Chuyện quanh bài Đoàn ca

0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Đoàn Văn Thái trao quyết định và trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cho NS Hoàng Hòa
Đồng chí Đoàn Văn Thái trao quyết định và trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cho NS Hoàng Hòa
TP - Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên… Ca từ của ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác của nhạc sĩ Hoàng Hòa từng ngân vang suốt gần 70 năm qua kể từ thời điểm ra đời cuối năm 1953! Ca khúc nổi tiếng ấy đã được chọn là Đoàn ca!

Ở Khu tập thể Trung ương Đoàn số 3 Hồ Xuân Hương, hàng xóm của báo Tiền Phong, chủ nhân một căn hộ nhỏ ở gác 2 là một người đàn ông đứng tuổi dáng dong dỏng. Hồi trẻ có lẽ ông khá là điển trai.

Chuyện quanh bài Đoàn ca ảnh 1 NS Hoàng Hòa

Cái năm xa ấy, mấy anh em làm báo Đoàn chúng tôi đã được ngồi với chủ nhân căn hộ đó. Khi ấy ông còn tỉnh táo và mới chớm vào căn bệnh quái ác!

Người cán bộ Đoàn ấy là Cao Hy Vọng. Ông mang cái tên Hoàng Hòa là cả một câu chuyện dài.

Mới 16 tuổi, chàng thanh niên Cao Hy Vọng rời quê Nam Cường, Nam Định tham gia hoạt động Thanh niên cứu quốc ở tỉnh Thái Bình, rồi tỉnh Hưng Yên.

Thời gian cơ cực gian nan ở vùng địch hậu ấy, chàng trai Cao Hy Vọng rất thân thiết với hai người đồng chí, người bạn và cũng là cặp vợ chồng tên là Hoàng Dương và Nguyễn Thị Hòa. Mặc dù mới cưới nhưng cả hai không quản hiểm nguy lăn xả vào các cuộc luồn sâu các bốt ở vùng tề. Trong một trận đánh cả hai đã dũng cảm hy sinh!

Không phải là quyết định bồng bột xốc nổi nhất thời của tuổi trẻ mà Cao Hy Vọng sau này vẫn coi quyết định mình mang tên ghép của vợ chồng bạn Hoàng Hòa là quyết định sáng suốt và đúng đắn cho cả cuộc đời!

Noi gương người anh, sau này hai người em trai của Hoàng Hòa cũng mang họ của con người dũng cảm ơn nghĩa ấy. Một người mang tên là Hoàng Hà (Cao Minh) và người kia là Hoàng Long (Cao Tiến).

Kể lại hoàn cảnh ra đời của bài hát có tên là Thanh niên làm theo lời Bác, người cán bộ Đoàn Hoàng Hòa vắn tắt thế này.

Thời gian là Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình, lần đó đọc báo Cứu Quốc tường thuật lại sự kiện Bác Hồ đến thăm đơn vị Thanh niên xung phong, Phân đội 312 bảo đảm giao thông ở Việt Bắc ngày 28/3/1951 tại bản Nà Tu (nay là xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn). Tại đó, Bác Hồ đọc mấy câu thơ tặng các chiến sĩ TNXP dũng cảm mở đường trên quốc lộ số 3 ra mặt trận:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên!

Sự kiện cùng 4 câu thơ hào sảng ấy cứ đeo bám trong tâm trí người cán bộ Đoàn. Ông kể rằng chỉ với một cái kèn Ac-mô-ni-ca và lục lọi lại trong chút kiến thức ít ỏi về âm nhạc từng được học thuở thiếu niên, nhiệt tình tuổi trẻ cùng chút thông minh khiến anh cán bộ Bí thư Đoàn thanh niên Hoàng Hòa viết một mạch ca khúc trong non buổi sáng!

Buổi chiều, Hoàng Hòa hát và tập cho mấy anh em trong cơ quan Tỉnh Đoàn Thái Bình. Rất nhanh, ca khúc ấy loang ra khắp… Đó là thời điểm cuối năm 1952, đầu năm 1953. Bài hát được Hoàng Hòa đặt tên là “Thanh Niên xung phong làm theo lời Bác”.

Tháng 7/1954, tại hội nghị cán bộ Đoàn toàn quốc, giai điệu bài hát này đã vang khắp… Một chi tiết mà hồi gặp ở số 3 Hồ Xuân Hương ấy nhạc sĩ Hoàng Hòa không thấy nói nhưng sau này có tài liệu đề cập đến: Bác Hồ đến dự Hội nghị, khi nghe các đại biểu hát, Bác rất vui và khen bài hát này!

Chuyện quanh bài Đoàn ca ảnh 2

Ông Hoàng Hòa (ôm hoa) và ông Vũ Quang (nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn)

Anh cán bộ Đoàn Hoàng Hòa những năm hòa bình vẫn tiếp tục công tác Đoàn tại cơ quan Trung ương Đoàn. Rồi anh được cử đi học ở Liên Xô trở về đảm nhận nhiều trọng trách. Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng. Trưởng ban Trường học của Trung ương Đoàn, Thư ký Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam.

