Chuyện người tứ xứ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm ngày sau khi từ Ethiopia trở lại Pháp, nhà báo tự do Võ Trung Dung đồng ý dành cho tôi gần 3 tiếng trò chuyện. Quăng mình vào những căng thẳng địa chính trị ở Ukraina, châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ để làm phim tài liệu (TL) cho tập đoàn France TV, TV5 MONDE, ARTE, NHK..., giọng nói Võ Trung Dung cũng đẹp như một dải phim mượt, chạy chậm và nặng thấu cảm.

Bí kíp của Võ Trung Dung

Võ Trung Dung đề nghị “Em cho anh hai phút làm tách cà phê. Rồi mình vào chuyện”. Ngọt ngào thế ai nỡ chối từ! Triết học gia Aristotle từng định nghĩa sự giận dữ được kiểm soát tốt chính là dịu dàng. Dựa vào phong cách nhẹ nhàng trầm sâu của Võ Trung Dung để nói về sản phẩm báo chí anh làm cho các đài phương Tây xem chừng có lý.

Chuyện người tứ xứ ảnh 1

Đạo diễn thực hiện phim tài liệu ở Việt Nam năm 2019. Ảnh: Trịnh Đức Phương Linh

“Màu da hay văn hóa gốc... không phải thứ tôi giới thiệu đầu tiên trong nghề này. Tôi không viết theo quan điểm của nước tôi có hộ chiếu nên quốc tịch cũng không liên quan. Tôi viết cái tôi nhìn thấy. Tôi cũng không tin ngay thứ tôi thấy”- Võ Trung Dung mở đầu cuộc trò chuyện như vậy.

Thời mới vào nghề, truyền thông còn thô sơ chứ không dàn cảnh hoặc dựng kịch bản tinh vi như bây giờ, Võ Trung Dung đã nhất quán: quan sát kĩ hiện trường và nghiên cứu sâu bối cảnh. Ai chẳng muốn đưa hình ảnh tốt nhất, kể chuyện ấn tượng nhất. Nhưng phía sau chuyện kể của nhân vật và khung hình ghi được, có khi nội dung hoàn toàn khác. Từ đây cũng hiểu ra văn hóa gốc đã thấm sâu vào cách nhìn và hành xử của mình.

“Tôi có hai vốn văn hóa Việt và Pháp, cũng là lợi thế trong thái độ trước sự kiện- nhân vật- môi trường. Người Âu nói chung tới hiện trường làm việc xong là bốc máy bỏ đi. Ví dụ, trò chuyện với một gia đình ở Trung Đông, họ nói đã hai ngày nay không có gì ăn. Quay xong, đạo diễn bảo xếp máy về khách sạn. Tôi không làm vậy được. Sinh ra từ nôi văn hóa phương Đông, lại lớn lên trong giai đoạn chiến tranh nên lòng trắc ẩn của mình sâu nặng lắm. Làm sao có thể rời nơi người ta đang đói để về khách sạn ăn tối. Có những chuyến đi mỗi ngày tôi chỉ ăn một bữa, bữa kia chia cho nhân vật”.

Chuyện người tứ xứ ảnh 2

Bảy năm trở lại đây, phim tài liệu với chủ đề rộng, phát nhiều số, mỗi số tối đa 20 phút, dễ kiếm được khung giờ chiếu hơn phim dài- chỉ kể một chuyện từ đầu tới cuối. Voilà, anh chỉ có hai mươi phút! Ở lại cùng nhân vật đã tạo ra chiều sâu chuyện kể của Võ Trung Dung trong các tập phim tài liệu xu hướng rút ngắn thời lượng. Máy đóng lại chuyện vẫn tiếp tục mở ra nhờ cử chỉ gần gũi, ánh mắt thiện cảm dành cho nhau.

Không có phim đen-trắng

Nhưng cũng mạo hiểm khi Võ Trung Dung chọn cách ở lại cùng nhân vật sau những phút đóng máy quay hình.

Phóng sự đầu tiên của Võ Trung Dung trong sự nghiệp hơn 30 năm làm báo là nội chiến ở Lebanon. Chẳng phải dũng cảm gì đâu, anh cười: “Cũng sợ chết chứ. Nội chiến ở đó kéo dài, không còn là chủ đề béo bở gì cho các cây bút kì cựu nữa. Mình mới vào nghề, phải dấn thân thôi”. Có điều, xung đột cảm xúc trong đầu quá mạnh khi Võ Trung Dung chứng kiến một phiến quân cắt cổ đối thủ bình thản như cắt cổ gà, nhưng theo anh ta về nhà, lại thấy một người con hiền từ ngồi bên mẹ già bón từng thìa súp.

