Chuyện kỳ diệu ở bản Mường

TP - Bùi Văn Bình (xã Kim Truy, Kim Bôi, Hòa Bình) bại liệt hai chân từ bé, bố mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa. Nhưng với nghị lực vươn lên, anh Bình đã cố gắng học tập tốt.

12 năm nay, anh mở lớp học miễn phí cho các em học sinh nghèo ngay tại căn nhà nhỏ của mình. Một ngọn lửa của tình yêu thương, sự hiếu học được thắp sáng nơi bản Mường.

Chuyện kỳ diệu ở bản Mường ảnh 1

Bùi Văn Bình dạy kèm cho các em học sinh trong ngôi nhà nhỏ của mình

Bò đến trường

Không gian yên tĩnh giữa núi rừng vang lên những tiếng ê, a tập đọc của các em nhỏ trong căn nhà của anh Bình. Ngôi nhà chỉ rộng 15 m2, có gần 20 học sinh độ tuổi khác nhau, ngồi vây quanh chiếc giường của người thầy tật nguyền để học chữ.

Anh Bình sinh năm 1978, ở thôn Yên, là người dân tộc Mường. Khi Bình sáu tuổi thì bố qua đời, mẹ đi thêm bước nữa. Bình và em gái bơ vơ, xóm làng thương tình thay nhau cho hai anh em gạo, rau và muối vừng để ăn.

Những tháng ngày côi cút ấy dù ăn cơm với muối trắng hay rau rừng thì Bình vẫn xin được đi học để tìm đến cánh cửa tri thức. Bất hạnh một lần nữa trút xuống đầu anh sau trận ốm dai dẳng khi đang học lớp 4, không có điều kiện chạy chữa, anh bị liệt hai chân, hai tay trở nên yếu ớt.

Nhưng bại liệt không ngăn nổi khát khao tới trường của Bình. Không đi được, Bình bò đi học. Với Bình: “Đi học được gặp bạn bè, được học những con chữ, làm từng bài toán khiến mình vui hơn”.

Quãng đường từ nhà tới trường vô cùng gian nan. Ngày nào đầu gối Bình cũng sưng vù, rớm máu và đôi bàn tay bỏng rát vì phải bò tới trường. Cảm phục trước ý chí học tập của Bình, những người bạn cùng trường, lớp ở xóm thay nhau hằng ngày cõng Bình đi học.

Bình thông minh và luôn khẳng định được mình trong học tập. Bình luôn là học sinh khá, giỏi từ THCS đến THPT. Nhưng sau ngày thi tốt nghiệp thứ 2 thì anh ốm nằm liệt giường, không thể tiếp tục thi nên ước mơ lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp 3, bước vào giảng đường đại học đành dang dở.

Chuyện kỳ diệu ở bản Mường ảnh 2

Học sinh của thầy Bình

Gieo con chữ

Vì bệnh tật không thể tiếp tục con đường học tập, anh Bình lầm lũi ở trong ngôi nhà nhỏ của mình. Anh trở nên trầm tính và ít nói. Cho đến một ngày người bạn cùng xóm đưa con học lớp 2 đến nhờ anh dạy kèm vì vợ chồng đều không biết chữ thì một niềm vui mới đến với anh. Thấy anh Bình có phương pháp dạy học hay, học sinh tiến bộ rõ rệt, những hộ dân trong xã có con học kém cũng đưa đến nhờ anh dạy.

Quãng đường từ nhà tới trường vô cùng gian nan. Ngày nào đầu gối Bình cũng sưng vù, rớm máu và đôi bàn tay bỏng rát vì phải bò tới trường. Cảm phục trước ý chí học tập của Bình, những người bạn cùng trường, lớp ở xóm thay nhau hằng ngày cõng Bình đi học.