Một thời gian dài bỗng có tin bài hát Thanh niên làm theo lời Bác là của nhạc sĩ Hoàng Hà chứ không phải Hoàng Hòa. Hoàng Hòa là do người ta gọi chệch đi. Người em trai của nhạc sĩ Hoàng Hòa tên là Hoàng Hà mới là tác giả bài hát! Chưa hết lại rộ lên cái tin tác giả bài Thanh niên làm theo lời Bác là của nhạc sĩ Hoàng Hà trứ danh, tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng đang ở Vũng Tàu. Chỉ là tin đồn thôi nhưng khối người tin. Bởi tầm cỡ ca khúc như thế phải cỡ tầm nhạc sĩ Hoàng Hà, tác giả của ca khúc nổi tiếng Đất nước trọn niềm vui thì mới ứng và xứng!

Tiếc thay khi ấy chả có nghĩa cử, tiếng nói nào có trách nhiệm trên công luận kịp thời minh định mà cứ để cho những đồn thổi ấy bay bổng! Thời điểm ấy nhạc sĩ Hoàng Hòa của Đoàn ta, cư dân của nhà số 3 Hồ Xuân Hương lại đang tật bệnh ốm yếu, không rõ là ông có quan tâm và hy vọng trông chờ ở những sự nói lại ấy không? Với bản tính khiêm nhường lại ít lời chắc gì nhạc sĩ đã quyết liệt tiến hành lộ trình trả lại tên cho… em! May mà sau đó có một cuộc phỏng vấn tình cờ nào đó với nhạc sĩ Hoàng Hà tác giả Đất nước trọn niềm vui thì những lời đồn thổi ấy mới chấm dứt!

Những giai điệu tươi trẻ vui cùng âm hưởng hùng tráng của ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác tới thời điểm ấy đã từng ngân vang trên môi làm căng lồng ngực bao thế hệ thanh xuân nước Việt trong những dặm dài vệ quốc và xây dựng đất nước.

Sáng ngày 30/5/2015, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Đảng ủy Trung ương Đoàn cùng đoàn đại biểu đã đến thăm hỏi, chúc sức khỏe đồng chí Hoàng Hòa tại nhà riêng số 3, phố Hồ Xuân Hương.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng ủy Trung ương Đoàn, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đã trao quyết định và trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng đợt 19/5/2015 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho đồng chí Hoàng Hòa.

Hơn một tháng sau cuộc thăm ấy, người cán bộ Đoàn kiêm nhạc sĩ Hoàng Hòa, cha đẻ ca khúc chính thức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sinh ngày 4/6/1930, quê quán xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, vào Đảng 4/6/1949 đã vĩnh viễn ra đi!

Trước đó, năm 2012, nhạc sĩ Hoàng Hòa vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam.

Thời gian đã lặng lẽ và nghiệt ngã làm phận sự của nó. Căn bệnh tai ác đã biến người cán bộ Đoàn kiêm nhạc sĩ nhanh nhẹn tháo vát và tài hoa bệt giường liệt chiếu trong nhiều năm. May mà vợ con ông và người thân đã dài dặc những năm tháng tận tình chăm chút.

Chuyện quanh bài Đoàn ca ảnh 3

NS Hoàng Hòa

…Tôi may mắn được ngồi với anh Cao Ngọc Giác, người con trai út của nhạc sĩ Hoàng Hòa. Người con trai cả của ông, Cao Ngọc Bội đã xung phong vào bộ đội, vào chiến trường và hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Anh con trai út học xong Đại học Nông nghiệp có người hàng xóm của gia đình Hoàng Hòa ở nhà số 3 Hồ Xuân Hương là một yếu nhân của Ban Tổ chức T.Ư vốn đi lại thân thiết với gia đình đã xin cho anh về Ban Nông nghiệp Trung ương Đoàn nhưng cha anh đã kiên quyết ngăn lại. Thế là Cao Ngọc Giác lại ba lô khăn gói đi nhận công tác mãi Tây Nguyên.

Tôi cũng biết thêm một người cháu gái (con bà chị Cao Ngọc Giác) đã dành nhiều tâm sức sưu tầm một số ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hòa. Rồi các thế hệ của Đoàn sẽ được thưởng thức gần 30 ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hòa ngoài tác phẩm "Thanh niên làm theo lời Bác" như: “Vâng lời Bác thanh niên lên đường”, “Đoàn ta đi tiên phong”, “Ra đi giết giặc”, “Hát lên bạn ơi”, “Nhớ mãi công ơn Người”, “Về đây họp Đoàn”, “Lẽ sống”, “Đất nước vào xuân”

Cũng ghi nhận thêm một băn khoăn của người thân gia đình nhạc sĩ Hoàng Hòa. Ấy là ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác vốn có hai lời, nhưng hầu hết các cơ quan xuất bản chỉ ghi một lời.

Thể theo nguyện vọng của gia đình, xin được kính biên ra đây lời 2 của ca khúc “Thanh niên làm theo lời Bác”:

“Khó không sờn xung phong tiến lên nào anh em ơi.
Ta quyết xây dựng hạnh phúc hòa bình độc lập, tự do
Khó không sờn xung phong tiến lên sản xuất kiến thiết
Lúa ngô đầy đồng, nhà máy tưng bừng sản xuất ấm no
Đi lên Thanh niên, chớ ngại ngần chi
Đi lên Thanh niên, làm theo lời Bác
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.