Muốn tạo nhiều sân chơi cho học trò
Hằng ngày, phải chạy máy xe gần 20 km từ chỗ ở đến trường nhưng với cô giáo trẻ Nguyễn Ngọc Vân Anh đó không là vấn đề trở ngại lớn, vì trên hết vẫn là niềm đam mê với những tiết dạy Hóa học và những lứa học trò của mình. “Mình quê ở Long Khánh - Đồng Nai, vốn yêu thích môn Hóa từ nhỏ. Mình trong đội tuyển Hóa chuyên dự thi các kỳ học sinh giỏi từ những năm cấp 2, cấp 3. Ba mẹ cũng đã định hướng cho mình theo chuyên ngành này khi vào đại học. Không có hộ khẩu TP. HCM (chỉ có KT3) nên khi làm đơn xin đi dạy, mình được phân công về huyện Nhà Bè. Một thời gian gắn bó với ngôi trường này và nhiều lứa học sinh đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều”, cô cho biết.
Cô Nguyễn Ngọc Vân Anh. (Ảnh: NVCC)
Muốn giúp học trò trưởng thành, học hỏi được nhiều kinh nghiệm sống hơn, cô Vân Anh đã tạo ra nhiều sân chơi cho học trò. “Môn Hóa thường được cho là khó nên mình vẫn luôn cố gắng để mỗi tiết học trở nên sinh động hơn, các em tiếp thu được nhiều hơn”, cô chia sẻ về các tiết học của mình. Những kiến thức môn Hóa với các công thức khô khan được cô biến thành những giờ học thú vị. Chẳng hạn như cô cho học trò khảo sát các thành phần của phân bón, tìm hiểu các cây thuốc nam, phỏng vấn những bác sĩ đông y để tìm hiểu thêm… Tuy là môn Hóa nhưng cô vẫn cho các bạn đóng kịch, cùng lên phòng thí nghiệm thực hành, ghi chép và đúc rút kinh nghiệm. Học sinh khi được hỏi có “sợ” môn học này thì đều cho biết các tiết học của cô Vân Anh rất vui và luôn mong chờ sớm tới giờ học.
Cô Vân Anh luôn gần gũi với học trò. (Ảnh: NVCC)
Cô cũng chia sẻ việc mình chọn cách dạy học theo dự án dù biết điều này rất khó khăn và mất nhiều thời gian vì: “Học dự án, em nào cũng có việc, cùng được tham gia. Các em đóng vai trò chủ đạo, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, chính vì vậy phát huy được tính năng động, sáng tạo, trách nhiệm của từng em”. Cũng chính những dự án đã giúp học trò và cô giáo gần gũi nhau hơn. Chính vì vậy, tính đến nay đã về trường giảng dạy được 10 năm nhưng năm nào cô cũng có những hoạt động dự án để học sinh cùng tham gia với mình. Và cũng gặt hái được không ít những giải thưởng từ những dự án này.
“Năm vừa rồi, chuẩn bị sinh bé nhỏ thứ hai, bận bịu nhưng mình vẫn quyết tâm lập dự án để học trò cùng tham gia, được học hỏi và trưởng thành hơn. Cuối tuần, thay vì ngủ nướng, các em cùng mình tham gia đi một đoạn đường dài từ Nhà Bè lên các quận trong thành phố, di chuyển nhiều nhưng các em không mệt mà vui vẻ, đoàn kết chia việc ra với nhau. Sau đó, trở về trường, không ngơi nghỉ lại bắt tay cùng nhau trồng cây, dọn dẹp”, cô chia sẻ. Chính những sân chơi ngoài lớp học đó lại dạy các em rất nhiều và hiệu quả hơn hẳn những bài giảng chay lý thuyết trên lớp.
Đưa STEM ứng dựng phục vụ cộng đồng
Gần đây, cô Vân Anh và nhóm học sinh của mình đã giành được giải Nhì trong cuộc thi “Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP. HCM, năm học 2019 - 2020 (lĩnh vực Khoa học Xã hội hành vi). Đề tài với tên gọi “Sa bàn đến trường dành cho học sinh khiếm thị tại mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa”. “Cô trò nghiên cứu, hoàn thành sa bàn nhằm mục đích giúp học sinh khiếm thị của mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa, Q. Bình Tân, TP. HCM học được cách đi đến trường, phụ giúp cho các xơ định hướng di chuyển, tự lập đến trường, không cần phải có người dắt đi. Ngoài ra, học sinh khiếm thị từ mầm non khi được tiếp cận với sa bàn có thể mở rộng tầm nhìn, tự vẽ bản đồ bên trong não, giúp các em mở rộng thế giới tưởng tượng bên trong. Nếu đi lạc, học sinh sẽ nói cho người khác nhà, trường ở đâu, hoặc có thể giới thiệu, chỉ đường cho người khác về mái ấm mình ở hoặc đường đi đến trường. Sa bàn cũng giúp cho các em có sự so sánh về chu vi, độ ráp trên bề mặt về các địa điểm đặc”, cô Vân Anh chia sẻ.
Cô Vân Anh chọn cách dạy cho học sinh tham gia những dự án đã khiến các bạn học sinh hứng thú với môn học. (Ảnh: NVCC)
Suốt gần nửa năm trời cô trò cứ đi lại mái ấm để thực hiện dự án. Dự án nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các xơ tại mái ấm. Hơn ai hết, các xơ hiểu rằng, khi dự án hoàn thành chính những đứa trẻ của mái ấm được thụ hưởng từ dự án và thế giới quan của chúng cũng được mở rộng. “Tháng 7/2019, nhóm thực hiện dự án gặp sơ Dung của mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa, tiếp nhận nguyện vọng của mái ấm với mong muốn có được một bản đồ đến trường cho các em học sinh khiếm thị tại đây. Tháng 8, cô trò lên kế hoạch các bước thực hiện sa bàn. Đến tháng 12 thì hoàn thành đưa sa bàn đến mái ấm lấy ý kiến đóng góp của xơ, chỉnh sửa sa bàn, hướng dẫn học sinh cách làm việc với sa bàn. Và cuối cùng là trao tặng sa bàn cho mái ấm. Trong dự án này, mình chỉ là người hướng dẫn còn mọi công đoạn thực hiện dự án đều do các em học sinh tự thực hiện”, cô Vân Anh bộc bạch.
Học sinh khiếm thị ở mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa, Q. Bình Tân trải nghiệm thông qua mô hình sa bàn. (Ảnh: NVCC)
Đề tài được thực hiện đã hoàn thành mục đích phục vụ cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn chính các em học sinh khiếm thị tại mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa. “Xây dựng được sa bàn giao thông, giúp học sinh khiếm thị có thể tự học con đường đi từ mái ấm đến trường học. Mô hình được thiết kế theo hướng lắp ráp, học sinh khiếm thị dựa vào các hình dạng hình học dưới mô hình và kích thước chu vi lớn nhỏ khác nhau để gắn chính xác vào sa bàn”, cô Vân Anh chia sẻ thêm.
Hai bạn học sinh nam của cô Vân Anh tham gia thực hiện dự án “Sa bàn đến trường dành cho học sinh khiếm thị tại mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa”. (Ảnh: NVCC).
Hiện nay, cô Vân Anh cũng đã ấp ủng nhiều dự định kết hợp đưa nhiều hơn STEM vào giảng dạy ở bộ môn Hóa học của mình nhằm tạo thêm hứng thú cho các em học sinh trong các tiết học. Để chuẩn bị thực hiện ý tưởng này, gần 2 năm trở lại đây, cô đã tích cực tham gia các hoạt động trong CLB Giáo dục STEM kết nối cộng đồng (trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM). Ngoài ra, cô còn tham gia nhiều khóa học STEM MIE Online của Học viện Công nghệ Happykids. “Với mình, hoạt động dạy học phải luôn đổi mới sáng tạo để luôn tạo được sự hứng khởi cho học trò”.
Một số thành tích nổi bật của cô Nguyễn Ngọc Vân Anh:
- - Giáo viên hướng dẫn đoạt giải Nhất kỳ thi Khoa học Kỹ thuật cấp Thành phố, năm học 2016-2017 (Sở GD - ĐT TP. HCM tổ chức).
- - Giáo viên hướng dẫn đoạt giải Nhì kỳ thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2016-2017 (Bộ GD - ĐT tổ chức).
- - Giải Khuyến khích cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp Thành phố, năm học 2016 - 2017 (Sở GD - ĐT TP. HCM tổ chức).
- - Top 10 công trình xuất sắc lọt vào Chung kết, giải Tiềm năng, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017.