Chuyên gia lên tiếng về tình trạng chặn đường dựng rạp đám cưới

TPO - Các chuyên gia giao thông và nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, lực lượng chức năng các địa phương đang bị nhầm lẫn giữa lý và tình, thiếu trách nhiệm khi để hiện tượng dựng rạp dưới lòng đường bùng phát trong thời gian qua... 

Như Tiền Phong đưa tin, những ngày qua, khi "mùa cưới" bắt đầu, nhiều tuyến đường ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là huyện Thạch Thất, Hà Nội có rất nhiều rạp đám cưới được dựng dưới lòng đường, thậm chí chắn hết cả một đoạn đường. 

Người dân bức xúc nhưng không dám công khai phản ánh vì sợ sứt mẻ tình làng nghĩa xóm. Trong khi đó, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự địa phương lại cũng nể nang, không xử lý. Ông Cao Quý Hải - Trưởng Công an xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (nơi có nhiều đám cưới giữa lòng đường những ngày qua) nói rằng việc hiếu, hỷ khá nhạy cảm, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, chứ chưa xử phạt trường hợp nào.

Đặc biệt, Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng Công an huyện Thạch Thất cho biết: “Chúng tôi liên tục tuyên truyền cho người dân về việc thiếu an toàn khi dựng rạp đám cưới. Tuy nhiên, mọi việc vẫn dừng lại ở việc nhắc nhở”, ông Hoàn nói thêm. Tuy nhiên, việc tuyên truyền và nhắc nhở như ông Hoàn nói chưa thấy có hiệu quả trên thực tế.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của người dân khi tổ chức sự kiện gia đình là trách nhiệm chính quyền. “Nếu lực lượng công an vì tình cảm, chấp nhận cho người dân chặn đường dựng rạp, tổ chức rình rang mấy ngày liền, khi xảy ra hỏa hoạn, cấp cứu, xe chuyên dụng không tiếp cận hiện trường kịp thời thì chuyện gì sẽ xảy ra? Trong quá khứ có rất nhiều vụ tai nạn giao thông do dựng rạp dưới lòng đường, lỡ có chiếc xe tải nào mất lái, hay lái xe trong cơn say bia rượu lao vào thì hậu quả sẽ rất thảm khốc”, ông Thủy nói thêm.

Chuyên gia lên tiếng về tình trạng chặn đường dựng rạp đám cưới ảnh 1 Dịp cuối năm, hiện tượng dựng rạp tổ chức đám cưới giữa đường càng nhiều

Cũng theo chuyên gia này, để ngăn chặn tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng đường thì cơ quan chức năng mà cụ thể là lực lượng công an đóng vai trò chính. Pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc này, khi áp dụng nghiêm túc thì mọi thói quen, tập tục của người dân sẽ dần thay đổi.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ lại cho rằng, ngoài việc phải tuân thủ luật giao thông, cần thiết ra những quy ước cộng đồng về vấn đề này. Ngay cả khi đám cưới làm trong sân nhà mình nhưng hướng ra mặt đường, cũng có những quy định về việc che chắn, đón khách làm sao đảm bảo trật tự giao thông. Tốt nhất là tổ chức ở không gian nhà văn hóa cộng đồng.

“Tai nạn nào cũng khiến chúng ta xót xa, nhưng tai nạn ô tô trong việc hiếu, hỷ thương tâm gấp bội. Với gia đình tổ chức đám tang, đám cưới, tuyệt đối không sử dụng, tận dụng lề mép đường giao thông vì không an toàn. Cần nghiên cứu cơ chế sử dụng hệ thống nhà văn hóa, trung tâm sự kiện, các khu đất trống cho hộ dân mượn địa điểm dựng rạp tổ chức sự kiện, vừa văn minh lịch sự, vừa bảo đảm an toàn, phòng tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra”, chuyên gia này nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Minh – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, dư luận cần lên án hành vi vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; nêu gương các tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông; yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Luật sư này cho rằng, các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường tuần kiểm, lập biên bản vi phạm, báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm. Công an tỉnh, thành phố, Sở GTVT cần chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh... vận động người dân không dựng rạp cưới ra lòng đường.

"Ngoài những quy định hiện hành, pháp luật cần có thêm các chế tài xử lý Trưởng Công an, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng các hộ dân trên địa bàn dựng rạp lấn chiếm lòng đường để tổ chức việc hiếu, hỷ" - luật sư Minh đề nghị. 

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Diễn biến vụ nhiều kênh VTV biến mất khỏi ứng dụng

Diễn biến vụ nhiều kênh VTV biến mất khỏi ứng dụng

TPO - Đài truyền hình Việt Nam đã nối lại tín hiệu các kênh của đài trên dịch vụ truyền hình để phục vụ khán giả, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. VTV và các đơn vị tiếp tục trao đổi, đàm phán để đạt được các thỏa thuận cuối cùng trong thời gian sớm nhất.
Phong vị Tết Huế

Phong vị Tết Huế

TPO - “Phong vị Tết Huế” là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch mừng Xuân Ất Tỵ, khởi động năm mới 2025 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức.
Điều chưa biết về nghi lễ cung đình ở Hoàng Thành

Điều chưa biết về nghi lễ cung đình ở Hoàng Thành

TPO - Chương trình tái hiện nghi lễ Tống cựu nghinh tân do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện bao gồm lễ tiến lịch, lễ cúng ông Công ông Táo, lễ dựng cây nêu và nghi thức đổi gác. Đây là lần đầu nghi thức đổi gác trong hoàng cung được tái hiện, giới thiệu đến công chúng.