Tỉnh táo nhận diện lừa đảo việc làm
Tham dự buổi tọa đàm, Thượng úy Vũ Mạnh Tuấn - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên trường CĐ Cảnh sát Nhân dân 2 đã trình bày hai nội dung trọng tâm, với mục tiêu giúp các bạn trẻ nhận diện “bẫy” làm thêm và cách phòng ngừa, giải quyết nếu mắc phải.
Theo Thượng úy Tuấn, "mồi nhử" mà các đối tượng đưa ra rất hấp dẫn, thường là mô hình thực hiện các gói nhiệm vụ thưởng “lãi hoa hồng” tăng dần. “Chẳng hạn như có trường hợp yêu cầu đặt đơn hàng và các đối tượng nhờ nạn nhân đặt món hàng với số tiền lúc đầu chỉ là những món có giá vài chục ngàn đồng, nạn nhân vẫn có thể nhận được cả vốn lẫn lãi cho mỗi đơn hàng mình chốt. Cuối cùng, khi đơn hàng lên đến hàng triệu, hàng chục triệu đồng... khi đó, nạn nhân không còn khả năng nạp thêm tiền, lúc đó đối tượng cũng sẽ cắt đứt liên lạc và toàn bộ số tiền nạp vào biến mất”, Thượng úy Tuấn thông tin.
Thượng úy Tuấn cũng lưu ý thủ đoạn nhắm đến lừa đảo các bạn nữ, với những công việc đơn giản như việc nhận xâu chuỗi hạt, lắp ruột bút bi, tranh thêu chữ thập tại nhà... “Thông thường, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo này thường đăng ảnh sản phẩm và lợi nhuận công việc trên các trang thông tin tìm việc làm. Sau khi nhận sản phẩm, đối tượng bắt đặt cọc trước, chuyển tiền cọc và từ đó có hai trường hợp lừa đảo xảy ra: Một là nhận cọc và nạn nhân nhận sản phẩm kém chất lượng, làm việc được vài ngày nạn nhân xin nhận tiền cọc và tiền công nhưng sẽ bị mất liên lạc; trường hợp thứ hai, nạn nhân không nhận được hàng cũng không lấy được cọc”, Thượng úy Tuấn nói.
Hai diễn giả cùng với sự dẫn dắt của nhà báo Nguyễn Dũng - báo Tiền Phong (bên trái) trong buổi tọa đàm. |
Hình thức thứ ba là đăng ký khóa học online thông qua việc huy động số tiền của nạn nhân cũng được Thượng úy Tuấn chỉ ra. Theo anh Tuấn, thường sẽ là việc tuyển CTV online viết tại nhà, với công việc viết theo mẫu và cho thêm vài ý là sẽ nhận được 50.000 - 100.000 đồng/bài. Tuy nhiên, để nhận được số tiền đó, các đối tượng đòi hỏi nạn nhân học lớp kỹ năng viết, với mức phí 500.000 đồng, thậm chí là 1 triệu đồng. Cuối cùng, sau khi hoàn thành, nạn nhân sẽ không nhận được phản hồi với một loạt lý do được nêu ra để không nhận được tiền công, vừa mất tiền, vừa mất thời gian.
Rất đông các bạn sinh viên tham gia buổi tọa đàm. |
Cuối cùng, Thượng úy Tuấn lưu ý thêm, có những hình thức lừa cũ nhưng khá phổ biến và nhiều bạn trẻ vẫn mắc phải: Nhân viên nhập dữ liệu đánh máy, gõ mã capcha yêu cầu nạn nhân gửi trước 100.000 đồng đến 200.000 đồng, sau đó, đưa ra thời gian cho mỗi lần gõ, hoàn thành để nhận được tiền công. “Tuy nhiên, càng về sau, mã càng rối - khó nhìn và nạn nhân không thể hoàn thành, cuối cùng là mất tiền. Ngoài ra, còn thủ đoạn “Đô la đen”, trào lưu đang quay lại dưới hình thức việc làm, với lời mời ngân hàng mới chưa lưu hành thị trường, cần nạn nhân rửa tiền đô la bằng dung dịch của bên đối tượng cung cấp. Muốn được vậy, nạn nhân phải chi trả cho dung dịch rửa tiền đó với mức giá 15 triệu đồng/lít, tuy nhiên tất cả đó chỉ là giả”, Thượng úy Tuấn lưu ý.
Cách nhận diện việc làm “thật” - “giả”
Thượng úy Tuấn chỉ ra 4 cách nhận diện việc làm “thật” – “giả” để các bạn sinh viên có thể áp dụng thẩm định khi tham gia tìm kiếm việc làm.
1. Thông tin công ty, việc làm không rõ ràng: Cần dành thời gian tìm hiểu địa chỉ, website công ty.
2. Thông tin tuyển dụng sơ sài, sai chính tả (đặc biệt lưu ý trên mạng xã hội): Tìm hiểu về tài khoản của người đăng, lưu ý đến cách bình luận kiểu “xin job”, “inbox”...; những trang web khóa thông tin, khóa bình luận khán giả, không có địa chỉ, thông tin rõ ràng thường lập lên để lừa đảo, bán hàng giả...
3. Luôn có lời chào mời hấp dẫn: Những cụm từ được sử dụng “việc nhẹ lương cao”, “cần gấp”, “không yêu cầu kinh nghiệm”, “nhận 500.000 đồng mỗi ngày”, "đi làm ngay”, “việc nhẹ nhàng”...”.
4. Không cần thử việc hay kiểm tra năng lực: Những công ty uy tín thường có 2-3 vòng kiểm tra, có yêu cầu về số lượng, vị trí công việc rõ ràng cụ thể.
Cách xử lý khi bị lừa đảo việc làm:
1) Chụp màn hình lại làm bằng chứng nhằm thông tin đến cơ quan có thẩm quyền, lực lượng công an, liên hệ với công an phường, và phòng Công tác sinh viên để tuyên truyền đến các bạn sinh viên khác.
2) Tự mình làm tuyên truyền viên, mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của mình tới mọi người xung quanh dưới mọi hình thức: truyền miệng, thông qua các trang truyền thông như fanpage trường, trong nhóm Zalo, Mess để ngăn chặn hoạt động lừa đảo của các đối tượng...
3) Đi chung với nhau, khi đi nhớ nhắc địa chỉ cho bạn bè của mình, đề phòng trường hợp nguy hiểm để có thể giải cứu kịp thời.
4) Truy cập website: Dauhieuluadao.com của Google hợp tác cùng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) nhằm giúp mọi người tìm hiểu thêm các tình huống lừa đảo phổ biến cũng như “nguyên tắc vàng” để ngăn chặn.