Có một shipper kiêm nghề dịch sách

TP - Với những bạn trẻ yêu sách, cái tên Huỳnh Hữu Phước không còn xa lạ. Cuối năm 2022, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM, chính anh đã đặt câu hỏi bằng tiếng Pháp khi giao lưu cùng nhà văn Marc Levy trong đồng phục của một hãng giao hàng. Chàng sinh viên khoa tiếng Pháp, Đại học Sư phạm TPHCM bất ngờ nổi tiếng từ màn giao lưu ấy.
Có một shipper kiêm nghề dịch sách ảnh 1
Huỳnh Hữu Phước khi làm shipper

Ngày làm shipper, đêm dịch sách

Phước bật mí bút danh J.B: “Tên thánh của tôi là Jean le Baptiste”. Dù lần đầu tiên dịch sách nhưng người thẩm định bản thảo, giáo sư Vĩnh Đào (đang sống tại Pháp) đã dành cho chàng sinh viên nghị lực những nhận xét tích cực. “Con gái” được dịch khi Huỳnh Hữu Phước vẫn đang làm người giao hàng (shipper). Ngày chạy xe khắp Sài Gòn mưu sinh, đêm về lọ mọ dịch sách. Huỳnh Hữu Phước nhớ lại khoảng thời gian dịch “Con gái”: “Dịch cuốn này cũng khá mất thời gian, khoảng 7-8 tháng, cho 260 trang sách”. Tôi hỏi Phước: “Camille Laurens có làm khó bạn không?”. Phước thừa nhận, dịch tác phẩm của nhà văn đương đại Pháp Camille không dễ: “Tác giả chơi chữ khá nhiều, chuyển ngôi liên tục, đang kể ở ngôi thứ ba tác giả lại chuyển qua ngôi thứ nhất, rồi chuyển qua ngôi thứ hai. Nhưng sự chuyển ngôi liên tiếp ấy chính là nghệ thuật viết của tác giả, tôi tôn trọng và cố gắng chuyển tải sang ngôn ngữ mẹ đẻ”.

Phước tiết kiệm từng chút thời gian dành cho dịch sách. Ngay cả khi đi giao hàng, anh vẫn mang theo bản thảo, rảnh lúc nào dịch lúc ấy, đêm về đánh máy, sửa sang lại. Trong khoảng thời gian dịch sách cho tới bây giờ và mai sau, Huỳnh Hữu Phước vẫn phải dùng thuốc chống trầm cảm. Tác phẩm dịch thuật đầu tiên của Phước đã ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, mỗi khi nhớ lại anh vẫn bùi ngùi: “Thời gian đó tôi thiếu đủ thứ, từ vật chất tới tinh thần. Tôi phải điều trị căn bệnh rối loạn lo âu”.

Có một shipper kiêm nghề dịch sách ảnh 2
Bìa cuốn sách do Huỳnh Hữu Phước dịch

Nhiều lần có ý định tự sát

Huỳnh Hữu Phước sinh ra trong một gia đình gốc Hoa: “Tuổi thơ của tôi yên ả lắm. Mẹ tôi người miền Tây, có những mùa hè tôi được về miền Tây sống với ngoại. Ấm áp vô cùng. Dì tôi là thủ thư của một trường tiểu học hay mang sách về cho tôi đọc. Có thể tình yêu văn học của tôi đã ươm mầm từ đó”, Phước kể về quãng đời ấm êm của mình.

Có một shipper kiêm nghề dịch sách ảnh 3
Huỳnh Hữu Phước chăm đọc sách từ khi còn là học sinh. Ảnh: NVCC