“Màu da hay văn hóa gốc... không phải thứ tôi giới thiệu đầu tiên trong nghề này. Tôi không viết theo quan điểm của nước tôi có hộ chiếu nên quốc tịch cũng không liên quan. Tôi viết cái tôi nhìn thấy. Tôi cũng không tin ngay thứ tôi thấy”.

Võ Trung Dung đã ở Lebanon gần một năm, hai tháng đầu sợ đến mức không dám rời căn hộ ra ngoài làm phóng sự. Nỗi sợ làm cơ bắp và trí não tê liệt. Khách sạn chỉ cách nơi giao tranh khoảng trăm mét, vô thức gợi lại trong anh chiến tranh ở Việt Nam: “Đó là ký ức Tết Mậu Thân năm 68 khi tôi mới 7 tuổi ở Huế, các xác chết đầu tiên phải thấy cũng ở đó. Phản ứng để sống là chôn vùi hình ảnh ấy vào kí ức. Khi đến Lebanon, kí ức sống lại.”

Võ Trung Dung qua Pháp năm 24 tuổi, gần 30 tuổi bắt đầu nghề báo. Xám là màu chủ đạo trong các hình ảnh, thước phim của anh. “Màu xám mang thông điệp rộng hơn, bởi tôi đã thấy nỗi đau và hạnh phúc hiện diện cùng lúc. Các sự kiện xảy ra không rõ ràng trắng- đen ngay lập tức. Màu sắc này tôi chưa nhìn ra ngay khi còn nhỏ đâu. Lớn lên trong gia đình trí thức ở miền Nam, đọc sách báo nhiều, xem phim ảnh cũng khá, tôi vẫn không mường tượng thế giới bên ngoài nước mình cụ thể thế nào. Những năm 80 người gốc Á ở Pháp chưa nhiều. Cảm giác mình bị trễ 30 năm khi rời phi trường Charles-de-Gaulle bước vào đời sống Paris. Khác biệt từ cách ăn mặc cho tới góc nhìn. Có người khinh bỉ mình, có người nâng đỡ mình. Xã hội mà. Vì vậy tôi chọn ngành xã hội học để hiểu hơn nơi này. Khi làm các chương trình nghiên cứu về xã hội học, càng thấy rõ màu xám ấy, thiện- ác đều nằm trong mỗi con người và mỗi xã hội”, anh nói.

“Lớn lên trong gia đình trí thức ở miền Nam, đọc sách báo nhiều, xem phim ảnh cũng khá, tôi vẫn không mường tượng thế giới bên ngoài nước mình cụ thể thế nào. Những năm 80 người gốc Á ở Pháp chưa nhiều. Cảm giác mình bị trễ 30 năm khi rời phi trường Charles-de-Gaulle bước vào đời sống Paris. Khác biệt từ cách ăn mặc cho tới góc nhìn. Có người khinh bỉ mình, có người nâng đỡ mình. Xã hội mà. Vì vậy tôi chọn ngành xã hội học để hiểu hơn nơi này. Khi làm các chương trình nghiên cứu về xã hội học, càng thấy rõ màu xám ấy, thiện- ác đều nằm trong mỗi con người và mỗi xã hội”.

Nhìn ra màu sắc rồi thì sao, kể cách nào để thuyết phục người bản xứ? Võ Trung Dung nhận ra: “Văn hóa ngấm vào mình chưa đủ nhuyễn. Thầy ở trường báo chí bảo đọc bài anh tôi biết ngay người viết không sinh ra ở đây, cách kể rất khác. Văn hóa nó sâu như vậy đấy, giỏi ngôn ngữ chưa đủ”.

Cũng may Võ Trung Dung mê ảnh từ nhỏ, không viết được thì chụp hình. Có mắt nhìn tốt, 4- 5 năm sau anh đã là một trong những phóng viên ảnh được các tòa soạn trọng vọng - “Mình không hơn họ về kĩ thuật, chụp còn chậm nữa. Lê la cả ngày chỉ được vài tấm trong khi người ta mười phút đã xong ảnh và đi rồi. Nhưng hình ảnh của mình có chiều sâu”.

