Chuyện đời danh tướng được phong Thám Hoa hai nước

Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Phan Kinh ở Song Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).
Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Phan Kinh ở Song Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).
TPO - Từ con nhà nghèo, không có giấy mực, phải học chữ trên lá chuối tươi, Thám hoa Phan Kính đã cố gắng không ngừng nghỉ, trở thành danh tướng thời Lê. Ông là người góp phần dựng lại cột mốc biên giới, được phong là Lưỡng quốc đình nguyên Thám hoa. Trong nhiều tài liệu ở đền thờ Phan Kính (thôn Vĩnh Gia, Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) lưu truyền nhiều câu chuyện kỳ lạ, bí ẩn quanh cuộc đời của vị tướng toàn tài.

Thần đồng đất Lam Kiều

Về mảnh đất Lam Kiều (nay là Can Lộc, Hà Tĩnh), hỏi về danh nhân Phan Kính, người dân ở đây tự hào cho biết: “Cụ là danh tướng nổi tiếng lập nhiều chiến công cho đất nước nên ở đây người dân lập đền thờ, đặt tên trường học, đường mang tên cụ”.

Gia đình ông Phan Tân đang lưu giữ nhiều sách vở nói về cuộc đời sự nghiệp Phan Kính và cả cuốn gia phả của dòng họ. Theo tài liệu của dòng tộc họ Phan ghi lại, Phan Kính sinh năm Ất Mùi (6/12/1715) tại thôn Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An ( nay là xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Lên ba, bốn tuổi, Phan Kính đã thuộc nhiều ca dao tục ngữ, phân biệt được nhiều loại cây, con thú trong vườn. Lên sáu tuổi, bố thấy con thông minh, nhanh nhẹn nên cho học chữ, chẳng bao lâu đã thuộc lòng và chép ám tả được cả quyển “Thiên Gia Thi” không sai sót. Lên 7 tuổi, 8 tuổi đã tập làm thơ phú. Năm Nhâm Dần (1722), trong xã Lai Thạch có kỳ thi sát hạch, năm ấy Phan Kính mới 8 tuổi chưa đủ tuổi dự thi nhưng đã bí mật xin ghi tên dự thi.

Đề thi năm đó là một bài thơ thất ngôn và một bài văn sách. Sau khi công bố kết quả, mọi người bất ngờ trước bài dự thi của Phan Kính, bài thơ được Giám sinh Quốc Tự Giám Nguyễn Quỳnh đánh giá cao, ông không phạt mà còn khen Phan Kính lớn lên sẽ thành bậc anh tài. 

Thời gian này gia cảnh nhà Phan Kính gặp nhiều khó khăn hơn, phải chật vật lắm gia đình mới cho Kính đi học được. Thấu hiểu nỗi băn khoăn, vất vả của cha mẹ, Phan Kính dốc sức học hành. Không có giấy, cậu tìm giấy đã viết chữ lộn mặt trái mà viết, nhiều lần phải viết tập trên lá chuối tươi, đêm đêm đem sách ra đọc dưới ánh trăng.

Khi Kính lên 13, 14 tuổi thì đã là lao động chính của gia đình. Bao nhiêu điều vất vả cực nhọc trong công việc đồng áng không có điều nào mà chưa nếm trải. Ngày thì lo việc đồng áng, đêm miệt mài kinh sử không chút nghỉ ngơi. Dân làng ai cũng quý trọng, mến phục là người hiếu hạnh.

Mùa đông năm Canh Tuất 1730, sĩ tử ghi tên trình văn ở Quốc Tử Giám lên tới bốn năm trăm người mỗi kì thế mà cả hai kì năm đó, Phan Kính đều được đứng đầu nên được suy tôn là người đứng đầu “Nghệ An Ngũ Tuyệt” thời kì ở Thăng Long. Ai cũng thán phục: “Thầy Cống Lai Thạch nhà nghèo mà học rộng đến thế”!

Dù nhà nghèo, Phan Kính bàn với vợ dùng toàn bộ của hồi môn (dùng để xây nhà cho 2 vợ chồng) đem cứu giúp bà con trong làng thoát cảnh giáp hạt.

