Có những doanh nghiệp dự định đặt ‘đại bản doanh’ tại miền Tây

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được coi là “vùng trũng” về khoa học công nghệ, thu hút đầu tư FDI; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn… Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở khu vực này cũng đang đứng trước những cơ hội lớn trong giai đoạn hiện nay.

Thông tin trên được ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) - chia sẻ tại Hội nghị kết nối học viên với chủ đề “Kinh tế ĐBSCL - Cơ hội nào cho doanh nghiệp ĐBSCL”.

Theo ông Lam, hai năm đại dịch COVID-19, nền kinh tế vùng ĐBSCL suy giảm mạnh, tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử. Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2019-2021 của vùng ĐBSCL hầu như không thay đổi, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (32%)…

Tuy nhiên, năm 2022 và 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế ĐBSCL chuyển biến tích cực, đạt mức 5,47%, cao hơn cả nước (3,72%).

Có những doanh nghiệp dự định đặt ‘đại bản doanh’ tại miền Tây ảnh 1

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV.

Về kim ngạch xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL, trong những năm gần đây cán cân luôn nghiêng về xuất siêu. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng đạt 36,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hơn 24 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 12,5 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 17 tỷ USD; xuất khẩu khoảng 11,5 tỷ USD, nhập khẩu hơn 5,5 tỷ USD.

Năm 2022, ĐBSCL có hơn 11.500 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 6,2 tỷ USD. Trong đó, 3 địa phương dẫn đầu là Kiên Giang gần 1.900 DN; Cần Thơ hơn 1.800 DN; Long An hơn 1.700 DN.

Theo VCCI Cần Thơ, ĐBSCL có thế mạnh trong “tiếp cận đất đai”, “chi phí thời gian”, “chi phí không chính thức”, “cạnh tranh bình đẳng”, “tính năng động”…

Tuy nhiên, ĐBSCL lại khá yếu ở các chỉ số “gia nhập thị trường”, “tính minh bạch”, “đào tạo lao động”. Đây được coi là các yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của DN.

Trong 4 năm trở lại đây, chỉ số “đào tạo lao động” của ĐBSCL đều nằm trong nhóm thấp. Toàn vùng có hơn 9,3 triệu người trong độ tuổi lao động, tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm hơn 14,6%.

Phần lớn DN trong vùng ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thu hút FDI khiêm tốn, là “vùng trũng” về khoa học, công nghệ; lao động trẻ di cư, già hóa dân số thuộc nhóm nhanh nhất cả nước; nguồn lực đầu tư rất khiêm tốn… là những nút thắt của ĐBSCL.

Có những doanh nghiệp dự định đặt ‘đại bản doanh’ tại miền Tây ảnh 2

Quang cảnh hội nghị.

Lãnh đạo VCCI Cần Thơ cho biết, DN vùng ĐBSCL cũng đang đứng trước những cơ hội lớn. Về lĩnh vực đầu tư, bên cạnh các ngành hàng chủ lực là gạo, thủy sản, trái cây, hiện đang mở ra những lĩnh vực tiềm năng như năng lượng tái tạo, IT, đặc biệt là dệt may khi có những DN dự định đặt “đại bản doanh” tại miền Tây bởi nguồn lao động dồi dào.

Về hạ tầng, có 3 công trình quy mô có ảnh hưởng lớn đối với ĐBSCL trong tương lai gần là cảng Trần Đề, hệ thống đường cao tốc, đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Đây là những dự án lớn góp phần giải quyết bài toán về hạ tầng cho vùng.

Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, DN cần tận dụng cơ hội lớn nhất của ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay về giao thông, quy hoạch; nông nghiệp chuyển đổi theo hướng chuyên môn hóa; logistics và các ngành dịch vụ đi kèm phục vụ cho xuất khẩu, cơ hội để tham gia (hợp tác) chuỗi giá trị…

Theo VCCI Cần Thơ, DN vùng ĐBSCL hầu hết có quy mô vừa và nhỏ; tập trung một số lĩnh vực then chốt như chế biến nông thủy sản, lương thực, công nghiệp nhẹ, xây dựng, thương mại dịch vụ...; chịu khó học hỏi nhưng chậm chuyển đổi; quản trị chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thay cho mô hình/kiến thức; tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, tiên phong nhưng e ngại, rụt rè, e dè hợp tác…

Để tận dụng cơ hội, DN ĐBSCL cần nắm bắt diễn biến của nền kinh tế (quy hoạch, đầu tư, chính sách); tiếp cận cơ hội kinh doanh/đầu tư dựa trên nhu cầu thực tế và lợi thế DN; nhìn lại nội lực để tiến hành tái cấu trúc cho giai đoạn mới… Trong đó, yếu tố con người/tri thức luôn là yếu tố quyết định hàng đầu.

MỚI - NÓNG