Chuyên gia WHO 'rùng mình' khi xem trận chung kết Euro

0:00 / 0:00
0:00
Các cầu thủ Italia ăn mừng cùng người hâm mộ trên sân vận động Wembley sau khi giành ngôi vô địch Euro 2020. Ảnh: Reuters
Các cầu thủ Italia ăn mừng cùng người hâm mộ trên sân vận động Wembley sau khi giành ngôi vô địch Euro 2020. Ảnh: Reuters
TPO - Một nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại khi chứng kiến đám đông không đeo khẩu trang hò hét tại trận chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2020 hôm Chủ nhật ở London (Anh).

“Công thức dẫn đến thảm hoạ”

Đăng đàn Twitter ngày 11/7, khi hai đội tuyển Anh và Italia đang thi đấu giành ngôi vô địch Euro 2020 trên sân vận động Wembley, trưởng nhóm nghiên cứu COVID-19 của WHO - bà Maria Van Kerkhove bày tỏ quan ngại “khi chứng kiến dịch bệnh lây lan ngay trước mắt”.

“Đại dịch vẫn chưa ngừng nghỉ. Virus SARS-CoV-2 và biến thể Delta sẽ “lợi dụng” những người chưa được tiêm chủng ở nơi đông người, những người không đeo khẩu trang, đang la hét/hát hò.”

Trước đó, hồi tháng Sáu, Anh đã kí thoả thuận với Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), cho phép sân Wembley ở London lấp đầy 75% của 90.000 ghế ngồi trong ba trận đấu tháng Bảy, bao gồm cả trận chung kết.

Katie Smallwood - một quan chức cấp cao của WHO đầu tháng Bảy cho biết “các cuộc tụ tập đông người sẽ trở thành các sự kiện siêu lây lan, trong bối cảnh số ca bệnh ngày càng tăng.”

Uỷ ban Sức khoẻ Cộng đồng của Nghị viện châu Âu mô tả quyết định cho phép 60.000 người hâm mộ vào sân Wembley là “công thức dẫn đến thảm hoạ”.

Scotland đã ghi nhận hàng trăm ca bệnh có liên quan đến nhóm 1.300 người hâm mộ tới London xem trận đấu giữa hai đội Anh và Scotland vào ngày 18/6.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Anh những ngày này đang gia tăng nhanh chóng, một phần do biến thể Delta, một phần do chính quyền dần dỡ bỏ các lệnh hạn chế. Theo thống kê của Worldometers, từ ngày 7 đến ngày 12/7, số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Anh đều ở mức trên 30.000 ca.

Từ ngày 19/7 tới, hầu hết các lệnh hạn chế còn lại ở Anh sẽ được dỡ bỏ, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang và quy định giữ khoảng cách.

WHO khuyến cáo về mũi vắc xin thứ ba

Tổ chức Y tế Thế giới hôm qua cho biết các quốc gia phát triển chưa nên đặt hàng vắc xin để tiêm mũi thứ ba cho công dân nước mình, trong bối cảnh nhiều nước khác vẫn đang khan hiếm vắc xin.

Theo Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus, số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu lại đang gia tăng, biến thể Delta đang dần trở thành biến thể trội, và nhiều quốc gia vẫn chưa nhận đủ liều vắc xin để tiêm cho nhân viên y tế.

“Biến thể Delta đang tung hoành trên khắp thế giới với tốc độ chóng mặt, và hiện đã xuất hiện ở 104 quốc gia”, ông Tedros nói. “Nguồn cung vắc xin COVID-19 trên thế giới đang không đồng đều, không công bắng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu mũi vắc xin để tiêm nhắc lại, trong khi nhiều quốc gia khác chưa đủ nguồn cung để tiêm chủng cho các nhân viên y tế cũng như những đối tượng dễ bị tổn thương.”

Tổng giám đốc WHO cho biết Pfizer và Moderna đang hướng tới việc cung cấp vắc xin tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có tỉ lệ tiêm chủng cao. Nhưng theo ông Tedros, hai công ty này nên chuyển số vắc xin của mình vào COVAX - chương trình chia sẻ vắc xin chủ yếu cho các quốc gia có thu nhập trung bình và khó khăn hơn.

Nhà khoa học trưởng của WHO, Soumya Swaminathan, cho biết đến nay tổ chức này vẫn chưa thấy bằng chứng chứng minh việc tiêm nhắc lại là cần thiết cho những người đã tiêm đủ liều vắc xin.

“Việc này phải dựa trên cơ sở khoa học và dữ liệu, chứ không phải dựa trên tuyên bố của các công ty riêng lẻ rằng vắc xin của họ cần được tiêm như một liều tăng cường.”

Theo Reuters, The Guardian
MỚI - NÓNG