Đọc sách văn học, yêu văn học nhưng Huỳnh Hữu Phước lại chọn Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, hệ song bằng, khoa tiếng Pháp và khoa Địa lý. Từ khi học tiểu học, Phước đã mơ làm thầy giáo. Lớn lên, anh vẫn giữ ước mơ trong trẻo ấy. Phước chọn khoa tiếng Pháp, vì anh đã được học tiếng Pháp từ lớp 1 đến lớp 9. Nói về tiếng Pháp và văn học Pháp, Phước chỉ dùng một từ “thích” để biểu đạt: “Nền tảng tiếng Pháp của tôi so với môn học khác tốt hơn. Tôi thích tiếng Pháp, thích văn học Pháp, dù vẫn ngưỡng mộ sự giàu có của các nền văn học khác”. Phước thích đọc Albert Camus, tên tuổi lớn của dòng văn học hiện sinh Pháp. Với văn hào Marcel Proust, anh thích tiểu thuyết “Dưới bóng những cô gái đương hoa”. Phước bất ngờ chia sẻ: Marc Levy không phải tác giả anh yêu thích. Nhưng anh đã đọc tác phẩm của Marc Levy từ những năm học cấp 3. Vì thế Phước tự tin khi giao lưu cùng tác giả “Hoàng hôn của bầy mãnh thú”. Khi giao lưu cùng nhà văn Pháp Marc Levy, anh đã dịch xong cuốn “Con gái” và vừa trải qua một nỗi buồn trong công cuộc mưu sinh. Phước kể: “Cách đó mấy ngày tôi đi giao hàng thì gặp trời mưa đường trơn. Đơn hàng lại mắc tiền, gồm một chiếc bánh kem có giá gần 700 ngàn đồng, 5 ly trà sữa, tổng cộng lên đến tiền triệu. Thế mà tôi làm hỏng đơn hàng, trà sữa đổ lên bánh kem, trời lại mưa, tủi thân lắm, cực kỳ buồn. Lúc ấy tôi muốn kết thúc cuộc đời. Nhưng có lẽ còn một chút gì đó quyến luyến đời đã níu tôi ở lại”.

Bệnh trầm cảm khiến Phước nhiều lần có ý định tự sát: “Người ta thường nghĩ tôi chán đời nên mới muốn tự tử. Nhưng chính cơn trầm cảm đẩy tôi đến việc ấy, chứ không phải tôi muốn vậy”, anh trải lòng. Phước tâm sự tình trạng của bản thân với một người bạn đang du học ở nước ngoài. Người bạn đoán Phước đang bị trầm cảm nên khuyên anh đi khám bệnh. Từ đó, Phước phải dùng thuốc. Hiện nay, anh đã kiểm soát được cơn trầm cảm: “Nhưng không thể chữa dứt điểm được, nó sẽ theo tôi suốt đời”, Phước nói. Rối loạn lo âu bắt đầu xuất hiện khi Phước gặp biến cố lớn trong đời sống, cha mẹ ly tán, nhà cửa bán sạch, từ một chàng trai chỉ biết đến đèn sách, anh bị đẩy ra đường, phải vật lộn với công cuộc mưu sinh: “Tôi cảm thấy rất kỳ lạ. Lúc nào cũng trong tình trạng âu lo vô căn cứ, không biết mình lo cái gì. Buồn vui bất chợt. Có lúc thấy cuộc sống màu hồng, vui thật là vui, muốn làm mọi thứ. Nhưng sau đó, cảm xúc lại rơi xuống đáy, đắm chìm trong âu lo”.

Đầu năm thứ 3, Phước quyết định dừng việc học tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, để tập trung kiếm sống. Chàng trai mang kính cận nói tiếng Pháp như gió từng trải qua nhiều nghề lao động chân tay, trong đó có nghề shipper. Từ một video quay lại màn giao lưu giữa anh với nhà văn Marc Levy, Huỳnh Hữu Phước nổi tiếng cõi mạng. Biết hoàn cảnh của Phước, nhiều bạn đọc của báo Thanh Niên đã ủng hộ chàng trai giàu nghị lực sống, giúp anh trở lại giảng đường.

Sợ nổi tiếng

Không cầu nổi tiếng mà lại nổi tiếng, đó là trường hợp Huỳnh Hữu Phước: “Vì tôi mắc căn bệnh trầm cảm nên sợ nổi tiếng. Vì nổi tiếng sẽ bị soi. Cuộc sống của tôi sẽ có cả ngàn con mắt nhìn vào, khiến tôi lo âu. Như sau thời điểm giao lưu với nhà văn Marc Levy, tôi phải tắt mạng xã hội, không sử dụng trong vòng 3 tháng. Tôi thấy kinh hoàng. Rất nhiều bình luận khen tôi nhưng tôi lại để ý đến những bình luận ít ỏi chê bai, thậm chí thoá mạ tôi, làm tôi rất áp lực”.