Đến một lúc nào đó, tự Võ Trung Dung không muốn đi xa hơn trong dùng ảnh để kể chuyện: “Không phải chuyện thu nhập đâu. Mình dừng vì thấy giậm chân tại chỗ. Cần sự thỏa mãn khác”. Bắt đầu từ số không khi quay về với viết. Viết tới mức nào đó lại cảm thấy âm thanh tốt hơn vì có thể truyền nhiều cảm xúc hơn. Cả đoạn văn có khi không đủ kể hết nội dung bằng một âm thanh 7 giây có tiếng gió, tiếng cười. “Từ đó tôi mon men tự học làm phim. Rồi xin tham gia đoàn phim, cho theo vác máy cũng được, làm chân lon ton mua cà phê cũng tốt. Từng là phóng viên ảnh nên tôi học nghề từ họ cũng nhanh”, anh kể.

Khi miếng bánh không hợp vị

Năm năm gần đây, Võ Trung Dung chủ yếu làm phim tài liệu ngắn. COVID-19 đình trệ nhiều hoạt động, năm qua anh vẫn có ba chuyến đi dài ngày tới Afghanistan, Rwanda, Ethiopia. Nửa năm trước, một công ty sản xuất phim tài liệu nghĩ ra đề tài “Những cuộc chiến ở châu Phi” nhân sự kiện Tổng thống Macron giao một nhóm các nhà sử học nghiên cứu về trách nhiệm lịch sử của Pháp trong nội chiến ở châu Phi cũng như các diễn biến hiện nay tại châu lục này. Công ty sản xuất phim đề nghị Võ Trung Dung viết kịch bản nháp chào hàng các đài.

Thế là cuối hè 2021, Võ Trung Dung trở lại Rwanda, nơi anh từng có mặt trong thảm họa diệt chủng 1994 và ở lại đó 6 tháng. Chuyến đi 27 năm về trước khiến anh tổn thương nhất về tình người và lòng nhân đạo: “Họ muốn tôi quay lại vì Tổng biên tập nghĩ tôi có văn hóa kép trong người và tôi đã sống trong vụ thảm sát đó. Hai yếu tố ấy đem lại cái nhìn khác, là giá trị gia tăng cho câu chuyện”.

Ngày trở lại Rwanda không còn chiến tranh, cảm xúc buồn vui xen lẫn. Đất nước phát triển hơn, nhưng tốc độ chậm một cách không bình thường. Người Rwanda ở nước ngoài cực giỏi, song bối cảnh xã hội và một phần bản sắc văn hóa khiến họ định nghĩa hạnh phúc không nằm ở tốc độ hay tiêu chuẩn. Chỉ cần ăn đủ ngủ đủ sống yên, là hạnh phúc rồi. Xong kịch bản nháp về Rwanda, nhà sản xuất hài lòng và yêu cầu Võ Trung Dung viết tiếp nội dung tập hai, Ethiopia.

“Phim tài liệu mà chỉ lôi tư liệu ra phỏng vấn thì dễ chán như con gián. Thế nên, giữa tháng 11 năm 2021 tôi quay lại Ethiopia. Sau 15 năm trở lại, buồn là họ vẫn phải chết và lo bị đói nhiều hơn là ngại COVID-19. Ở đây nước còn quý hơn vàng. Cuộc chiến giữa các sắc tộc, chủng tộc có khi cũng bắt nguồn từ cuộc chiến giữa các dòng sông, giao tranh nhằm sở hữu nguồn nước. Đến đây, tôi thuê một phiên dịch, trả lương cho anh ta trong 15 ngày làm việc còn cao hơn lương tôi. Dễ hiểu thôi, tìm người thế này không dễ, anh ta không những phải dịch chính xác từng chữ sát sao từng nghĩa mà còn phải là nhà báo am hiểu tình hình địa phương. Qua đồng nghiệp cũ giữ quan hệ từ 15 năm trước tôi mới tìm được anh ta để thuê. Có anh ta như có được mối của cuộn len, cứ thế mà lần sợi len tìm đường tiếp cận câu chuyện”, anh kể.

Với những đề tài này, quan trọng là xa định kiến nhất có thể, như thế mới tạo khoảng trống để biết thêm cái mới, kể được chuyện mới. Vẫn chưa phải hồi gay cấn nhất. Tìm thấy chuyện rồi có dám chấp nhận thay đổi hoàn toàn nội dung, can đảm nói với người đặt hàng rằng mình đã sai hoặc hiểu không đúng so với ý tưởng- đề xuất ban đầu? Không ít lần điều này đã xảy ra với Võ Trung Dung: “Vì mình bán đề tài này cho đài rồi mà giờ đổi ý, sao họ chấp nhận được. Nhưng đây cũng là điểm mạnh của tôi, làm có mục đích chứ không đánh đổi. Nướng chiếc bánh không đúng khẩu vị khách hàng, phải chấp nhận mất đơn hàng”.

