Trần Phương Thảo, sinh viên khoa Ngoại Ngữ, ngành Ngôn ngữ Anh - trường Đại học Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. |
Nữ sinh Phương Thảo theo học khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Tây Nguyên nổi bật với sắc vóc trẻ trung hiện đại. Song song với việc học cô nàng còn đang hoạt động trong lĩnh vực mẫu ảnh. Trò chuyện với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Phương Thảo tâm sự: “Trước đây mình vốn không phải là người thích học, đúng hơn là chưa tìm thấy sự yêu thích trong việc học nên có phần lười học. Tuy nhiên khi nghĩ tới gia đình và khi phải đưa ra nhiều sự lựa chọn cho tương lai thì mình đã nghiêm túc với nó và quyết tâm vượt qua thử thách của chính bản thân để thi vào ngành học mình mong muốn.”
Phương Thảo từng là người không thích học, lười học. |
Chỉ khi trở thành một sinh viên Phương Thảo mới nhận ra vai trò của người trẻ đối với cộng đồng và xã hội quan trọng như thế nào. Cũng như sự cống hiến của sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung cần xây dựng và phát huy để góp phần tạo nên sức mạnh của một đất nước. Phương Thảo cho biết: “Nếu bản thân chưa làm được gì lớn lao thì điều cần nhất bây giờ là chăm chỉ học tập, năng tham gia những hoạt động tập thể mang tính cống hiến hướng tới cộng đồng.
Theo Thảo Cống hiến là phải trên tinh thân tự nguyện. |
Cống hiến cần trên tinh thần của sự tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho lợi ích chung. Cống hiến là một đức tính cao đẹp có trong tâm trí con người, và sự cống hiến ấy luôn ẩn chứa đức hy sinh. Thảo nhấn mạnh: “Điều đáng trân trọng ở đây là người cống hiến không coi đó là sự hy sinh, mà xem đó như là việc muốn làm, là nghĩa vụ và nhu cầu để được hành động, san sẻ.”
Có thể thấy, trong đời sống với bất cứ lĩnh vực nào cũng có những người sẵn sàng cống hiến và ở mỗi lĩnh vực thì sự cống hiến ấy lại có những cách thức khác nhau. Người cống hiến cho nghệ thuật, cho thể thao, cho khoa học… hay cho chính nơi mình làm việc cũng đều từng bước tạo nên những “viên gạch” xây dựng đất nước, xây dựng Tổ quốc.
Có những cống hiến dễ nhận thấy, được ngợi ca; nhưng cũng có những cống hiến thầm lặng và không ai biết. Điểm chung ở đây đó chính là tính hy sinh. Bởi người đi cống hiến sẽ đem thời gian, trí tuệ, sức lực để trao đi cho cộng đồng mà không màng nhận lại điều gì, ắt hẳn có cả sự đánh đổi những lợi ích cá nhân để tạo nên sự cống hiến trọn vẹn. Điều nhận lại duy nhất đó là niềm vui, sự tự hào khi được mang tới điều có ích của bản thân dành cho cộng đồng.
Câu nói của một triết gia khiến Thảo nhớ mãi: “Con người sẽ trở nên hạnh phúc và thành công nhất khi được cống hiến” đó không phải là triết lý mà là sự chân tình giữa con người với con người trong cuộc sống.
Trên hành trình cuộc đời, Thảo đang đi trên con đường học tập và rèn luyện chính mình. Cô tin chắc rằng đó sẽ là con đường không chỉ nuôi sống bản thân mà còn mở ra cơ hội để Thảo có thể cống hiến cho cộng đồng từ chính ngành nghề mình đã chọn.