Mình là Nguyễn Thị Minh Thu, hiện đang học Cử nhân Điều Dưỡng của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hải Dương, vì điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn đã nuôi cho mình đam mê ngành Y từ khi còn rất bé. Cũng chính vì tình yêu này đã mang đến cho mình động lực to lớn hỗ trợ quê nhà chống dịch trong suốt những ngày qua.
Thời gian qua, ngày ngày, báo đài đều đưa tin rất nhiều về diễn biến phức tạp tại tâm dịch Hải Dương, vậy nên mình về quê nghỉ Tết được ít ngày thì được thông báo học trực tuyến, ngoài thời gian học mình có tham gia chốt trực cùng với huyện Thanh Hà. Trước đó, mình cũng từng có cơ hội cùng xã đi tuyên truyền cho tất cả các hộ dân về việc phòng tránh Covid-19. Được một số ngày thì có thông báo cần người trực tăng cường do tình hình nóng lên nên mình đi trực chốt tại Xã Thanh Hải. Chốt này nằm trên đường lớn, thông với hai xã Tiền Tiến và Quyết Thắng cũng như TP nên rất quan trọng.
Chốt trực của mình có lực lượng công an, lưc lượng quân đội, lực lượng y tế và thanh niên tình nguyện. Công việc thì nhiều, mình đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ và đo thân nhiệt. Số đông mọi người đều ý thức chấp hành, nhưng một số người dân vẫn chưa hiểu cho công việc của chúng mình lắm, họ nói cộc và tỏ thái độ không tôn trọng. Nhiều lúc cứ nghĩ mình làm vì người dân nhưng họ không chịu hiểu nên cũng hơi nản.
Trong thời gian tham gia trực mình thấy phải là người có quyết tâm thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ như các chiến sĩ trực chốt. Không hề có giờ nghỉ, giờ cao điểm buổi sáng là 6-8h, tầm đó các công nhân đi làm, và nhiều đối tượng người dân khác cũng cần di chuyển qua chốt nên rất đông. Tất cả mọi người di chuyển qua chốt đều phải xuất trình giấy tờ gồm: căn cước, giấy xác nhận của cơ quan y tế và xác nhận của cơ quan làm việc. Nếu không đủ giấy tờ buộc phải quay lại. Đối với xe máy là vậy, xe ô tô thì sẽ đến chốt, cũng xuất trình giấy tờ, nhưng còn cần xin giấy thông hành và phun khử khuẩn trên xe. Cứ thế, công việc diễn ra 24/24, không nghỉ ngơi.
Điều khó khăn nhất có lẽ là việc mặc đồ bảo hộ cả một ngày dài, thực sự không hề dễ dàng. Đồ bảo hộ kín và bí, con gái chúng mình da lên mụn nhiều lắm. Hơn nữa, những trang phục y tế kiểu vậy cũng chỉ có mức giới hạn của cơ quan y tế, mặc dù cũng được ủng hộ nhiều, nhưng thực sự là chưa đủ với tình hình hiện tại.
Ở chốt trực, chúng mình cũng được hỗ trợ trong vấn đề ăn uống. Buổi sáng thì có bánh mì, trưa tối thì tùy thời gian mà đơn vị cung cấp gửi đến. Không có thời gian nên cứ một người vào ăn thì những người còn lại làm cố thêm một phần nhiệm vụ.
Tuy vất vả là vậy, nhưng mỗi ngày nghe tin mình buồn lắm, một ca bệnh là kéo theo rất nhiều người tiếp xúc. Lo lắng vì sợ có người bị nhiễm, sức khoẻ của họ và những người xung quanh. Càng nghe tin thì càng phải làm chặt và cố gắng hơn nữa. Mình hiểu là nếu những người như mình, tham gia vào chốt trực mà không có tinh thần thì tình hình sẽ còn khó khăn hơn.
“Mọi người trong chốt tình cảm lắm. Có hôm mình bị tụt huyết áp, suýt ngã, may có anh trực cùng để ý, đưa cho viên kẹo ngọt và bảo vào nghỉ ngơi.” – Đó là những lời chia sẻ xúc động của Minh Thu về kỷ niệm ý nghĩa trong những ngày làm nhiệm vụ tại ổ dịch Hải Dương.
Hồi đầu, bố mẹ cũng lo lắng về tính chất công việc và không muốn cho mình đi. Sau khi giải thích và nói cho bố mẹ nghe về trách nhiệm cũng như lương tâm của một sinh viên y và đặc biệt là một người mê tình nguyện như mình thì bố mẹ, đã ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều. Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi việc buồn phiền. Gia đình người ta thì quây quần, đây con gái cứ hay đi nên bố mẹ mình buồn lắm. Vì vậy khi có người trực đổi ca, mình tranh thủ về với bố mẹ, được chăm lắm, bắt ăn hết cái này cái kia mới cho đi tiếp.
Mình mong muốn mọi người dân hãy tin tưởng vào chính quyền, không chỉ riêng người dân Hải Dương mà ở đâu cũng vậy, hãy nghiêm túc chấp hành những điều mà cơ quan có liên quan yêu cầu. Mình cũng rất mong các đơn vị thiện nguyện sẽ ủng hộ chúng mình, về đồ bảo hộ: gang tay, tấm chắn giọt bắn, quần áo bảo hộ, bình sát khuẩn,...
Mình luôn tin tưởng rằng Hải Dương sẽ nhanh chóng hết dịch, để mọi người dân có thể quay lại với nhịp sống bình yên thường ngày.