1001 thắc mắc: Vì sao sự kiện giáng sinh lại được cử hành tận 2 ngày?

TPO - Thông thường, lễ Giáng sinh được tổ chức từ đêm ngày 24/12 cho tới hết ngày 25/12. Tại sao một sự kiện lại được cử hành trong tận 2 ngày? 

Phân biệt ngày 24 và ngày 25 trong lễ Giáng sinh

Lễ Giáng sinh hay lễ Thiên Chúa giáng sinh là dịp kỷ niệm ngày Chúa Jesus được sinh ra tại Bethlehem, xứ Judea, nước Do Thái. Người ta ước tính thời điểm đó vào khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2. Thực chất, Giáng sinh và lễ Noel là một. Cụm từ Noel có gốc từ tiếng La-tinh “nãtãlis” có nghĩa là ngày sinh.

Tuy nhiên, tài liệu ghi trong sách Phúc âm Matthew nói rằng, tên gọi Noel xuất phát từ tước hiệu Emmanuel, tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas. Cụm từ này có thể tách thành hai tiếng “Christ” và “Mas”. “Christ” có nghĩa là “Đấng được xức dầu” – tước hiệu của Chúa Jesus còn tiếng “Mas” có nghĩa là thánh lễ.

Thông thường, lễ Giáng sinh được tổ chức từ đêm ngày 24/12 cho tới hết ngày 25/12. Tại sao một sự kiện lại được cử hành trong tận 2 ngày? Đấy là bởi người Do Thái cho rằng, một ngày mới bắt đầu từ lúc hoàng hôn, do đó người ta mới tổ chức sớm từ đêm tối ngày 24 (gọi là lễ vọng) trước khi tổ chức chính thức trong cả ngày 25 (gọi là lễ chính ngày).

Nhiều nơi đón giáng sinh vào tháng 1

Thay vì đón giáng sinh vào đêm 24 và cả ngày 25/12 như các nước trên thế giới, người dân xứ sở bạch dương lại chọn ngày 7/1.

Những người theo đạo Chính thống giáo tổ chức lễ Giáng sinh ở Nga cùng hàng triệu tín đồ trên toàn thế giới vào 7/1 hàng năm. Ban đầu, những người theo đạo Chính thống và Công giáo đều đón Giáng sinh vào chung một ngày. Năm 1582, Đức Giáo hoàng Gregory XIII công bố một loại lịch mới - lịch Gregorian ở châu Âu. Ngay lập tức, hầu hết các nước Công giáo châu Âu áp dụng lịch mới và năm đó ngày 5/10 trở thành 15/10. Ở Đức, lịch mới được áp dụng vào đầu thế kỷ 18. Mỹ và Anh sử dụng lịch Julian cũ đến năm 1752.

Ở Nga, lịch Gregorian chỉ được thông qua vào năm 1918 theo sắc lệnh của Chính phủ Liên Xô, ngày 31/1 năm đó đổi thành 14/2. Tuy nhiên, nhà thờ Nga không chấp nhận những thay đổi và tiếp tục tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 25/12 theo lịch Julian, tức ngày 7/1 năm sau theo lịch Gregorian. Hiện tại, hai lịch này chênh nhau 13 ngày. Các nhà thờ Chính thống giáo khác theo lịch Julian đến nay gồm các nhà thờ Chính thống ở Jerusalem, cộng hòa Macedonia, Georgia, Serbia, Ba Lan... Đây là lý do lễ Phục sinh, Giáng sinh và một số ngày lễ tôn giáo khác đến Nga muộn hơn 2 tuần.

Tương tự, người Ethiopia chào mừng Giáng sinh vào ngày mùng 7/1. Mọi người mặc trang phục trắng còn những người đàn ông chơi trò ganna, một trò chơi với bóng gỗ và gậy.

1001 thắc mắc: Vì sao sự kiện giáng sinh lại được cử hành tận 2 ngày? ảnh 1

Những phong tục Giáng sinh quái đản nhất thế giới

Nam Phi

Món ăn Giáng sinh của Nam Phi không dành cho những người yếu tim. Vào ngày này, những người dân địa phương thường chiên giòn sâu bướm để ăn.

Na uy

Sẽ không ai quét nhà vào đêm trước Giáng Sinh. Mọi cây chổi được giấu kín, đề phòng phù thủy và những linh hồn ma quỷ ăn cắp nó.

Úc

Lũ trẻ con ở Úc sợ hết hồn Krampus, một con quỷ Giáng Sinh mà người lớn kể rằng, nó sẽ xuất hiện và đánh những đứa trẻ hư bằng các cành cây.

Venezuela

Người dân thành phố Cadacas Venezuela đã phát triển một truyền thống mới: Tham dự lễ Misa tại Nhà thờ bằng giày trượt băng.

Đức

Người Đức giấu một quả dưa chuột muối trong cây thông. Đứa trẻ nào tìm thấy nó đầu tiên sẽ được nhận một món quà nhỏ.

Catalonia

Các gia đình ở Catalonia có "Tio de Nadal" (tên tiếng Anh là pooping log). Đây là một khúc gỗ, được vẽ mặt và choàng chăn. Vào đêm trước Giáng sinh, khúc gỗ được đặt một nửa trong lò sưởi và các thành viên sẽ dùng gậy đánh vào nó.

Cộng hòa Séc: Vào lễ Giáng sinh, những người phụ nữ chưa có chồng ở Cộng hòa Séc đứng trước cửa nhà và ném chiếc giày của mình qua vai. Nếu khi rơi xuống, mũi giày quay về cửa thì họ sẽ lập gia đình vào năm mới.

1001 thắc mắc: Vì sao sự kiện giáng sinh lại được cử hành tận 2 ngày? ảnh 2

Bạn có dám ăn món Kiviak của đất nước Greenland không?

Greenland

Greenland có một số món ăn rất kỳ lạ trong ngày Giáng sinh như Mattak hay Kiviak. Mattak là da cá voi có một dải mỡ bên trong hay Kiviak là món ăn làm từ xác của một loại chim biển bọc trong da hải cẩu và để phân hủy hoàn toàn trong vòng 7 tháng.

Guatemala

Người dân đất nước này quét sạch nhà vào ngày Giáng sinh. Sau đó những người hàng xóm lại tạo ra những đống rác khi đến chơi nhà bằng cách đặt một hình nộm con quỷ bằng rơm và đốt nó.

Bavaria

Ở Bavaria, Giáng Sinh được chào đón khá "ồn ào". Trong chiếc quần short truyền thống, những người dân vùng núi bắn những loạt súng cối lên trời.

Slovakia

Tại Slovakia, người đàn ông có tiếng nói lớn nhất trong nhà sẽ hất một thìa bánh loksa lên trần nhà. Bánh càng bám lâu vào trần tức là gia đình sẽ càng nhiều may mắn.

1001 thắc mắc: Vì sao sự kiện giáng sinh lại được cử hành tận 2 ngày? ảnh 3

Con mèo hoang Yule luôn rình rập đâu đó trong bóng tối, sẵn sàng lao vào tấn công những người không có quần áo mới.

Iceland

Người Iceland cho rằng con mèo Yule đang rình rập trên những ngọn đồi. Những ai không nhận được bộ quần áo mới vào đêm trước Giáng sinh sẽ bị con quái vật hung dữ này cắn xé.

MỚI - NÓNG