Chuyến đi thực tế cho phóng viên trẻ - cách làm hiệu quả để thúc đẩy bình đẳng giới

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm tìm kiếm và truyền thông về những cách làm, bài học hay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại cộng đồng, ngày 25-26/5 và 1-2/6 vừa qua, 20 phóng viên/cán bộ truyền thông đã tham gia 2 chuyến thực địa tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Thực địa là một hoạt động của dự án "Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng" tổ chức bởi Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF), với sự đồng hành của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ.

Tham gia chuyến thực địa là 20 phóng viên/cán bộ truyền thông đến từ các cơ quan báo chí và tổ chức xã hội như: Báo Nhân dân, báo Dân Việt, Tạp chí Lao động và Công đoàn, báo Tiền Phong, báo Tuổi trẻ, báo Quân đội Nhân dân, VTVdigital, VTC, VOV, Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, Trung tâm phát triển sinh thái cộng đồng (ECODE),.v.v. Trong 2 ngày, mỗi đoàn thực địa đã có cơ hội tiếp cận các nhân vật, những câu chuyện thực tế tại các bản làng thuộc xã Vân Hồ và Lóng Luông của huyện Vân Hồ.

Chuyến đi thực tế cho phóng viên trẻ - cách làm hiệu quả để thúc đẩy bình đẳng giới ảnh 1

Các phóng viên và cán bộ truyền thông được chia sẻ thông tin chung về địa bàn trước chuyến thực địa

Trực tiếp điều phối 2 chuyến thực địa là chị Trần Hồng Điệp - Phó Giám đốc VSF cùng với sự cố vấn chuyên môn từ anh Đinh Đức Hoàng - Phó Tổng giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO, nguyên Biên tập viên báo VnExpress và báo Lao động, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong việc tạo ra các sản phẩm báo chí và marketing đa phương tiện.

Chuyến đi thực tế cho phóng viên trẻ - cách làm hiệu quả để thúc đẩy bình đẳng giới ảnh 2

Nhóm thực địa làm việc với ông Sồng A Phư – Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vân Hồ

Chuyến đi thực tế cho phóng viên trẻ - cách làm hiệu quả để thúc đẩy bình đẳng giới ảnh 3

Phỏng vấn Cán bộ Hội LHPN, Đoàn thanh niên và thanh thiếu niên về tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tại địa phương

Chuyến thực địa còn là một trong những nỗ lực của VSF nhằm khuyến khích các phóng viên và cán bộ truyền thông trẻ trở thành những nhân tố thay đổi, thực sự được tham gia vào quá trình thúc đẩy sự công bằng và bình đẳng với những góc nhìn mới mẻ trong các tin bài báo chí/ truyền thông. Qua đó, các phóng viên/cán bộ truyền thông trẻ sẽ mang đến tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả, làm nổi bật nhu cầu, nguyện vọng cũng như suy nghĩ của những bạn trẻ khác, đặc biệt là các thanh niên dân tộc thiểu số.

Chuyến đi thực tế cho phóng viên trẻ - cách làm hiệu quả để thúc đẩy bình đẳng giới ảnh 4

Phóng viên Hồng Phúc – Báo Quân đội Nhân dân say mê ghi chép những câu chuyện trong chuyến thực địa

“Mình cảm thấy đây là một chuyến đi thực sự ý nghĩa, nhất là đối với các bạn phóng viên trẻ như mình. Bởi đây là một cơ hội để chúng mình tiếp cận thông tin và mở rộng nguồn tư liệu cho những tin bài thúc đẩy bình đẳng nói chung và bình đẳng giới nói riêng” - chia sẻ của phóng viên Hồng Phúc sau chuyến thực địa.

Ngay sau chuyến thực địa này, dự án “Góp tiếng nói – Thêm bình đẳng” của VSF tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông cùng tên với thông điệp “Gen Z hiện đại không ngại lên tiếng”. Chiến dịch nhằm kêu gọi hành động của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và các bên liên quan trong thúc đẩy bình đẳng giới đồng thời tổng kết các hoạt động/kết quả của dự án.

Xem thêm về chiến dịch tại đây.

Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” do VSF triển khai với nguồn tài trợ từ Đại sứ quán Hoa Kỳ và Chương trình Mùa trăng Hy vọng. Dự án mong muốn tăng cường tiếng nói và sự tham gia của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La trong thúc đẩy bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới.

MỚI - NÓNG