Chuyện chỉ có ở Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đặt chân lên xã đảo Sinh Tồn, tôi thấy những chiến sĩ và cư dân ở đảo đều mang hình hài của chiến binh, sức mạnh toát lên qua bài hát Quốc ca. Đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, những người lính và cư dân kiên định như những cây phong ba sẵn sàng đương đầu với bão tố.

Người dân hát Quốc ca

Tháng 5 trên đảo Trường Sa Lớn, những cây phong ba đang bắt đầu đâm chồi nảy lộc giữa cái nắng hanh hao, thỉnh thoảng trời đổ cơn mưa rào. Cây phong ba đẹp nhất ở huyện đảo Trường Sa có lẽ là cây phong ba có thế thác đổ và nằm ngay trước Nhà khách Thủ Đô. Thân cây có đường kính khoảng 30 cm, từ gốc lên thân cây khoảng 8 mét là chồi non xanh mơn mởn. Gốc cây nằm nghiêng và bật rễ, chồi non bật ngang thân đã phản ảnh sức sống trước bão dông.

Chuyện chỉ có ở Trường Sa ảnh 1

Tình quân dân ở Trường Sa. Ảnh: Văn Chương.

Tôi chợt nhớ trên hành trình, tốp sĩ quan điều khiển Tàu bệnh viện 561 (Lữ đoàn 955, Vùng 4 hải quân) đã nhấc bộ đàm và liên lạc trước khi tới đảo và có lời nhắc “sắp tới Thủ đô rồi”. Thì ra, nhà khách Thủ đô do chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng để tặng cho huyện đảo Trường Sa, vì vậy cái tên Thủ đô trở thành tên gọi của anh em bộ đội hải quân khi nói về huyện đảo Trường Sa, vùng trung tâm của cả quần đảo.

Cũng tại gốc phong ba này, tôi được một người lính gợi nhắc “nhà báo tranh thủ vào quay phim cảnh chào cờ, tất cả bà con nhân dân trên đảo đều thuộc và hát Quốc ca rất mạnh mẽ”. Nghe nói chuyện này, tôi lập tức liên tưởng lại những ngôi nhà của bà con ở xã đảo Sinh Tồn mà đoàn đã ghé thăm trong chuyến công tác. Ấn tượng nhất là tất cả mọi gia đình đều đặt tấm ảnh Bác Hồ khổ rộng trên bàn thờ. Gia đình anh Đỗ Phước Minh và chị Lê Thị Kim Thi đã trang trí nhiều bông sen hồng trên tường, hai bên bàn thờ.

Chị Thi cho biết “ở những nơi xa xôi nghìn trùng và trong lòng luôn dấy lên tình yêu Tổ quốc nồng nàn, vì vậy trên bàn thờ luôn vẽ những bông sen đỏ, đặt ảnh thờ Bác Hồ, mỗi khi cùng bộ đội chào cờ và hát Quốc ca là thấy lòng mình dâng trào rất nhiều cảm xúc”.

Nghi lễ chào đón đoàn công tác số 17 tại đảo Trường Sa Lớn là nội dung duyệt binh, đọc 10 lời thề. Trên đường băng sân bay như xa lộ không gian nằm cắt dọc đảo, những người lính hải quân, không quân, bộ đội biên phòng cất tiếng hát vang bài Quốc ca. Chị em phụ nữ trong trang phục áo dài truyền thống cùng những thanh niên trai tráng ở đảo đứng bên phải đội hình cũng bắt nhịp Quốc ca.

Quan sát nét mặt của chị em phụ nữ, tôi chợt nhớ tới chị Trần Thị Thu Huyền, cư dân ở xã đảo Sinh Tồn. Khi hát Quốc ca, khuôn mặt của chị em phụ nữ ở đảo Trường Sa Lớn và xã đảo Sinh Tồn rất giống nhau. Đó là ánh mắt đăm đăm nhìn về phía trước, ngực căng lên và phập phồng theo từng cung bậc của bài hát, sắc thái trên khuôn mặt thể hiện tình yêu Tổ quốc nồng nàn.

Chuyện chỉ có ở Trường Sa ảnh 2

Gốc Mù u cổ thụ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Trần Tuấn.

Rừng xanh giữa đảo

Trung sĩ Nguyễn Quốc Trường giơ tay vẫy chào các thành viên trong đoàn công tác số 17 đặt chân lên đảo Sinh Tồn. Câu đầu tiên của chị em phụ nữ đến từ tỉnh Đồng Nai, Đắk Nông, Hà Nội là hỏi ngay về những loại cây đang căng mọng sức sống nằm dọc theo cầu cảng. Nền đất của đảo Sinh Tồn là cát pha lẫn với vỏ sò. Các loại cây bàng, mù u, bàng vuông, phong ba, cây đa, bồ đề, dừa, dương liễu… thích nghi với loại đất này nên căng tràn sức sống.

Ở đảo Trường Sa Lớn, nền đất có pha đất thịt và cát, những chuyến tàu chở các loại phân bón, đất mùn thường tập kết ra đảo để cải tạo không gian xanh. Ở đảo Sinh Tồn, đất mùn không nhiều, nhưng cây trên đảo có sức sống còn mạnh hơn cả ở đảo Trường Sa Lớn. Trung úy Lê Vũ Thường nở nụ cười và gật đầu với câu nói vui của một số thành viên trong đoàn công tác về cây xanh trên đảo: “Có lẽ, những người lính và bà con nhân dân ở xã đảo Sinh Tồn luôn hừng hực khí thế quyết tâm. Khí chất đó tỏa ra không gian, được cây hấp thụ nên căng tràn sức sống”.