Phước biết nhiều ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật. Sinh ra trong gia đình gốc Hoa nên Phước sẵn vốn tiếng Trung. Nhờ vậy anh thuận lợi khi học tiếng Nhật. Phước muốn khai thác văn học Nhật trong tương lai. Bên cạnh nghề giáo, anh vẫn gắn bó với dịch thuật, dù nhận nhiều lời cảnh báo: Nghề dịch sách “đói” lắm. Nhưng đã đam mê thì kể chi no, đói. “Tôi rất thích Lý Lan khi chị ấy dịch Harry Potter. Tôi đã so sánh bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt, rồi thốt lên: Nhà văn Lý Lan chuyển ngữ thật tài tình. Tôi muốn theo nghề dịch từ lúc đó”, Phước chia sẻ. Hiện tại, anh đã bắt tay vào dịch một cuốn sách mới cùng một dịch giả uy tín. Chính nữ dịch giả này đã khích lệ Phước tự tin dịch cuốn “Con gái”. Chị đã trao cho chàng shipper nghị lực, cầu tiến một cơ hội. Và Phước mạnh dạn nắm bắt.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Bây giờ Phước đã không còn làm shipper. Anh đã chọn một công việc làm thêm qua mạng, phần lớn thời gian dành cho sách vở. Trải qua biến cố, Phước cảm ơn đời, cảm ơn người. Khi tạm ngừng việc học để làm shipper, anh vẫn ấp ủ một ngày nào đó sẽ trở lại trường học, song ngày đó chắc rất xa, có thể 40 tuổi, 50 tuổi, thậm chí 60 tuổi, anh mới có cơ hội trở lại giảng đường. Thế mà, mọi việc lại suôn sẻ hơn anh nghĩ. Cuộc sống vẫn ưu ái Phước. Chỉ còn hơn một năm nữa, Phước sẽ ra trường: “Nếu có cơ hội tôi vẫn muốn học lên cao hơn. Có thể tôi sẽ học thạc sỹ ở Việt Nam hay học ngành văn chương ở Pháp”, anh chia sẻ.

Tôi hỏi: “Bạn muốn trở thành dịch giả hay nhà văn?”. Câu trả lời của Phước: “Tôi muốn trở thành giáo viên dạy văn hoặc dạy tiếng Pháp”. Anh muốn hiện thực hoá giấc mơ trong trẻo thuở ấu thơ. Khi nhận được ủng hộ từ bạn đọc, Phước chỉ nhận một phần, anh dành phần lớn hơn để san sẻ với trẻ em mồ côi trong đại dịch COVID-19. Anh tâm sự: “Tôi vẫn còn ba mẹ nhưng ba mẹ không ở chung với tôi. Trong trái tim tôi, gia đình quan trọng lắm. Mà các em quá thiệt thòi, người mất ba, người mất mẹ, có người mất cả ba lẫn mẹ. Hoàn cảnh khó khăn khiến các em có thể bị dừng việc học bất cứ lúc nào. Tôi thấy thật kinh khủng khi con người không được tiếp cận tri thức. Tôi được nhiều người thương yêu, giúp đỡ nên cũng muốn mang tình thương của mình sưởi ấm người khác. Lan toả tình yêu thương để cuộc đời đẹp hơn. Rất nhiều người nói tôi ngu. Nhưng kệ đi”.

Phước có viết văn không? Đó là câu hỏi của nhiều bạn trẻ dành cho chàng shipper đặc biệt. Anh đáp: “Tôi đã viết cuốn sách cho riêng mình từ những năm cấp 3. Tôi viết truyện ngắn kể về nhân vật khác có lồng ghép tôi trong đó nhưng không đủ kinh phí xuất bản. Tôi mơ ước một ngày nào đó có thể xuất bản cuốn sách của riêng mình”.