Cô gái nghiên cứu về năng lượng tổng hợp được vinh danh 'Nữ sinh KHCN Việt Nam'

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Ngô Hoàng Bảo Trân (SN 2000, sinh viên trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM) vừa vinh dự nhận được danh hiệu 'Nữ sinh NCKH Việt Nam'. Những thành tích trong nghiên cứu khoa học và hoạt động ngoại khóa của cô đã được ghi nhận và góp phần truyền cảm hứng học tập tới nhiều bạn sinh viên khác.

Hiện tại, Bảo Trân đang có định hướng nghiên cứu mảng năng lượng, cụ thể là năng lượng tổng hợp (synthetic energy) hoặc tổng hợp hoá chất nói chung. Theo cô, đây là một mảng rất rộng và khi muốn nghiên cứu về năng lượng tổng hợp thì cần có kiến thức về kỹ thuật phản ứng, hoá hữu cơ, truyền nhiệt và các kiến thức khác liên quan đến thiết bị sử dụng loại năng lượng đó.

Cô gái nghiên cứu về năng lượng tổng hợp được vinh danh 'Nữ sinh KHCN Việt Nam' ảnh 1

Sở dĩ, Trân tham gia NCKH vì tò mò, không biết những kiến thức lý thuyết mà mình học trên trường có thể được áp dụng như thế nào. Sau khi đã tham gia, cô cảm thấy biết ơn bởi gặp được những anh chị, bạn bè rất giỏi và nhiệt tình. Mỗi khi Trân cảm thấy muốn bỏ cuộc vì tài liệu tham khảo quá nhiều và khó, hoặc kết quả thí nghiệm không như ý, cô đều đi gặp người hướng dẫn và các bạn để trao đổi và xin hỗ trợ. Cứ như vậy, dần dần cô đã vượt qua những khó khăn ban đầu.

Tuy nhiên, khi đối mặt với từng nghiên cứu, Trân vẫn gặp trở ngại vì vẫn còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. “Khi bắt tay vào các nghiên cứu, mình mới nhận ra rằng, kiến thức của mình còn rất hạn hẹp và các lý thuyết được học trên trường là rất ít để có thể thật sự áp dụng được. Ngoài ra, mình còn gặp khó khăn về việc cân đối thời gian vì muốn một nghiên cứu cho ra thành quả cần nhiều thời gian và công sức, vừa phải đi học và dành thời gian cho các hoạt động khác”, cô sinh viên Bách khoa chia sẻ.

Để khắc phục việc thiếu kiến thức, điều đầu tiên, Trân cùng nhóm nghiên cứu tìm đến thầy cô thuộc chuyên môn để xin lời khuyên, tài liệu tham khảo. Đối với nghiên cứu thuộc luận văn, cô sẽ chủ động xin sự giúp đỡ từ người hướng dẫn và tự tìm tòi thêm từ các tài liệu liên quan. Trường hợp sau khi đọc tài liệu mà vẫn không thể tự giải đáp thắc mắc, cô sẽ liên lạc lại với người hướng dẫn và nhờ giúp đỡ. Bởi Trân luôn tự trau dồi kiến thức, chủ động xin giúp đỡ khi cần thiết và không được nản chí, nhất là trong giai đoạn đầu khi mọi thứ còn quá mới.

Cô gái nghiên cứu về năng lượng tổng hợp được vinh danh 'Nữ sinh KHCN Việt Nam' ảnh 2

Tuy có đam mê với nghiên cứu và tìm tòi cái mới, Trân vẫn cố gắng ưu tiên việc học đầu tiên, sau đó đến nghiên cứu khoa học và tham gia hoạt động ngoại khoá. Thông thường, để rút gọn thời gian dành cho việc học, cô sẽ tìm cách hiểu bài ngay tại lớp và làm bài tập ngay trong ngày để đỡ tốn thời gian. Những khung giờ trống còn lại, Trân sẽ dùng để tham gia dự án nghiên cứu. Nhiều khi cô cũng phải ở lại đến 7h - 8h tối hoặc các ngày cuối tuần để hoàn thành công việc.

Cô cảm thấy biết ơn vì bản thân đã xác định được đúng đam mê và phấn đấu để đạt được nhiều thành công cho lĩnh vực mình theo đuổi. Nhận được danh hiệu 'Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam', Trân mong muốn được truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học đến các bạn sinh viên trong trường.