“Khi dạy học cho bọn trẻ, tôi nhận thấy rằng, các em là người dân tộc Mường, ở nhà giao tiếp bằng tiếng Mường, khi đi học thì nói tiếng Kinh chưa sõi, nên đôi khi học không theo nổi chương trình, dẫn đến học yếu. Ngại với bạn bè nhiều em bỏ học giữa chừng. Tôi mở lớp dạy tại nhà là muốn giúp đỡ các em khắc phục điều đó và vươn lên để không bị mù chữ, rồi thoát nghèo, làm giàu cho quê hương”, anh Bình chia sẻ.

Túp lều nhỏ của anh cũng chỉ làm nơi dạy học được trong gần 7 năm thì năm 2009 bị bão đánh sập. Thế là thầy mất nhà, trò mất lớp. Thương anh và cũng muốn con cái mình có nơi học tươm tất hơn, người dân trong thôn huy động được 10 triệu đồng xây cho anh được ngôi nhà rộng chừng 15m2.

Trong ngôi nhà nhỏ này, đợt cao điểm mùa hè, mỗi ngày có 40 đến 50 học sinh đến học. Anh Bình phải chia lớp thành nhiều ca khác nhau: Ca sáng dạy các em từ lớp 1 đến lớp 3, ca chiều lớp 4, ca tối lớp 5.

“Em rất yêu quý thầy Bình. Thầy bị ốm mà còn dạy bọn em học chữ, thầy dạy dễ hiểu nên em sẽ cố học giỏi, không thầy lại buồn”, em Bùi Thị Ngọc (học sinh lớp 3) học lớp thầy Bình chia sẻ.

Sống đâu chỉ cho riêng mình

Chia sẻ kinh nghiệm dạy học, anh Bình tâm sự: “Không được đào tạo qua nghiệp vụ sư phạm, nhưng tôi luôn cố tìm ra những phương pháp dạy hay, dễ hiểu, gần gũi nhất cho học sinh của mình. Không gây áp lực điểm số, thành tích học nên các em cởi mở hơn, không giấu dốt và từ đó tiến bộ”, anh Bình nói.

Ngôi nhà mới của anh giờ tươm tất hơn. Bị liệt nên mọi hoạt động của anh Bình đều nhờ sự giúp đỡ của người khác. Các em học sinh thường giúp thầy dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo.

Nhiều gia đình có điều kiện trong xã gửi con đến học ở lớp anh Bình hằng tháng tự nguyện quyên góp 50.000 đồng đến 80.000 đồng để anh làm kinh phí dạy học. Anh thường dùng tiền đó vào mua sách vở, bút mực cho lớp, thưởng cho học sinh khá giỏi hoặc mua bánh kẹo cho chúng liên hoan trong dịp tết Trung thu, ngày quốc tế Thiếu nhi...

Cuộc sống chật vật khó khăn, cơm ăn hằng ngày anh Bình nhờ vào những khoản trợ cấp xã hội. Trong cuộc sống, anh Bình luôn lạc quan, yêu đời và khao khát làm điều có ích cho thôn bản.

Chị Bùi Thị Hằng (xóm Yên - xã Kim Truy) cho biết: “Tôi có con trai học lớp 3, gửi học chỗ thầy Bình đã được 6 tháng. Trước học lực yếu lắm, nhờ thầy Bình kèm cặp nay đã lên học lực khá. Có nhiều em học sinh khác nhờ học thầy mà từ chỗ không thuộc bảng chữ cái, năm vừa rồi đã là học sinh giỏi. Thầy rất nhiệt tình, bà con ai cũng quý. Tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi gửi gắm con mình ở đây”.

Ông Bùi Quang Vinh, Chủ tịch xã Kim Truy cho biết: “Anh Bùi Văn Bình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã, ở một mình lại bị bệnh tật liệt hai chân. Nhưng anh đã nghị lực vươn lên hoàn cảnh, mở lớp học miễn phí giúp các cháu nhỏ trong xã đến học tập.

Nhờ lớp học của Bình mà nhiều em nhỏ thoát khỏi mù chữ, vươn lên đạt thành tích học tập khá, giỏi. Bình được học sinh và người dân trong xã quý mến”.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.