Chuyên gia, bạn trẻ chia sẻ cách gỡ rối tâm lý, suy nghĩ tích cực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiện nay, hội chứng overthinking (hay suy nghĩ quá mức) đã trở thành vấn đề phổ biến trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là với các bạn thế hệ gen Z. Với áp lực từ vấn đề học tập, công việc, môi trường xung quanh và những vấn đề xoay quanh cuộc sống cá nhân, nhiều bạn bị mắc kẹt trong vòng xoáy của những suy nghĩ, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tinh thần.

Talkshow “Gỡ – Thoát khỏi đại dương suy nghĩ” do nhóm sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức nhằm cung cấp thông tin, kiến thức và phương pháp giúp các bạn trẻ biết cách xử lý và vượt qua hội chứng này, từ đó tái tạo tư duy, suy nghĩ tích cực trong các vấn đề của cuộc sống.

"Cần duy trì hoạt động sống"

Chia sẻ tại chương trình, Tiến sĩ tâm lý học Tô Nhi A (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM) khẳng định đây là mối bận tâm “không có vùng cấm” khi xảy ra ở cả những người trẻ và người lớn, bởi ai cũng có thể đã từng và sẽ sa lầy vào mạch suy nghĩ quá mức.

Chuyên gia, bạn trẻ chia sẻ cách gỡ rối tâm lý, suy nghĩ tích cực ảnh 1

TS. Tô Nhi A trao đổi với các bạn sinh viên. Ảnh: Ngô Tùng

Về biểu hiện của overthinking, TS. Tô Nhi A cho biết đó là lúc một người suy nghĩ quá mức bình thường, nhiều hơn việc vấn đề đó tồn tại trong thực tế. Tuy nhiên không phải cái nào “quá” cũng là bệnh, muốn xác định đó là một dạng rối loạn lo âu hay một dạng thức tâm bệnh hay không, cần nhiều bước khác nhau.

Vị tiến sĩ cũng nhìn nhận việc giải quyết các vấn đề rối loạn tâm lý cần đến từ bản thân mỗi người. Đặc biệt, vấn đề trị liệu tâm lý và dùng thuốc phải được kiểm soát gắt gao.

“Cần duy trì hoạt động sống cụ thể mỗi ngày để bản thân cảm nhận có sự thay đổi. Cạnh đó, người thân, bạn bè cũng đừng gọi đó là bệnh lý mà hãy tạo ra hoạt động và lôi kéo người đó vào hoạt động chung với mình”, nữ chuyên gia chia sẻ.

Để tâm vào những điều xứng đáng

Chuyên gia, bạn trẻ chia sẻ cách gỡ rối tâm lý, suy nghĩ tích cực ảnh 2

TikToker Vy Quỳnh Trúc Linh trò chuyện tại talkshow do các bạn sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức.

Là một nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, Vy Quỳnh Trúc Linh (cựu sinh viên Học viện Ngoại giao) cho biết trong các video clip chia sẻ trên mạng, bạn hay làm quá lên cho vui nhưng không quá bận tâm để trở nên hoàn hảo, mà quan tâm hơn với việc làm sao để bản thân tốt hơn mỗi ngày gắn với những mục tiêu và đam mê.

Nữ KoL thừa nhận ngày trước và bây giờ đều có những nỗi lo khác nhau và vẫn chiếm hết tâm trí như thế, tuy nhiên “cách mình ứng xử với nó đã khác rồi bởi mình đã có kinh nghiệm”.

Theo Trúc Linh, thời điểm mới tốt nghiệp đại học ở Hà Nội và quyết định chuyển vào Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp là lúc cô overthinking nhiều nhất. Lúc đó, cô gái với vẻ ngoài xinh xắn này theo đuổi mục tiêu không đi làm thuê và tập trung cho công việc sáng tạo nội dung. Việc làm này vẫn được Linh duy trì đến nay (hiện nữ TikToker đã sở hữu kênh cá nhân có 250.000 người theo dõi cùng hơn 5,6 triệu lượt xem).

“Nhưng thực tế là mình thất nghiệp và không có tiền, suốt 6 tháng đầu tiên hầu hết luôn ở nhà và không làm gì cả. Với chấp niệm rằng không được phép đi làm thuê, mình thực sự bế tắc. Những băn khoăn, trăn trở nổi lên cùng với suy nghĩ mình có nên đi kiếm việc hay không trước nỗi lo tài chính ập tới. Lúc đó mình bị overthinking nhiều nhất, khi chưa có một định hướng rõ ràng cho tương lai”, nữ TikToker triệu view chia sẻ.

Chuyên gia, bạn trẻ chia sẻ cách gỡ rối tâm lý, suy nghĩ tích cực ảnh 3

Các diễn giả gửi đến bạn trẻ thông điệp sống tích cực.

Trong hành trình theo đuổi công việc trên môi trường mạng xã hội, Trúc Linh cũng gặp phải những bình luận, đánh giá trái chiều trong những bài chia sẻ quan điểm bản thân. Bỏ qua những muộn phiền, dần dần cô gái gen Z đã nhận định được tình hình khách quan bởi theo nữ TikToker, mạng xã hội đôi khi cũng cần những quan điểm khác nhau, đồng thời nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn rất nhiều.

“Linh biết cách để tâm vào những gì xứng đáng để tâm và nhìn đúng bản chất vấn đề chứ không tập trung vào những gì mình không kiểm soát được. Mình cũng biết cách chỉ tập trung vào các phương pháp giải quyết để vượt qua overthinking chứ không đặt tâm trí vào những vòng luẩn quẩn”, cô bạn chia sẻ giải pháp ứng phó với suy nghĩ quá mức.

"Mỗi người có những điểm yếu, điểm mạnh khác nhau, nhưng mình nghĩ rằng hành trình đi khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh là một hành trình rất hay và có những khoảnh khắc rất tuyệt và đáng trân trọng.

Căn bệnh, triệu chứng hay điều gì có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mình thì mình cứ sửa thôi. Hành trình sửa những điều đó rất vui và có nhiều bài học rút ra. Mình có niềm tin mạnh mẽ rằng những khoảnh khắc tuyệt vời đã từng xuất hiện sẽ tiếp tục xuất hiện".

Vy Quỳnh Trúc Linh

Chuyên gia, bạn trẻ chia sẻ cách gỡ rối tâm lý, suy nghĩ tích cực ảnh 4

Thu Nguyên chia sẻ câu chuyện vượt thoát overthinking.

Là một bạn trẻ từng gặp phải và vượt qua tình trạng overthinking, Thu Nguyên (một người sáng tạo nội dung) chia sẻ thêm: "Khi gặp phải suy nghĩ quá nhiều, mọi người hãy đối thoại với người khác để tìm lời khuyên hoặc thậm chí đối thoại với chính mình bằng cách nói chuyện trước gương, quay video, ghi âm hoặc viết ra giấy. Bằng cách nào cũng được, miễn là đừng để những suy nghĩ chỉ quẩn quanh mà hãy tìm cách giải quyết".

Chuyên gia, bạn trẻ chia sẻ cách gỡ rối tâm lý, suy nghĩ tích cực ảnh 5

Nhóm các bạn sinh viên năm cuối khoa BC&TT dành nhiều tâm huyết cho buổi sự kiện do chính các bạn tổ chức.

Chuyên gia, bạn trẻ chia sẻ cách gỡ rối tâm lý, suy nghĩ tích cực ảnh 6

Các bạn sinh viên thể hiện tiết mục văn nghệ tại buổi talkshow. Ảnh: Ngô Tùng

MỚI - NÓNG