“Bởi lẽ, lợi ích lớn nhất của việc nghiên cứu khoa học giúp mình xác định được hướng đi sau này và mở rộng kiến thức. Với ngành Kỹ thuật Hoá học, kiến thức rất rộng và khó hình dung mình sẽ chọn hướng đi nào. Vì vậy, mình đã rất chật vật xác định được đam mê thật sự của mình cho đến khi tham gia NCKH. Bên cạnh đó, NCKH giúp mình trau dồi thêm các kiến thức chưa được học và dạy mình cách áp dụng các lý thuyết đã được học”, nữ sinh viên chia sẻ.

Ngoài ra, Trân đưa ra nhận định, cô không phân biệt phụ nữ hay đàn ông khi làm nghiên cứu khoa học bởi việc tham gia NCKH dành cho tất cả những ai có đủ đam mê và sự kiên trì, không phân biệt giới tính, độ tuổi hay hoàn cảnh gia đình. Cô cũng sớm nhận ra, bản thân phù hợp với lĩnh vực kỹ thuật và khoa học tự nhiên hơn vì không có đủ sự sáng tạo, hoạt ngôn để làm các công việc sáng tạo nội dung.

Thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học:

- Giải Ba cuộc thi 'Engineering Projects in Community Service (EPICS) 2021'.

- Giải Ba cuộc thi Ý tưởng sáng tạo '3M Inspire Challenge'.

- Giải Ba tiếng Anh cuộc thi Hùng biện tiếng Anh, do Hội Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2019.

- Đoạt giải Dự án tiềm năng Cuộc thi Sinh viên với Quyền sở hữu trí tuệ S&IP năm 2021.

- Giải Khuyến khích Ngày hội Kỹ thuật 2019 - Khoa Kỹ thuật Hoá học, trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, với đề tài "Tổng hợp nano bạc kháng khuẩn bằng phương pháp khử hóa học"

- 'Sinh viên 5 Tốt' cấp TP. Hồ Chí Minh năm 2021.

- Đạt nhiều học bổng: Canada-ASEAN Scholarships and Educational Exchanges for Development (SEED) 2022, Honda Award 2021, Swing for Dreams 2021, Vallet 2021, Nitori 2020, Trường Hè Khoa học 2019 cho những cá nhân Việt Nam đam mê khoa học và có tiềm lực nghiên cứu khoa học tại Quy Nhơn năm 2020.

Bên cạnh thời gian dành cho nghiên cứu khoa học, Trân cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường. Những năm đầu đại học, nữ sinh là Uỷ viên Ban Chấp hành Liên Chi hội nên thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện như 'Mùa Hè xanh', 'Xuân tình nguyện'… Cô còn là tình nguyện viên phiên dịch tại các hội thảo du học và tập trung vào các hoạt động trao đổi với sinh viên nước ngoài như: học bổng tham gia Chương trình trao đổi mùa Hè tại National Central University (Đài Loan), các chương trình của tổ chức Temasek Foundation (Singapore) và các hoạt động đón đoàn sinh viên nước ngoài đến trường.

Cô gái nghiên cứu về năng lượng tổng hợp được vinh danh 'Nữ sinh KHCN Việt Nam' ảnh 3

Thông qua các hoạt động ngoại khóa, Trân mở rộng được mối quan hệ, quen được nhiều bạn bè từ các ngành, các trường và nước khác nhau. Đặc biệt, cô có cơ hội trau dồi tiếng Anh, khả năng giao tiếp, học thêm các kỹ năng tổ chức sự kiện, sắp xếp thời gian… để hoàn thiện bản thân.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

'Rise Your SUPER5': Nâng tầm 'Sinh viên 5 tốt'

'Rise Your SUPER5': Nâng tầm 'Sinh viên 5 tốt'

SVVN - 'Rise Your SUPER5 - Nâng tầm Sinh viên 5 tốt' là mô hình tiên phong được triển khai bởi Hội Sinh viên trường ĐH Ngoại thương (Cơ sở II), với mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị của phong trào 'Sinh viên 5 tốt'. Mô hình không chỉ giúp sinh viên cập nhật xu thế phát triển kinh tế hiện nay mà còn bám sát tình hình thực tế của doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề tồn đọng và đề xuất các phương hướng phát triển mới.