Chuyện ít biết về Tiểu đội nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ

TP - Dù trải qua 58 năm, nhưng ký ức về sự kiện Tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn bắn rơi máy bay F105 của đế quốc Mỹ vào ngày 1/12/1965 vẫn như tươi mới, oai hùng. Gặp lại nhau, các nữ dân quân nay đã lên chức bà nội, ngoại rưng rưng buồn, vui lẫn lộn….

Cuối tháng 4 vừa qua diễn ra buổi gặp mặt, tri ân Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang đã từng bắn rơi máy bay Mỹ, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong tổng số 11 người, nay chỉ có 7 hội ngộ, có người đã “khuất núi”, nhiều cựu nữ dân quân khác tha phương, mất liên lạc sau này…

Ký ức

Vận bộ quần áo truyền thống dân tộc Tày, các cựu dân quân nom khỏe khoắn, tươi tắn. Bà Vy Thị Bay, sinh sống tại xã Quang Lang (nay thuộc thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng), 76 tuổi nhưng còn tinh anh, nhanh nhẹn, tay mân mê tấm Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, nhớ lại: Chuyện bắn rơi máy bay Mỹ là kỷ niệm không bao giờ quên đối với chúng tôi. Tiểu đội được thành lập vào năm 1963 gồm 11 chị em, hầu hết chưa đủ 18 tuổi do Nguyễn Thị Thìn làm Tiểu đội trưởng. Ngày ấy, thi đua với cánh nam giới, chúng tôi hăng hái tham gia làm trận địa, lên đồi núi tập bắn, làm quen với hiệu lệnh. Ngày nào cũng vậy, ban ngày trực chiến, tối về tiếp tục lao động, sản xuất…

“Cuối năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Mục tiêu là đánh sập cây cầu sắt khu lâm trường Mỏ Đá - huyết mạch giao thông của ta trong việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực viện trợ của phe Xã hội chủ nghĩa từ biên giới vào Nam. Chính vì vậy, chúng tôi có nhiệm vụ túc trực tại chốt tiền tiêu 24/24 giờ ở đồi Khau Phục, điểm cao nhất ở xã Quang Lang. Khi giặc chưa tới thì tranh thủ làm giao thông hào, hầm trú ẩn, lấy lá ngụy trang phủ lên khẩu pháo cao xạ. Ngày đó, do thời tiết khắc nghiệt, có chị em ốm mà không muốn nghỉ vì chưa được lập công đầu…”, bà Bay thuật lại.

Chuyện ít biết về Tiểu đội nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ ảnh 1

Bữa cơm đoàn viên của nữ dân quân Quang Lang sau 58 năm. Ảnh: Duy Chiến

Theo lời bà Bay, trưa ngày 1/12/1965, Tiểu đội đang tranh thủ tập một bài hát bên giao thông hào cho Hội diễn văn nghệ quần chúng sắp tới thì có tiếng báo động. Trên bầu trời xuất hiện tốp máy bay Mỹ lao về hướng cầu sắt. Các chị mỗi người một khẩu súng trường, chọn góc độ đã định sẵn sàng nhả đạn. Một chiếc F105 chúc đầu xuống đồi Khau Phục cắt bom. Đúng lúc đó, có tiếng của Tiểu đội trưởng hô to “Bắn”, mọi người nhất tề nổ súng, từng loạt đạn đanh thép vút lên bầu trời lao thẳng vào máy bay địch. Trong mịt mùng bom đạn, bỗng xuất hiện một cột lửa bốc cháy trên bầu trời rồi rơi xuống ruộng lúa góc đồi xa. “Cháy rồi. Máy bay Mỹ rơi rồi các đồng chí ơi. Nhiều tiếng reo mừng thốt lên, chúng tôi cùng ôm nhau khóc vì vui mừng, đồng thời nhanh nhẹn cùng bộ đội, người dân địa phương đi tìm xác “con ma giặc”, bà Bay hào hứng tâm sự.