Trước tòa nhà chỉ huy là hai cây mù u đã có tuổi “lên lão”, được gắn biển Cây di sản. Cây mù u chỉ cao khoảng 17 mét, trải qua trăm năm, tuổi của cây không nằm ở chiều cao, mà hiện ra ở những nhánh cây đầy vết u, sần. Anh em bộ đội trên đảo cho biết, các thế hệ đi trước đều truyền kể lại rằng, “hai cây mù u này đã trải qua trăm năm”. Ở xã hội Việt Nam 100 năm về trước, có rất nhiều câu hò, vè viết về cây mù u. Người nông dân ép quả mù u lấy dầu để thắp đèn, hoặc xỏ xâu ruột trái mù u rồi đốt lên thay cho đèn dầu dưới mái nhà tranh. Ngư dân lấy gỗ mù u đóng ghe thuyền. Dân gian truyền miệng câu ca dao “Bướm vàng đậu trái mù u/Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn”.

Chuyện chỉ có ở Trường Sa ảnh 3

Các cháu thiếu nhi con em ngư dân trên đảo Trường Sa lớn đồng ca trong trang phục hải quân do các chú bộ đội may tặng. Ảnh: Trần Tuấn.

Nếu từ không gian nhìn xuống đảo Sinh Tồn sẽ chỉ thấy một rừng cây xanh biếc. Mật độ rừng trên đảo đã phủ kín các khu nhà ở, doanh trại. Từ cầu cảng vào tới cổng chào, tán cây phong ba như chiếc ô xòe ra che nắng. Sát cánh với phong ba là cây bàng lá lớn. Bàng mọc ở đảo trông có vẻ gân guốc hơn cây bàng thường được trồng ở các sân trường. Do phải đối mặt với bão giông, vì vậy thân bàng to, nhiều mắt, nhánh tỏa ra và choàng vào cây phong ba như anh em nương tựa nhau.

Chiến binh nhí

“Cháu yêu chú bộ đội…canh giữ ngoài đảo xa”, tiếng hát lánh lót của các cháu học sinh cấp 1 ở xã đảo Sinh Tồn vang lên tại sân khấu ngoài trời dưới gốc cây phong ba. Cổ vũ cho tiết mục biểu diễn văn nghệ của các cháu là hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hải quân. Mọi người vỗ tay theo nhịp và nở nụ cười khiến cho tiết mục văn nghệ càng được hâm nóng. Nhưng có một chi tiết mà ai từng đặt chân ra đảo Trường Sa phải chú ý mới nhận ra được, đó là tất cả các cháu nhỏ đều mặc trang phục được may cách điệu từ chiếc áo của lính hải quân.

Cháu Đỗ Ngọc Khánh An, học sinh lớp 1, con của anh Đỗ Phước Minh và chị Lê Thị Kim Thi ôm cuốn sách đến trường. Trường Tiểu học Sinh Tồn nằm cách nhà chỉ 200 mét, vì vậy cháu tự đi, tự về, không cần bố mẹ phải đưa đón như trong đất liền. Trong lớp học, Khánh An mặc trang phục khá giống với các bạn, đó là chiếc áo có cổ hình chữ V với 4 sọc trắng, xanh; cổ và lai áo đều được may sọc trắng, xanh giống áo của lính hải quân.

Các bé gái khi đến trường mặc đồng phục là áo trắng, chân váy xanh, cổ áo và chân váy cũng đều được may cách điệu quân phục của lính hải quân trông rất dễ thương. Khi các cháu tham gia tiết mục văn nghệ, mọi người đều ồ lên bởi bài hát với giọng non nớt, nhưng vẻ mặt đầy tự tin. Thầy Phạm Quang Tuấn cho biết, các cháu lớn lên trong tình thương của bố mẹ, trong vòng tay của các chú bộ đội, vì vậy các cháu thích nhất là các bài hát về người chiến sĩ, khi đến trường, trang phục của các cháu là bộ quần áo giống lính hải quân”.

Chuyện chỉ có ở Trường Sa ảnh 4

Con của ngư dân ở Trường Sa đều mặc quần áo được may giống quân phục lính hải quân. Ảnh: Văn Chương.

Tháng 5, 6 là cao điểm tàu cá của bà con ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận… đổ về vùng biển Trường Sa. Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa cho biết, “bà con ngư dân ra tới đảo Trường Sa luôn nhắc đến trách nhiệm công dân đối với chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc”. Ngư dân Võ Gia Sỹ, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BTh 99941 TS cho biết, “cứ ra tới vùng biển này thì anh em ai cũng nghĩ về trách nhiệm bám biển, bám đảo là nhiệm vụ của công dân Việt Nam”.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Phát động sưu tầm, hiến tặng tài liệu, tư liệu, hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát động sưu tầm, hiến tặng tài liệu, tư liệu, hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam

TPO - Trong chương trình chính luận nghệ thuật “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” năm 2025 với chủ đề “95 mùa xuân và các Kỷ nguyên của dân tộc”, đã diễn ra lễ phát động cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng tài liệu, tư liệu, hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng và các nhân vật lịch sử tiêu biểu của Đảng cho Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam.