Có gì bên trong chợ tình Tokyo

Có gì bên trong chợ tình Tokyo
Có một nhà hoạt động, người vừa thoát khỏi kỹ nghệ “Joshi Kosei” kể rằng đang có hàng ngàn nữ sinh trung học sinh sống ở thủ đô Tokyo bị dụ hoặc tự bán “cái ngàn vàng” để kiếm tiền.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Julian Ryall thường trú Tokyo của hãng tin DW sẽ mang tới cho bạn đọc những tình tiết mới nhất xoay quanh đề tài “nhạy cảm” này.

"Cà phê yêu" ở Akihabara, Tokyo

Đó là buổi tối thứ Bảy cách đây không lâu, và chúng tôi đang có mặt ở Akihabara, địa danh này nổi tiếng khắp thế giới như là thiên đường cho những thiết bị điện tử thế hệ mới nhất ở Tokyo, riêng cánh làng chơi kháo nhau rằng, Akihabara cũng là địa chỉ đỏ để mua “rau sạch” và khách hàng nam giới cứ gọi là thăm viếng nườm nượp. Ánh đèn neon nhấp nháy như sao sa hòa lẫn với tiếng người rao hàng, tất cả như một bản nhạc bất tận tại đô thị đông dân nhất nhì thế giới này. 

Chúng tôi chú ý quan sát, thấy rằng khu vực quanh nhà ga bị lèn chặt người ra vào mua hàng, rời đi và tới, liên miên bất tuyệt. Akihabara nhô mình ra khỏi vài khối nhà và mọi hướng đều có thể đặt chân đến đây, nhưng không phải vị khách nào đặt chân tới đây cũng chăm chăm mua phần cứng.

Tsukumo Dori là con đường chạy song song với khu Akihabara, nhưng con đường hẹp này lại dẫn đến nhiều cửa hiệu khác nhau, chúng bán tất tần tật mọi mặt hàng thiết bị điện tử. Một thập kỷ trước, đã có một loại “người bán hàng” mới xuất hiện lác đác tại đây. Ngày nay, mỗi mét vuông ở cả hai phía con đường Tsukumo Dori là chốn định đô của các thiếu nữ trong ngưỡng tuổi teen, họ làm duy nhất một công việc hao hao giống nhau, là cùng chìa ra những tờ bướm mời mọc bất kỳ khách nam giới nào đi ngang qua đấy. Nếu bắt được tín hiệu ưng thuận, rất nhanh chóng, cặp đôi sẽ bước lên một cầu thang gần đấy để đưa họ đến một “động cafe” trên tầng thượng. Chuyện gì xảy ra trên đó, chỉ có người trong cuộc mới rõ!

Điểm dễ nhận thấy nhất ở “người bán” là tất cả các cô đều mặc đồng phục nữ sinh với váy ngắn cũn cỡn, còn áo thì hững hờ có cũng như không; số khác mặc những bộ cánh y chang như những nhân vật trong các truyện hoạt họa của Nhật Bản. Đây đó, những gã trai trẻ đã bắt đầu đứng lại và chăm chú dõi theo các cử chỉ của “người bán”, tất cả đều cố gắng trưng bày “hàng hóa” thật bắt mắt. 

Những nữ sinh này làm cùng công việc tương tự tại nhiều tiệm cafe nằm rải rác ở Akihabara. Bị mê hoặc bởi khoản thu nhập kha khá từ các quán cafe thay vì chăm chăm mời nước trên các thực đơn, nên các nữ sinh đã tới, song dĩ nhiên chuyện đàm phán “hợp đồng” sẽ được bí mật đề cập sau đó. Những quán cafe này thường khuyến khích các nữ sinh làm một việc mà được hiểu theo tiếng lóng trong nghề là “Joshi kosei (JK) osampo”, nói toạc móng lợn thì là “đi khách”.

Giá cho khách “đi dạo” với các nữ sinh trong bộ đồng phục học sinh đầy trong sáng, trong thời lượng 30 phút là khoảng 5.000 yên (tương đương 37 euro), trong đó, chủ quán cafe sẽ thu một nửa số tiền này. Các khoản “tăng hai” bao gồm là gái sẽ ôm lấy khách, có thể tát yêu hoặc nằm kế cạnh anh ta – mặc dù ông bà chủ quán cafe nào cũng mạnh miệng tuyên bố không cho phép xảy ra các hoạt động tình dục tại quán, nó bị cấm, nhưng ai mà biết. 

Tiền trao cháo múc! Các nữ sinh nhanh chóng hiểu cách làm ăn tự do, còn khách hàng chỉ cần có nhu cầu, đề nghị “Ura op” (thực đơn bí mật) và được phục vụ tới bến. Hầu như chủ quán cafe nào cũng khẳng định rằng họ không cần trình độ của các “nhân viên”, và huỵch toẹt rằng chỉ cần nhân viên phục vụ khách hợp pháp là ổn. Nhưng Yumeno Nito, người từng có thời làm nhân viên phục vụ quán cafe, khẳng định rằng các chủ quán là chủ mưu.

Chiêu bài của các tú ông, tú bà

Yumeno Nito từng có thời gian chạy trốn khỏi nhà do những khó khăn thời niên thiếu, và từng có thời gian làm việc tại quận Shibuya ở thủ đô Tokyo, quả quyết: “Nhật Bản vẫn còn là một quốc gia nặng tính bảo thủ cổ hủ khi mà nhiều người chưa có sự hiểu biết đúng đắn về vấn đề mại dâm trẻ em. Ở Nhật, nghề “Joshi kosei” được nhìn nhận là một khuynh hướng hay một dạng giải trí”. 

Yumeno Nito nói rằng xã hội Nhật đang có cái nhìn khoan dung hơn với những công nhân tình dục trẻ tuổi trong ngành công nghiệp tình dục, trong khi truyền thông Nhật đối xử với nạn mại dâm kiểu như chọc cù lét. Và điều đó có thể hiểu là không có sự hỗ trợ cho bất kỳ cô gái nào để họ nhận biết những hiểm họa bủa vây quanh mình. Một trong số ít trường hợp ngoại lệ là Colabo, một tổ chức tình nguyện nhỏ đã tiến hành gặp gỡ với nạn nhân Yumeno Nito sau khi một mục sư giúp Nito thoát ra khỏi “địa ngục trần gian” và bỏ lại quá khứ đen tối sau lưng.

Yumeno Nito trầm ngâm: “Cảm giác trong xã hội Nhật ở đây là các cô gái là thành phần xấu khi sa chân vào ngành mại dâm, rằng cha mẹ đã thất bại trong việc giáo dục con cái, nhưng lại bỏ quên không hề có một sự phê phán nào với kẻ mua dâm. Giới chủ chứa ngày càng trở nên tinh vi, cáo già khi tìm mọi cách lôi kéo, dụ dỗ các cô gái trẻ để “thêm nghề” và nhu cầu tình dục đang không ngừng gia tăng ở Nhật Bản. Những cô gái trẻ là con mồi ngây thơ. Một số bị các chứng tâm thần, số khác ít có lòng tự trọng, còn có một số nữa là tự lạm dụng bản thân, hoặc cũng có những cô từng có ý định liều thân vì những lý do nào đó”.

Khoảng 30% các nữ sinh dấn thân làm gái mại dâm do bởi hoàn cảnh gia đình quá bần hàn, và nhiều người kể rằng họ muốn “làm thêm” để kiếm tiền mua thức ăn trưa ở trường. Một tỷ lệ gái mại dâm tương tự lại xuất thân từ các gia đình tan vỡ, hoặc họ sớm bị lạm dụng tình dục. Đoán được tâm trạng các cô gái có hoàn cảnh bất hạnh, bọn chủ chứa đã mò tới, tỏ ra ngon ngọt, dụ dỗ, giả tảng hết sức thông cảm với những câu chuyện đau lòng của các nữ sinh, đồng thời chi tiền mua thức ăn cho các cô.

Thiếu tiền mặt, đang trong tâm lý chạy trốn gia đình hoặc đang mang tâm trạng bị lạm dụng, nhiều cô gái đã quay trở lại với bọn chủ chứa, thế là cá đã cắn câu. Để cho con mồi thực sự mất cảnh giác, các tú ông, tú bà đã mua quần áo mới cho họ, hay thậm chí để cho các cô tự do ngủ nghỉ thoải mái trên sofa ngay trong văn phòng làm việc của bọn chủ chứa. Lần lần, bọn ma cô sẽ rỉ tai các nữ sinh có một cách kiếm tiền nhẹ nhàng và không tốn mấy công sức – lúc đó, các nạn nhân đã tin chắc rằng bọn ma cô là bạn thân cận của họ - và các nạn nhân đã nhen nhóm ý định về một cuộc sống độc lập. 

Nhưng thứ mà Yumeno Nito đáng lo ngại nhất là con số 30% gái còn lại, họ đến từ những ngôi nhà đang vốn rất hạnh phúc và ổn định, nhưng lại bị mê hoặc, bỏ bùa đặt chân vào thế giới mại dâm. Họ bị dẫn dụ bởi những quảng cáo tuyển nhân viên làm việc trên các trang mạng xã hội mà nghe có vẻ hợp pháp.

