Uống không cần biết nguồn gốc
Ghi nhận tại các quán ăn ở Làng Đại học Thủ Đức (Khu đô thị ĐHQG TP. HCM), từ khoảng 18h mỗi ngày, khách ra vào tấp nập, trong đó phần lớn là người trẻ, sinh viên. Nhiều nhóm sinh viên đến các quán nhậu để ăn uống vì ở đây đa phần bán những món rất bình dân. Bên cạnh đó, nhiều bạn chọn đây làm địa điểm để “lai rai” vì muốn kiếm chỗ ngồi trò chuyện lâu.
Tại đây, không khó để bắt gặp các nhóm sinh viên bắt đầu câu chuyện của mình với những ly bia, chén rượu trên tay. Những buổi “tiệc rượu” như vậy kéo dài đến khoảng 22h khuya, thậm chí cuộc vui còn có thể được tiếp tục đến sáng hôm sau.
Lâm Hữu Kha (năm thứ hai, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Mình và nhóm bạn của mình thỉnh thoảng cũng có đến các quán ăn quanh Làng Đại học Thủ Đức để ăn uống và đôi khi “lai rai” với nhau. Mình cũng không quá quan tâm về nguồn gốc của các loại bia, rượu tại quán. Những ngày gần đây biết đến vụ việc nhóm sinh viên bị ngộ độc rượu, mình và các bạn của mình mới thật sự lưu tâm về việc này”.
Rất nhiều các quán ăn bình dân có bán rượu không rõ nguồn gốc tại Làng Đại học Thủ Đức. |
Theo chia sẻ của các bạn sinh viên từng ghé những quán ăn nơi đây, để uống rượu, thông thường khi hỏi mua, quán sẽ mang ra khoảng 500ml rượu đựng trong vỏ chai nước suối, với giá bán dao động từ 15.000 đồng cho đến 20.000 đồng/chai. Các chai dùng đựng rượu đa phần đều không nhãn mác và hình dạng bên ngoài rất cũ kỹ, điều này càng làm cho các bạn sinh viên chẳng thể nào biết được nguồn gốc rượu từ đâu và bên trong có thật sự là “rượu nguyên chất” hay không.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều sinh viên còn học theo những cách biến tấu rượu với trái cây và nước ngọt có gas từ mạng xã hội. "Trái cây và nước ngọt sẽ làm rượu nhẹ, dễ uống và khó say. Mình được bạn bè chỉ vậy do bạn bè cũng học theo trên mạng", một bạn trẻ cho biết. Với trái cây và nước ngọt, các bạn sinh viên thường mua tại chợ và siêu thị, còn rượu thì đa phần đều chọn mua những loại có giá thành rẻ tại các tiệm tạp hóa, các quán ăn vỉa hè.
Chuyên gia cảnh báo về việc tự pha rượu và buôn bán rượu giả
Theo Bác sĩ Hoàng Tiến Nam (khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định), methanol có nhiều công dụng khác nhau như làm sơn, dung môi... Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.
Nhiều bạn sinh viên không lường hết tác hại của việc dùng rượu giả và việc thiếu hiểu biết về pha chế rượu. |
Ngộ độc rượu từ ethanol thường chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống. Ngộ độc methanol trong rượu có thể khiến bệnh nhân bị mù mắt vĩnh viễn, tổn thương não, suy thận cấp, diễn tiến tim mạch, thậm chí tử vong. Trong 12 giờ đầu, bệnh nhân chỉ ói mửa, nhức đầu, dễ nhầm với say rượu.
Bác sĩ Nam cho biết thêm, một trong nguyên nhân gây ra gây các vụ ngộ độc rượu do sự thiếu hiểu biết của bạn trẻ khi pha rượu với những loại nước có gas, cà phê có hại cho sức khỏe. Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao, do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường. Uống rượu pha với nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn làm người tiêu dùng đau đầu, chóng mặt.
Bán rượu giả sẽ đối diện với khung hình phạt nào?
Luật sư Duy Anh (Hãng luật A+) cho biết, đối với tội sản xuất, mua bán rượu giả làm chết 2 người trở lên thì Điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định hình phạt. Theo đó, đối với cá nhân mức phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc chung thân, hình phạt bổ sung phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc tịch thu một phần tài sản (khoản 4, khoản 5 Điều 193 BLHS). Còn đối với pháp nhân thì mức phạt là 9 tỷ đến 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến 3 năm (điểm d, khoản 6, Điều 193 BLHS).
Luật sư Duy Anh (Hãng Luật A+) cảnh báo khung hình phạt đối với những người sản xuất và kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. |
Việc sản xuất và kinh doanh rượu là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP. Cơ sở sản xuất và bán rượu tiêu dùng tại chỗ đều phải đáp ứng điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, men rượu sử dụng đã được cấp phép sử dụng, rượu sản xuất và tiêu thụ đều phải dán tem ghi nhãn đúng quy định (Điều 6, Điều 8, Điều 14 Nghị định 105/2017). Để hạn chế tình trạng uống rượu giả thì người tiêu dùng phải cần kiểm tra cơ sở ăn uống đã được cấp giấy phép về bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ chưa (cơ quan y tế đã kiểm tra các loại rượu bán ở quán), rượu uống có đầy đủ tem nhãn chưa (để đảm bảo rượu đã được phép lưu hành).