Tết Quý Hợi( 1743), Phan Kính ra Thăng Long dự thi, với một nung nấu một quyết tâm: “Quyết chí thành đạt, không thành đạt không trở về nữa”. Trên đường đi, Kính giúp một gia đình phú hộ viết điếu văn cho người quá cố và không may bị trễ giờ. Sáng vào thi mà chiều tối mới tới nơi, không kịp làm thủ tục, cổng trường đã đóng chặt.

Bất ngờ tối hôm ấy mưa to gió lớn, lều chõng của các sĩ tử bị đổ hết, ban giám khảo phải xin phép hoãn lại hôm sau. Nhà vua lệnh cho hoãn và xem xét các trường hợp tới chậm để vào thi. Khi xét cụ thể chỉ còn một sĩ tử duy nhất được xét đó là Phan Kính, chúa Trịnh nói “anh này không thi cũng đỗ”.

Năm đó, vua Lê Cảnh Hưng đích thân ra đề thi chế sách gồm 10 mục, 100 câu hỏi. Ngay tối hôm ấy, trên sân rồng đèn đuốc sáng trưng, vua Cảnh Hưng chủ trì cùng các quan phụng khảo bắt tay ngay vào việc kiểm bài. Quyển thi của Phan Kính được nhà vua dùng bút son ngự phê “Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh” (tức đỗ đầu khoa thi với danh vị Thám Hoa- vì nhà vua yêu cầu không lấy Trạng Nguyên, Bảng Nhãn).

Từ năm 1744, Phan Kính từng đảm nhiệm nhiều chức vụ: Giám sinh ở Quốc Tử Giám, Đốc đồng trấn Sơn Tây, Đốc đồng xứ Thanh Hóa, Thư đốc thị Nghệ An, Đốc đồng xứ Tuyên Quang, Kinh lược sứ, Tham mưu nhung vũ.

Trong những năm 1758 – 1761 Phan Kính với cương vị Đốc đồng xứ Tuyên Quang kiêm tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hóa đồng thời là phái bộ vua Lê, đem quân lên trấn giữ vùng biên giới phía Bắc. Ông đã nhiều lần thương thuyết với quan chức nhà Thanh, dựng lại cột mốc biên giới, tiêu diệt thổ phỉ, giữ cuộc sống yên bình cho người dân.

Vua Càn Long nhà Thanh trọng tài đức của Phan Kính đã gia phong cho ông là “Lưỡng quốc đình nguyên Thám hoa” ban tặng ông một cái áo cẩm bào vương triều, một bức trướng có ghi dòng chữ: ”Thiên triều đặc tứ, Bắc Đẩu dị nam, Nhất nhân nhi dĩ” (thiên triều đặc cách, phía nam Bắc Đẩu, chỉ một người thôi).

Theo tài liệu được gia tộc họ Phan lưu truyền thì Phan Kính sau khi đã cùng phía nhà Thanh hoàn thành thắng lợi việc diệt giặc cỏ, xác định dường biên giới, phía nhà Thanh đã tổ chức liên hoan mừng thắng lợi tại lễ đường bên hồ Động Đình. Được triều Lê cử, Thám Hoa Phan Kính tham dự buổi mừng công này của nhà Thanh. Chiều ngày mồng 7 – 6 năm Tân Tỵ, cụ Kính đã có mặt tại lễ đường, sức khỏe vẫn tốt. Nhưng tối đi dự tiệc về tới nhà bên hồ Động Đình thì đột tử đúng giờ Dậu (7-7-1761) lúc 41 tuổi khi tài hoa đang nở rộ.

Nhà thờ họ Phan lưu giữ áo Cẩm bào, kiếm vàng

Trong khu nhà thờ dòng họ Phan, có nhà tưởng niệm Thám Hoa Phan Kính, ở đây lưu giữ những sách vở tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của vị danh tướng toàn tài và tài liệu về dòng họ Phan. Trong khu vực nhà thờ, có chiếc hộp sắt lớn, được ông Phan Xuân Noạn (82 tuổi) - người trực tiếp canh giữ nhà thờ họ Phan khóa cẩn thận, cất riêng. “Đây là báu vật lớn của dòng họ, tổ tiên để lại. Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh giao cho tôi trong giữ”, ông Noạn nói.

Chuyện đời danh tướng được phong Thám Hoa hai nước ảnh 1 Nhà tưởng niệm Thám Hoa Phan Kính.
Chuyện đời danh tướng được phong Thám Hoa hai nước ảnh 2

Áo cẩm bào vua Càn Long Trung Quốc ban tặng Lưỡng Quốc Thám hoa Phan Kính và sắc phong.

