Cống hiến sức trẻ nơi biên cương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với phương châm “ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ”, trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2023, tuổi trẻ Bình Dương đã có nhiều phần việc thiết thực, ý nghĩa tại xã vùng biên Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng đồng bào dân tộc nơi đây.

Đi theo tiếng gọi trái tim

Giữa tháng 8, đội hình tình nguyện gồm 30 bạn trẻ của tỉnh Bình Dương vượt quãng đường hơn 400km đến xã vùng biên Ea Bar để hỗ trợ người dân nơi đây. Tại đây các bạn trẻ có nhiều hoạt động thiết thực như: khám bệnh, phát thuốc, cắt tóc, dạy học, trao học bổng…; tổ chức gian hàng 0 đồng phục vụ người dân gặp khó khăn.

Bạn Nguyễn Văn Bình, sinh viên năm 3, Trường Đại học Thủ Dầu Một, đã nhiều lần tham gia tình nguyện, song chuyến đến Đắk Lắk lần này có nhiều trải nghiệm đặc biệt. “Lần đầu tiên em đến Đắk Lắk và cũng là lần đầu tiên được chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng bào vùng biên nơi đây. Khó khăn là vậy nhưng những ngày ở đây em cảm nhận được tình cảm ấm áp của người dân cũng như các em nhỏ dành cho đội. Ở đây, tụi em học hỏi được nhiều kinh nghiệm sống”, Bình chia sẻ.

Cống hiến sức trẻ nơi biên cương ảnh 1

Bạn trẻ Bình Dương thực hiện công trình Thắp sáng đường quê tại xã vùng biên Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk)

Bạn Huỳnh Văn Toán, sinh viên Trường Đại học Bình Dương, lần đầu tiên tham gia hoạt động tình nguyện, đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ với cậu. Dẫu vất vả nhưng Toán đã có những ngày thật ý nghĩa và cậu tự hứa sẽ nối dài hành trình tình nguyện trong suốt quãng đời sinh viên.

Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương Trần Thị Diễm Trinh cho biết, tuổi trẻ Bình Dương hướng về vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc ít người nên càng cần ưu tiên, hoạt động có tính bền vững.

“Đây là lần đầu tiên em tham gia chiến dịch tình nguyện hè. Dù ban đầu còn bỡ ngỡ và có chút lo lắng nhưng mọi người đã động viên nhau quyết tâm hoàn thành tốt các phần việc theo kế hoạch. Tại đây, ngoài các hoạt động, em rất thích phần việc bổ trợ kiến thức cho các em nhỏ đồng bào dân tộc ít người”, Toán nói.

Lần thứ 2 đến Đắk Lắk làm tình nguyện viên, bác sĩ Nguyễn Văn Giáp, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), vẫn có cảm giác hồi hộp, háo hức như lần đầu. “Gạt bỏ những lo lắng cơm áo gạo tiền, tôi đến với bà con vùng sâu bằng cả trái tim. Bà con được khám bệnh, phát thuốc miễn phí, họ vui và hạnh phúc lắm. Đây chính là lý do tôi đăng ký tham gia hành trình đầy ý nghĩa này”, bác sĩ Giáp chia sẻ.

“4 cùng” với bà con

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương Trần Thị Diễm Trinh, tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống và nhiều tôn giáo, với hơn 71km đường biên giới giáp Campuchia. Tại đây, tuổi trẻ Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa hướng về vùng biên cương của Tổ quốc.

Tại huyện biên giới Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), tuổi trẻ Bình Dương tập trung vào 4 nhóm nội dung: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng trò chuyện với nhân dân vùng dân tộc ít người; bảo tồn, phát huy giá trị, di sản văn hóa đồng bào dân tộc; tình nguyện vì đồng bào dân tộc ít người; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc ít người.

Đến với “Gian hàng 0 đồng” của tuổi trẻ Bình Dương, bà H’Moan Êbon (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) xúc động nói lần đầu tiên bà được tham gia mua hàng miễn phí với nhiều đồ dùng thiết yếu. “Các cô, chú tình nguyện viên vui tính, còn nhiệt tình nữa. Gia đình tôi có 6 người, được nhận nhiều quà, căn nhà cũ cũng được các cô chú sửa lại mới”, bà H’Moan Êbon bày tỏ.

MỚI - NÓNG