhân. Đó là chưa kể quản lý hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm. Thực tế, các cơ sở y tế của Hà Nội hầu như chưa thực sự phát triển như của Trung ương hay các bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh. “Hà Nội cần phải nỗ lực hơn nữa, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ về lĩnh vực y tế”, ông Thuấn nói.

Cũng theo ông Thuấn, nếu chuyển các đơn vị về trực thuộc Hà Nội thì sẽ làm giảm đầu mối của Bộ nhưng lại làm tăng đầu mối của địa phương. Như vậy, số đơn vị đầu mối không thay đổi. Đó là chưa kể hiện Hà Nội đang đầu tư phát triển bệnh viện vùng, bệnh viện khu vực tại một số địa điểm. Vì thế, việc đưa các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ gây ra sự lãng phí chồng chéo.

“’Hiện Bộ Y tế đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và Hà Nội và đã đồng ý với quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong đó có các bệnh viện Trung ương trên địa bàn. Số lượng bệnh viện thuộc Bộ cũng sẽ giảm từ 34 xuống còn 30 đơn vị so với hiện nay”, ông Thuấn nói.

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 1/8, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi)” với sự tham gia của 350 đại biểu, chuyên gia.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận, góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách lớn, gồm: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô, Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông.

Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Quản lý sử dụng đất đai; Đào tạo giáo dục Thủ đô và Phát triển văn hóa; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

MỚI - NÓNG