Thiếu tướng Dương Hiền, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 1 cho biết: Sự kiện Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang dùng súng trường bắn rơi một máy bay F105 của giặc Mỹ trở thành niềm vui, tự hào cho lực lượng dân quân tự vệ và quân dân ta. Nhận được thông tin, nhiều đồng chí lãnh đạo trung ương, Quân khu 1, tỉnh Lạng Sơn tới thăm, tặng quà và động viên. Trong đó có ông Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tới gặp và được Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang trao tặng mảnh xác máy bay mà đơn vị đã bắn hạ.

Nỗi niềm

Chẳng mấy khi gặp nhau nên các cựu nữ dân quân mừng tủi, kéo nhau đến gần hỏi chuyện chồng con, cuộc sống. Bà Vi Thị Trong nhỏ nhẹ cho biết, khi còn ở Tiểu đội dân quân đã lập gia đình với một cán bộ lâm nghiệp, song do hoàn cảnh chiến tranh, tham gia trực chiến nhiều tình cảm rạn nứt nên chia tay nhau. Sau này tái giá muộn không có con, không khí gia đình có phần buồn tẻ. Còn bà Trần Thị Hiền sinh được bốn người con, cô con gái thứ hai làm giáo viên dạy học gần nhà bỗng mắc chứng bệnh tâm thần, việc chữa chạy mất thời gian, tiền bạc nên cuộc sống gia đình trở nên khó khăn. Mọi người đều nhắc đến Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thìn hiền lành, tốt bụng. Ngoài tích cực tham gia huấn luyện, chiến đấu, Thìn còn là Phó Bí thư chi đoàn, xã viên lao động giỏi nhưng sau đó mất sớm do lao lực và bệnh tật…

Năm 1973 khi hoàn thành nhiệm vụ, các nữ dân quân Quang Lang trở về cuộc sống đời thường. Hiện có 7 người đang sinh sống ở các xã Vân Thủy, Quan Sơn và thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Vào dịp lễ tết, kỷ niệm 30/4 hoặc đi chợ phiên có dịp gặp nhau. Còn 4 cựu nữ dân quân khác thì ở xa, có người đã mất liên lạc…

Năm 1998, Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì và Huy chương Kháng chiến hạng Nhất cho 11 cá nhân tham gia bắn rơi máy bay Mỹ.

Bà Vy Thị Bay tâm sự: Đa phần các thành viên Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang có sức khỏe giảm sút, yếu kém. Tuy vậy, ai cũng lạc quan, yêu đời.

Tiếp nối truyền thống

Thấm nhuần đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đoàn thể và tuổi trẻ địa phương đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực để tri ân đối với những người có công với Tổ quốc. Ông Phùng Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, gia đình các cựu nữ dân quân Quang Lang đã nỗ lực vươn lên, hiện nay có cuộc sống khá ổn định và luôn đi đầu gương mẫu trong các phong trào. Huyện Chi Lăng sớm chăm lo các chế độ, chính sách cho các cựu dân quân Quang Lang và thường xuyên tổ chức các chương trình tri ân, gặp mặt truyền thống. Gần đây, Tiểu đội được đi viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.

Khi nhận được những món quà của báo Tiền Phong và các nhà hảo tâm, các nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa rất xúc động. Nhất là được tuổi trẻ địa phương bố trí một bữa cơm ấm cúng, cùng ăn sau bao năm tháng xa cách, được ôn chuyện xưa và “thắp lửa” truyền thống cho thế hệ sau; các bà, các cô vui lắm. Nắm tay chúng tôi, bà Vy Thị Bay chỉ vào chiếc lược kim loại làm bằng xác máy bay Mỹ đang cài trên mái tóc ánh lên niềm kiêu hãnh nói rằng, sau chiến công vang dội của Tiểu đội, nhiều nhà báo, nhà văn, đến quay phim chụp ảnh phỏng vấn, ghi hình. Có cả một bài hát ca ngợi chiến công của tiểu đội.