Codex không phải lúc nào cũng đúng

Codex không phải lúc nào cũng đúng
TP - Tại cuộc họp sáng thứ sáu tuần trước ở Bộ Y tế về phẩm vàng tổng hợp Tartrazine (E102), các bên liên quan cho rằng Bộ Y tế không sai khi áp dụng tiêu chuẩn Codex. Chỉ dựa vào Codex thôi có nên? Có thực sự vì người tiêu dùng?

> Kiến nghị kiểm tra E102 trong mỳ tôm

Khách quan mà nói, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) có vai trò nhất định khi không phải bao giờ mọi quan điểm trên thế giới đều giống nhau. Chẳng hạn, các nước châu Âu và Mỹ thường đối đầu nhau vì những quyền lợi thương mại mà bên nào chiếm ưu thế thì bên ấy thắng. Ví dụ, thực phẩm biến đổi gene được Mỹ khuyến khích áp dụng nhưng châu Âu vẫn cấm và quy định phải ghi nhãn đối với sản phẩm này.

Song "con dao pha" Codex vốn chỉ là khuyến cáo chung cho 185 nước thành viên. Hơn nữa, đấy chỉ là khuyến cáo chứ không phải bắt buộc. Bởi vậy, khi mang vào áp dụng ở một nước nào đó, nếu không cẩn thận lại lợi bất cập hại.

Lạ ở chỗ, từ trước đến nay, Việt Nam dựa hoàn toàn vào tiêu chuẩn của Codex về phụ gia thực phẩm, dù như nói ở trên, tiêu chuẩn Codex chỉ là khuyến cáo. Có rất nhiều chất đã bị cấm tại các nước châu Âu và Mỹ nhưng vẫn được Codex cho phép sử dụng. Và sau khi các nghiên cứu khoa học chứng minh rõ ràng tác hại của chất đó, Codex mới xem xét loại bỏ khỏi danh mục được dùng.

Còn nhớ, cuối năm 2010, các bà mẹ có con nhỏ hoang mang với thông tin bình sữa cho trẻ em có bisphenol-A (BPA), một chất bị EU cấm sử dụng từ rất lâu. Tại Mỹ, sáu nhà sản xuất bình sữa cho trẻ đã loại BPA khỏi các sản phẩm của mình. Nhưng phản ứng của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) trước lo ngại về chất BPA lúc đó không khác gì phản ứng đối với E102 hiện nay.

Cục này cho rằng, Việt Nam áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của Codex, cho phép BPA ở mức 0,05mk/kg vật liệu. Do vậy, nếu Codex cho rằng an toàn thì có nghĩa là an toàn. Cục vẫn giữ lập trường “nếu Codex cấm BPA thì Việt Nam sẽ áp dụng”.

Mới đây, Trung Quốc quyết định cấm các sản phẩm bình sữa trẻ em được sản xuất từ nhựa có chứa chất BPA. Thế nhưng, quyết định của Codex vẫn chưa thấy đâu và câu chuyện BPA ở Việt Nam dường như rơi vào quên lãng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG