Cơ hội và Giải pháp đào tạo Kế toán công ở các trường Đại học tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Mới đây, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến "Cơ hội và Giải pháp đào tạo Kế toán công ở các trường Đại học tại Việt Nam". Các đơn vị gồm Bộ Tài chính (MOF), Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET), Ngân hàng thế giới (WB), Liên đoàn kế toán Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), các trường Đại học cũng cùng phối hợp thực hiện.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia trong ngành, những người làm việc trong lĩnh vực kế toán công và khoảng 150 giảng viên. Nội dung hội thảo xoay quanh chủ đề cơ hội và giải pháp đào tạo kế toán công ở Đại học với những định hướng từ cơ quan quản lý Nhà nước, công cụ từ các tổ chức quốc tế WB – CAPA - ACCA, và kinh nghiệm từ các trường Đại học có chuyên ngành đào tạo kế toán công.

Những năm gần đây, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và thực hiện cam kết với các tổ chức tài chính quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin tài chính có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận, đặc biệt trong lĩnh vực công.

Trong bối cảnh đó, các trường Đại học cần thiết đánh giá lại, đề ra các chiến lược mới phù hợp với sự phát triển về khuôn khổ pháp lý kế toán công và công tác xây dựng chuẩn đào tạo khối ngành tại Việt Nam hiện nay. “Những vấn đề quan tâm như thực trạng nhu cầu đào tạo, khẳng định tầm quan trọng của đào tạo, chương trình đào tạo khu vực công riêng hay tích hợp, cũng như vấn đề ứng dụng thông tin rất quan trọng với chất lượng nguồn nhân sự tài chính – kế toán khu vực công tương lai,” TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại hội thảo.

Cơ hội và Giải pháp đào tạo Kế toán công ở các trường Đại học tại Việt Nam ảnh 1

Dựa trên tinh thần đó, đại diện Học viện Tài Chính (AOF) và Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh đã trình bày thực trạng đào tạo kế toán công tại Việt Nam, cũng như các vấn đề liên quan. Cụ thể, đại diện Học viện Tài Chính chia sẻ kinh nghiệm trong việc đào tạo kế toán công, bao gồm những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thử thách; đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện chất lượng đào tạo. Trong khi đó, Đại học Kinh tế TP.HCM tập trung vào chương trình kế toán hiện hành tại UEH và các trường đại học khác; trao đổi các vấn đề liên quan đến kế hoạch áp dụng hoặc tích hợp kiến thức công nghệ thông tin vào chương trình đào tạo kế toán trong tương lai gần, đặc biệt là lĩnh vực công.

Qua đó, các diễn giả từ WB - CAPA – ACCA đã cung cấp các giải pháp đào tạo kế toán công cho Việt Nam. Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai IPSAS tại Việt Nam, WB đã giới thiệu PULSAR - bộ công cụ hỗ trợ các quốc gia trong việc tích hợp kế toán công vào chương trình giáo dục.

Bà Bonnie Ann Sirois, Chuyên gia Quản lý Tài chính Cấp cao (FM), Điều phối viên của Đơn vị FM tại Thái Bình Dương, chia sẻ: “Một trong những mục đích chính của bộ công cụ là hỗ trợ các quốc gia phát triển kế hoạch và thực hiện các quy trình trong nước nhằm đào tạo kế toán viên có kỹ năng cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế; đồng thời cũng cải tiến báo cáo tài chính, kiểm toán và các quy định. Bộ hướng dẫn của chúng tôi hỗ trợ chuyển đổi giáo dục và đào tạo kế toán, cũng như chứng nhận từ phương pháp dựa trên kiến thức đến phương pháp dựa trên năng lực”.

CAPA trình bày các sáng kiến nhằm hỗ trợ các tổ chức kế toán chuyên nghiệp cải thiện quản lý tài chính công. Báo cáo của CAPA “Mở rộng các hoạt động trong lĩnh vực công” năm 2021 nói về khuôn khổ và các hoạt động mà các tổ chức chuyên nghiệp có thể hỗ trợ như cung cấp nguồn nhân lực, tạo dựng nhu cầu, cung cấp cơ hội và nâng cao kỹ năng.

“Với sứ mệnh nâng cao năng lực chuyên môn kế toán ở khu vực châu Á Thái Bình Dương thông qua việc đóng góp cho sự phát triển của các tổ chức kế toán chuyên nghiệp (PAOs), CAPA luôn hỗ trợ và khuyến khích các báo cáo tài chính chất lượng cao trong lĩnh vực công: đảm bảo chuẩn mực kế toán dồn tích và chuẩn mực kiểm toán quốc tế,” - ông Brian Blood, Giám đốc điều hành CAPA cho biết.

Tại hội thảo, ACCA cũng chia sẻ kinh nghiệm đào tạo kế toán công và giới thiệu Chứng chỉ IPSAS giúp học viên đáp ứng được các thách thức khi thực hiện các Chuẩn mực Kế toán công Quốc tế. Ông Renjith Varma, Giám đốc khu vực ACCA Đông Nam Á Lục địa, cho hay: “Tháng trước chúng tôi đã tổ chức Hội nghị Tài chính công Quốc tế lần thứ 12 của ACCA với chủ đề ‘Dẫn đầu phục hồi trong lĩnh vực tài chính công’ – sự kiện thường niên thu hút hơn 1.000 nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công khắp thế giới và nhiều người trong đó là thành viên của ACCA. ACCA cũng phát hành một báo cáo về kinh nghiệm thực hiện IPSAS trên thế giới năm 2017, và sau đó giới thiệu Chứng chỉ về IPSAS trên toàn cầu. Ở Việt nam, chúng tôi rất vinh dự là cơ quan kế toán toàn cầu đầu tiên kỷ niệm 20 năm có mặt tại Việt Nam vào năm 2022”.

“Là một hội nghề nghiệp về kế toán và kiểm toán, VACPA đang thúc đẩy đáng kể sự phát triển của nghề nghiệp kiểm toán độc lập tại Việt Nam, cho các hội viên VACPA nói riêng và các kiểm toán viên nói chung. Từ ngày 10/11/2021, VACPA chính thức được công nhận là một thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC). Đây là sự khẳng định về uy tín, năng lực nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cũng như những đóng góp của VACPA cho lĩnh vực công và lĩnh vực tư tại Việt Nam, và quá trình hội nhập quốc tế,” ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch VACPA chia sẻ tại hội thảo.

MỚI - NÓNG
Vụ biển Đồ Sơn ngập rác, đục ngầu: Huy động 200 người dọn dẹp
Vụ biển Đồ Sơn ngập rác, đục ngầu: Huy động 200 người dọn dẹp
TPO - Sau phản ánh "hàng vạn du khách ngụp lặn biển ngập rác , nước đục ngầu" đăng trên báo Tiền Phong, ngày 29/4, UBND quận Đồ Sơn - TP Hải Phòng đã huy động 200 công nhân, lực lượng quân đội dọn sạch rong rêu và rác thải trôi dạt vào bãi tắm 295 phục vụ người dân và du khách tới vui chơi, tắm biển dịp nghỉ lễ 30/4.