Ba tháng cho lần trở lại đặc biệt
Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Nhã Trúc quyết định rời TP. HCM về Phú Yên lập nghiệp. Vì là người quản lý với nhiều kinh nghiệm, cùng khả năng kinh doanh nhạy bén, quán Matt Café của Trúc thu hút được nhiều bạn trẻ quan tâm. Đồng thời, phong cách quán năng động và chất lượng đồ uống tốt cũng là một điểm cộng cho quán. Mặc dù quán đã xây dựng được thương hiệu nhưng việc quay trở lại hoạt động sau một thời gian dài đóng cửa vì dịch cũng mang đến không ít những thách thức cho cô chủ trẻ này.
Nhã Trúc chia sẻ: “Quán đóng cửa trong thời gian dài sẽ gây tổn hại rất nhiều. Nguyên vật liệu hư hại, trang thiết bị xuống cấp vì không hoạt động, tiền điện, nước, Wi-Fi và các chi phí cố định duy trì hằng tháng vẫn phải trả. Nhân viên sau thời gian dài giãn cách cũng xin nghỉ làm”. Bên cạnh đó, Nhã Trúc cho biết, tâm lý khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên số lượng khách đến quán của Trúc cũng phần nào hạn chế hơn so với trước.
Không gian quán được Nhã Trúc chăm chút bắt mắt. |
Đây được xem là một thử thách cũng như cơ hội cho người trẻ như Trúc phát huy khả năng quản lý kinh doanh để xử lý những ảnh hưởng do dịch bệnh mang lại. Tính đến nay, quán đã hoạt động gần một tháng, mọi thứ đã dần đi vào ổn định. Nhã Trúc tâm sự: “Tình hình dịch bệnh khó có thể lường trước được nên những người làm chủ luôn đặt mình trong tư thế phải thích nghi”.
“Sống bình thường” nhưng không chủ quan
Hiện nay, việc các bạn trẻ quay về quê hương lập nghiệp là không hiếm, nhưng để gây chú ý như Nhã Trúc thì đòi hỏi tính kiên trì và nhạy bén cao để nắm bắt xu hướng và sở thích của khách hàng một cách nhanh chóng. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, tính nhạy bén, thích nghi là một điều vô cùng cần thiết đối với một cửa hàng dịch vụ. “Với tinh thần thích nghi để cùng tồn tại một cách an toàn với COVID-19, cửa hàng mình chủ động trang bị máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động. Kèm theo đó là chuẩn bị sẵn khẩu trang cho khách hàng phòng trường hợp khách quên mang theo. Trong thời gian sớm nhất, cửa hàng sẽ chủ trương yêu cầu khách hàng check mã QR để khai báo y tế”, Trúc nói.
Một góc nhỏ của quán. |
Các thiết bị được bố trí ở cổng, khách hàng sau khi đảm bảo vấn đề sức khỏe mới được vào quán. Việc lắp các thiết bị hỗ trợ phòng chống COVID-19 đã giúp khách hàng phần nào giảm được nỗi lo dịch bệnh. “Quán cũng đã trang bị hệ thống sát khuẩn và đo thân nhiệt nên mình cảm thấy khá yên tâm”, một bạn trẻ đến quán bộc bạch.
Sau dịch, thói quen uống cà phê của giới trẻ nói riêng và khách hàng nói chung cũng có nhiều thay đổi. Thay vì ngồi uống tại chỗ thì việc bán mang đi hay giao hàng tận nơi đang dần trở nên phổ biến hơn. Nắm bắt xu thế này, Nhã Trúc đã ấp ủ cho mình những kế hoạch cụ thể trong thời gian sắp tới. “Trong năm tới, mình sẽ xây dựng thêm mô hình cửa hàng mới chuyên phục vụ mua mang đi và giao tận nơi để khách thuận tiện cho việc gọi món và lấy nước nhanh chóng. Tuỳ thuộc vào nhu cầu của khách hàng, mình sẽ sử dụng mô hình “mua trực tuyến nhưng nhận tại cửa hàng”. Sản phẩm cũng sẽ tập trung vào hình thức đóng chai tiện lợi”, Trúc cho biết.
Nhã Trúc bên quán cà phê của mình. |
Đối với người dân ở đây, quán cà phê không chỉ là một dịch vụ đơn thuần mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Chính vì thế, Nhã Trúc luôn không ngừng cố gắng, trau dồi, xây dựng một thương hiệu “có tiếng, có tâm và có tầm”. Bên cạnh công tác xây dựng hình ảnh, truyền thông, quán còn đặc biệt chú trọng vào chất lượng của sản phẩm để khách hàng có được trải nghiệm một cách tốt nhất.