Vốn là chân đi, vậy mà cũng phải hơn năm trời ngồi nhà vì COVID-19. Võ Trung Dung tìm ra giá trị của sự tạm dừng này: “Con trai sắp đến, anh có hẹn nấu cơm trưa cùng con”. Ừ nhỉ, không đi xa anh vẫn có chuyện gần để kể, bởi: “Với tôi không có giá trị khác biệt giữa xa và gần. Chuyện Ethiopia chưa chắc đã hay hơn, lạ hơn chuyện về mấy cô lao công cách nhà tôi chỉ một trăm mét. Giá trị cốt lõi của cuộc sống với tôi chưa bao giờ là vật chất. Giá trị duy nhất tôi tôn trọng là sự chia sẻ, bao dung dù hơi bao đồng một chút”.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Ngư dân treo cờ mới chuẩn bị đón Tết trên biển. Ảnh: Lệ Thủy

Tết giữa đại dương

TP - Trong khi người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với gia đình, thì ở cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), các ngư dân miền Trung cũng đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày và đón một cái Tết nữa giữa đại dương.
Về Vĩnh Sơn nghe chuyện làng rắn

Về Vĩnh Sơn nghe chuyện làng rắn

TP - Làng rắn Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) gắn liền với truyền thống săn bắt rắn tự nhiên của người dân vào mùa xuân ấm áp. Theo thời gian, nơi đây hình thành làng nghề truyền thống nuôi rắn, mang lại cuộc sống đủ đầy cho người dân.
Thuần hóa 'thủy quái' trên dòng sông chảy ngược

Thuần hóa 'thủy quái' trên dòng sông chảy ngược

TP - Trước đây trên dòng sông chảy ngược có vô số loài cá "khủng". Người dân tộc thiểu số nơi đây có cách săn cá độc đáo, vừa bắt được cá vừa bảo vệ dòng sông đã bao đời gắn bó với họ. Theo thời gian, loài cá này dần khan hiếm. Để bảo tồn loài cá quý, một số người dân tiên phong thuần hóa chúng ở ao hồ nước tĩnh. Bước đầu thành công đã giúp họ tăng thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Nghiệp đoàn trắng đêm

Nghiệp đoàn trắng đêm

TP - Khi phố phường đã chìm vào giấc ngủ, chợ đầu mối Hòa Cường (TP Đà Nẵng) vẫn nhộn nhịp người và xe cộ vào ra. Gần Tết, đoàn xe nông sản khắp nơi đổ về nhiều hơn, đồng nghĩa với những người làm nghề cửu vạn quần quật từ đêm đến sáng giữa tiết trời mưa lạnh. Nghiệp đoàn bốc xếp vận chuyển trắng đêm ở chợ đầu mối dẫu nhọc nhằn, nhưng ai cũng gắng chịu rét để Tết ấm hơn.
Năm Tỵ nói chuyện làm giàu từ rắn

Năm Tỵ nói chuyện làm giàu từ rắn

TP - Lâm Đồng những ngày này, đất đỏ cao nguyên đang khoe sắc xanh của những cánh đồng cà phê. Nhưng ở một góc xã Quảng Trị, một câu chuyện khởi nghiệp mới mẻ lại đang tạo dựng những kỳ tích khác biệt. Đó là câu chuyện của gia đình chị Tô Thị Cúc, người đã thành công với mô hình nuôi rắn ráo trâu, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của cả vùng đất này.
Một số tranh làng Sình

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

TP - Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.
Phụ nữ dân tộc Thái tham gia khua luống

Nhịp điệu ấm no

TP - Đến với các thôn người Thái ở xã vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk, những bản hoà tấu chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cốt cách của người dân nơi này như níu chân lữ khách. Mảnh đất này luôn đong đầy những kỷ niệm đẹp về tình quân dân biên giới.
Bà Trương Thị Thống, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất võng gai ở xóm Long Thọ, xã Giai Xuân chia sẻ về cách làm võng gai

Đung đưa nhịp võng gai người Thổ

TP - Từ những cây gai hoang dại mọc trong rừng, với sự sáng tạo cùng bàn tay tài hoa của những người phụ nữ đồng bào Thổ ở Tân Kỳ (Nghệ An) đã tạo nên chiếc võng tinh xảo, đặc sắc. Qua thời gian, nghề đan võng gai nơi đây bị mai một nhưng những người có tâm huyết vẫn giữ nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, của đồng bào dân tộc Thổ.
Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

TP - Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.