Yumeno Nito cảnh báo: “Họ là những đứa trẻ vốn tin tưởng vào sự bảo bọc của người lớn và hoàn toàn không mảy may cảnh giác những điều xấu xa, tồi tệ từ thực tế cuộc sống”. 

Khi chúng tôi đi qua Akihabara, một tình nguyện viên của tổ chức Colabo lặng lẽ chỉ dấu về một hiệu xoa bóp, bấm huyệt mà thực chất là một động mại dâm trá hình, bên cạnh hiệu này là một hiệu bán đĩa phim và chắc chắn là không thiếu các phim khiêu dâm trẻ em. 

Ông Makoto Wantanabe, một giảng viên về truyền thông và báo chí tại Đại học Hokkaido Bunkyo (Tokyo) phát biểu với hãng tin DW: “Cảm giác của tôi là phim ảnh khiêu dâm trẻ em là một trường hợp cực kỳ nguy hiểm và phần lớn xã hội Nhật Bản đang phẫn nộ về chuyện này. Nhưng nó vẫn hiện diện nhan nhản”.

Ông Wantanabe chỉ trích: “Nhưng cá nhân tôi tin rằng cái nghề mại dâm tai tiếng này bùng nổ như hôm nay chính là nhờ sự “hậu thuẫn” của các phương tiện truyền thông Nhật Bản. Các chương trình truyền hình không thôi tìm kiếm những gương mặt trẻ,  mới mẻ và ngay cả khi mà trong vòng 10 năm qua đã có một sự suy giảm rõ rệt của hiện tượng “khiêu dâm mềm” trên truyền hình Nhật Bản.

Thêm nữa là sự cổ xúy khiêu dâm từ các ban nhạc, chẳng hạn như AKB48 với các thành viên nữ trong độ tuổi teen, họ luôn trình diễn trong những bộ trang phục hở hang, hay những người thường xuyên xuất hiện trong các đoạn quảng cáo với những bộ trang phục thừa thịt, thiếu vải tương tự. Ăn mặc hở hang là chuyện bình thường ở trời Tây, nhưng nó là đề tài gây tranh cãi trong xã hội Nhật Bản, cũng như không ai muốn rằng ngày càng có nhiều sự lộ liễu như thế”.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Điều chưa biết về nghi lễ cung đình ở Hoàng Thành

Điều chưa biết về nghi lễ cung đình ở Hoàng Thành

TPO - Chương trình tái hiện nghi lễ Tống cựu nghinh tân do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện bao gồm lễ tiến lịch, lễ cúng ông Công ông Táo, lễ dựng cây nêu và nghi thức đổi gác. Đây là lần đầu nghi thức đổi gác trong hoàng cung được tái hiện, giới thiệu đến công chúng.
Phố bích họa Phùng Hưng khác lạ dịp Tết

Phố bích họa Phùng Hưng khác lạ dịp Tết

TPO - Phố bích họa Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được trang hoàng theo chủ đề Tết Việt. Điểm nhấn của dự án là hệ thống cổng tam quan với họa tiết tranh dân gian, toa tàu điện cũ Hà Nội và không gian chợ hoa truyền thống.
Nông dân Lâm Đồng thức trắng đêm bó hoa

Nông dân Lâm Đồng thức trắng đêm bó hoa

TPO - Huyện Đức Trọng không chỉ được mệnh danh là thủ phủ hoa lay ơn tỉnh Lâm Đồng mà còn là nơi mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động dịp Tết. Mỗi ngày, người làm thuê có thể kiếm được từ 600.000 đồng đến một triệu đồng, tùy vào số lượng bó hoa mà họ cột được. 
Vẽ cầu thủ Xuân Son từ gáo dừa

Vẽ cầu thủ Xuân Son từ gáo dừa

TPO - Bức tranh từ gáo dừa dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Dương Xuân Bính đã thể hiện sâu sắc tình cảm của người hâm mộ dành cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son cùng niềm động viên, khích lệ đối với nền bóng đá nước nhà.
Đồ mã bất ngờ 'ế ẩm' trước ngày ông Công ông Táo

Đồ mã bất ngờ 'ế ẩm' trước ngày ông Công ông Táo

TPO - Từ sáng 21/1 (ngày 22 tháng Chạp), các chợ dân sinh trở nên tấp nập. Người dân đổ xô sắm đồ để làm lễ cúng ông Công ông Táo. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội như phường Xuân La (Tây Hồ), phường Thanh Trì (Hoàng Mai), các cửa hàng đồ mã khá vắng khách. Cảnh tượng nườm nượp khách, người bán không kịp ngơi tay không còn.