Hiểu mình trước khi hiểu thế giới
Hương Uyên chia sẻ: “Vì chưa hiểu được mình thực sự thích học gì và cũng chưa sẵn sàng dành 4 năm để học một chuyên ngành ở đại học nên mình quyết định lựa chọn TSP. Mình chỉ nghĩ đơn giản là môi trường của TSP phù hợp với mục tiêu hiện tại của bản thân. Quan trọng nhất là mình tin tưởng vào triết lý giáo dục của TSP: Hiểu mình trước khi hiểu thế giới bên ngoài”.
Hương cho biết thêm, ở TSP, không có một lịch học cố định nào được viết sẵn mà chính thành viên của dự án là người tự thiết kế nên lịch học, tùy theo sự quan tâm và nhu cầu của mỗi bạn. Trước mỗi khóa học, Hương Uyên phải tự lên kế hoạch, đặt mục tiêu muốn đạt được sau khóa học, tìm kiếm nguồn học/người hướng dẫn, sắp xếp thời gian, lựa chọn cách học... Đối với các chuyến “field trip” ở các tỉnh ngoài thành phố hay ở nước ngoài, Hương Uyên cùng các bạn phải tự thân vận động để thiết kế chuyến đi sao cho tiết kiệm nhất mà học hỏi được nhiều điều bổ ích nhất.
Kể về chuyến “field trip” ở Thái Lan, diễn ra từ 7/1 - 5/2/2018, Hương Uyên cho biết, kiến thức học một tháng ở Thái Lan tuy không nhiều như một tháng ở trường hay ngồi ở nhà đọc sách nhưng điều thú vị là học đến đâu, các bạn được thực hành đến đó. Hương Uyên được học và thực hành nông nghiệp thuần tự nhiên, như thiết kế khu đất, trồng cây, ủ phân… “Chuyến đi này còn giúp mình nhận ra bản thân đang bị phụ thuộc vào những tiện nghi hiện đại, nhận ra lâu nay mình sử dụng cái đầu nhiều mà quên mất sức mạnh của đôi bàn tay, nhận ra một người nông dân thông thái thật đáng ngưỡng mộ”, Hương Uyên chia sẻ.
“Hiểu mình” vốn là một hành trình không đơn giản và để người xung quanh hiểu những điều mình đang phấn đầu lại càng khó khăn hơn. Khi mới quyết định đi theo TSP, Hương Uyên lo lắng vì không biết phải nói chuyện với ba mẹ như thế nào để ba mẹ hiểu về sự lựa chọn của mình: “Đó cũng là một trong những khó khăn thường gặp của các thành viên khi tham gia dự án. Mình nhận thấy, điều quan trọng nhất là phải đặt mình vào vị trí ba mẹ, phải cố gắng thấu hiểu ba mẹ bằng cách chia sẻ với ba mẹ nhiều hơn. Mình hay viết thư về nhà để kể cho ba mẹ nghe mình đã đi đâu, gặp những ai, học được điều gì… từ đó, ba mẹ cũng tin tưởng hơn vào con đường của mình”. Đối với Hương Uyên, TSP không còn là một chương trình giáo dục thay thế tách biệt mà chính là cuộc sống của cô.
Đi để trở về đóng góp cho Tây Nguyên
Bên cạnh việc tham gia TSP, Hương Uyên còn đang nắm vị trí Trưởng ban Nội dung của Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên (Tay Nguyen Youth Summit – TNYS), với mong muốn đóng góp và xây dựng mảnh đất Tây Nguyên quê hương (quê Gia Lai).
Hương Uyên lựa chọn chủ đề cho TNYS năm nay là “Hạt giống hạnh phúc”: “Mình chọn chủ đề hạnh phúc một phần là vì ảnh hưởng từ bài học lớn ở TSP: Bắt đầu từ chính mình. Lúc trước, mình chỉ nghĩ theo hướng mang lại hạnh phúc cho người thì sẽ làm bản thân mình hạnh phúc. Nhưng hiện tại, mình nhận ra, khi lạc quan, vui vẻ thì mình cũng tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh. Đó là nguồn cảm hứng cho ý tưởng chuyển từ hướng tập trung xây dựng dự án tác động đến xã hội như TNYS các năm trước sang hướng tập trung vào nội tâm con người”.
“Mình nghĩ rằng, điều quý giá nhất mình học được qua những trải nghiệm ở TSP, hãy đó là bắt đầu từ chính mình. Muốn hiểu thế giới xung quanh, hãy bắt đầu từ việc hiểu chính mình. Muốn thay đổi thế giới, thay đổi mọi người xung quanh, hãy thay đổi chính mình. Muốn cảm thông, đồng cảm, chấp nhận những điểm chưa tốt ở người khác, hãy tập quan sát và đón nhận những khuyết điểm của chính mình. Đừng nhân danh vì môi trường, vì giáo dục, vì xã hội, hãy vì mình trong từng hành động nhỏ. Đừng lấy động lực từ bên ngoài, từ sự công nhận của mọi người, của xã hội, từ một thành tích sẽ được tuyên dương, mà động lực muốn bền vững phải xuất phát từ bên trong, mình thấy vui khi làm việc đó, thấy được ý nghĩa của việc mình làm và mình thực sự muốn làm”, Hương Uyên chia sẻ. |