Phải thuyết phục lâu ông Noạn mới đồng ý mở hòm cho xem báu vật của dòng họ. Để mở hòm, ông Noạn phải nhờ người bê ra giữa chính điện nhà thờ, mở hết tất cả các cửa, thắp hương xin phép tổ tiên.

Tuổi già, nhưng ông Noạn luôn khúm núm, quỳ gối trước hòm khi mở khóa. Qua nhiều lớp khóa, chiếc hòm được mở, bên trong hòm là một chiếc áo Cẩm bào có niên đại hơn 300 năm, những ống tre, nựa đựng những sắc phong, lệnh vua ban bằng chứ Hán.

Ông Noạn chỉ tai vào chiếc áo cẩm bào tiếc nuối nói, “theo tài liệu ghi lại chiếc áo này Thám hoa Phan Kính được vua Càn Long đích thân trao tặng vì khâm phục tài năng của Thám hoa nước Việt. Tất cả các cúc áo, khuy áo đều được làm bằng vàng rồng. Nhưng sau thời gian dài thất lạc, những trang sức quý báu trên áo đã bị mất. Chiếc kiếm vàng được vua ban cũng đang bị thất lạc”.

Sau khi Phan Kính mất, ghi nhận những công lao to lớn của ông cho đất nước, Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), vua Lê Hiển Tông phong sắc cho ông là “Thành hoàng”, hiệu “Anh Nghị Đại Vương”, lập đền thờ ở làng Lai Thạch (nay là Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Ngày trước quần thể di tích này hết sức uy nghi, đồ sộ, song đáng tiếc hiện nay do thời gian, chiến tranh, con người đã tàn phá hoàn toàn ngôi đền thờ. Năm 1992, Bộ Văn hóa thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho đền thờ Phan Kính. 

Chuyện đời danh tướng được phong Thám Hoa hai nước ảnh 3

Ông Phan Xuân Noạn (82 tuổi) người trực tiếp canh giữ nhà thờ họ Phan gần 40 năm nay bên cạnh chiếc hòm quý đựng áo cẩm bào, sắc phong của Phan Kính.

Chuyện đời danh tướng được phong Thám Hoa hai nước ảnh 4

Tưởng nhớ công ơn của Thám hoa Phan Kính, Hội đồng Phan tộc Việt Nam đã quyết định thành lập quỹ học bổng mang tên ông trên cả nước dành cho những người con họ Phan ưu tú có nhiều đóng góp cho Tổ quốc. Trong ảnh PGS.TS, NGND Phan Hòa trao phần thưởng khuyến học cho con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập.

Hiện Đền đã được tỉnh Hà Tĩnh duyệt dự án để tôn tạo, nâng cấp cho người dân hương khói. Nhưng mấy năm nay, việc nâng cấp, sửa tôn tạo đền vẫn chưa được triển khai. Nhiều người dân ở đây lo sợ, nếu không có sự quản lý chặt của cơ quan chức năng, nguồn vốn để tôn tạo, sửa chữa thì một ngày không xa “khu di tích lịch sử cấp quốc gia này có nguy cơ trở thành phế tích”. 

“Phan Kính là người học rộng tài cao. Ông văn, võ, chính trị, kinh tế, ngoại giao toàn tài, một tri thức tài hoa, một quan thanh liêm mẫn cán luôn hoàn thành trách nhiệm một cách xuất sắc. Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Kính là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập về tài học, chí học và đức tính quan liêm.” - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nguyễn Duy Quý đã khái quát về cuộc đời của Phan Kính.

“Ghi nhận công lao to lớn của Phan Kính với đất nước, Hội đồng Phan tộc Việt Nam đã quyết định thành lập quỹ học bổng mang tên ông trên cả nước dành cho những người con họ Phan ưu tú có nhiều đóng góp cho Tổ quốc, dòng họ. Ngoài ra dòng họ Phan Kính vẫn tổ chức khuyến học khuyến tài hàng năm cho con cháu có thành tích trong học tập, nghiên cứu” - Ông Phan Bình, Chủ tịch Hội đồng Phan tộc Việt Nam.

MỚI - NÓNG