TPHCM:

Công nhân điêu đứng vì giảm giờ, mất việc

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ các chủ nhà trọ bị ảnh hưởng, nhiều hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ đang gặp nhiều khó khăn khi người lao động bị mất việc làm chuyển đi nơi khác hoặc giảm thu nhập phải thắt chặt chi tiêu

Nhiều khu chợ tự phát ở trên địa bàn như quận 8, Bình Tân không còn mua bán nhộn nhịp như trước do các doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc liên tục giảm giờ làm, đẩy cuộc sống của người lao động vào bế tắc, phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu.

Đìu hiu chợ tự phát

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ sau 1 năm kể từ khi Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) cắt giảm số lượng lớn lao động, chợ "tự phát" tại cổng sau công ty gần như bị "xóa sổ", chỉ còn một số sạp hàng buôn bán rải rác ngoài mặt tiền đường, nhiều người buôn bán nhỏ mất đi sinh kế đã phải chuyển đi nơi khác.

Công nhân điêu đứng vì giảm giờ, mất việc ảnh 1

Từng là nơi buôn bán tấp nập nhưng nay, khu vực chợ tự phát tại cổng sau Công ty TNHH Tỷ Hùng không còn người buôn bán

Cố bám trụ mấy tháng nay, xe bán rau, củ, quả của chị Huỳnh Thị Nhung vẫn không thoát khỏi thua lỗ. Việc mưu sinh của chị chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Trước đây, chỉ mất vài giờ là chị có thể dọn hàng vì lượng khách, chủ yếu là công nhân rất đông nhưng nay công nhân thưa thớt, người mua hàng của chị chủ yếu là khách vãng lai và người dân khu vực gần đó nên việc buôn bán chậm hẳn.

"Việc làm và thu nhập bấp bênh khiến công nhân hạn chế chi tiêu. Nhiều khách quen do công việc không ổn định nên dọn đi nơi khác hoặc về quê nên việc buôn bán ế ẩm cũng dễ hiểu" - chị Nhung cho biết.

Công nhân điêu đứng vì giảm giờ, mất việc ảnh 2

Dù là giờ tan tầm nhưng nhiều sạp hàng tại chợ tự phát trên đường An Dương Vương rất vắng khách

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các chợ "tự phát" ở gần KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) và các tuyến đường Hồ Học Lãm - An Dương Vương (khu vực giáp ranh quận 8 và Bình Tân).

Trước đây, đoạn đường dài hơn 1 km trên đường An Dương Vương (quận 8) buôn bán tấp nập nhờ tập trung khá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, kể từ sau dịch và nhất là từ đầu năm đến nay, tình trạng buôn bán trở nên vắng vẻ dù giá cả rất rẻ so với thị trường. Không chỉ rau, củ, quả, thực phẩm khô và tươi sống mà các mặt hàng tiêu dùng cũng được bày bán với mức giá rẻ bất ngờ nhưng cũng không đủ hấp dẫn công nhân ghé mua dù là giờ tan tầm.

Công nhân điêu đứng vì giảm giờ, mất việc ảnh 3

Tiểu thương trên đường An Dương Vương chán nản vì buôn bán ế ẩm

Có những gian hàng quần áo giá chỉ từ 25.000 đồng/sản phẩm nhưng suốt mấy giờ liền không ai hỏi mua khiến người bán vô cùng sốt ruột. Ghé vào một gian hàng bày bán quần áo trẻ em đồng giá 35.000 đồng/bộ trong lúc chị Đỗ Thủy (quê An Giang) chủ gian hàng đang tranh thủ sắp xếp lại quần áo lúc vắng khách. Chị rầu rĩ nói: "Trước đây, mỗi ngày tôi bán được cả trăm món đồ, doanh thu khoảng 4-5 triệu đồng/ngày, tiền lời mỗi ngày cũng được 400.000 - 500.000 đồng nhưng mấy tháng nay, buôn bán khó quá. Bán suốt 10 giờ nhưng chỉ được hơn 1 triệu, lời được khoảng 100.000 - 200.000 đồng. May là không mất tiền mặt bằng chứ không thì tôi cũng phải đổi nghề".

Đứng ngồi không yên vì ế

Mấy tháng nay, quầy hàng tạp hóa nhỏ (trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân) ngày càng thưa khách khiến anh Nguyễn Văn Tĩnh (bán tạp hóa cho công nhân) đứng ngồi không yên. Cửa hàng của anh nằm gần các khu nhà trọ công nhân lớn và các công ty nên trước đây rất hút khách, nay thì chỉ còn bán lai rai, thu nhập giảm đáng kể. Anh cho biết nhiều công nhân mất việc, giảm giờ làm, thu nhập ít nên họ cũng hạn chế mua sắm. Vì vậy anh chỉ dám nhập các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để bán cầm chừng.

Công nhân điêu đứng vì giảm giờ, mất việc ảnh 4

Cuốn sổ chi chít những khoản nợ của anh Tĩnh

Lật quyển sổ nợ ghi chi chít các khoản thiếu, chỉ những trang dùng bút đỏ gạch chéo anh buồn bã cho hay đây là những người mua chịu rồi bỏ đi biệt tăm không biết ở đâu mà đòi. Chỉ tay vào tấm bản "miễn bán chịu" vừa được treo lên anh Hiếu nói: "Bán tạp hóa lời không nhiều, chỉ vài ngàn cho một món hàng. Thời gian gần đây số người mua hàng quỵt tiền tăng lên đáng kể, nhiều tháng âm cả vốn phải vay mượn để có tiền nhập hàng, trả tiền mặt bằng. Tình hình này kéo dài chắc tôi phải đóng cửa tìm kế khác mưu sinh" - anh Tĩnh rầu rĩ.

Công nhân điêu đứng vì giảm giờ, mất việc ảnh 5

Thu nhập giảm sút, công nhân hạn chế tối đa chi tiêu, tự nấu ăn để tiết kiệm

Tương tự, quán cơm của anh Trần Văn Sơn (38 tuổi) nằm trong hẻm 58 trên đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Anh Sơn trước đây là tài xế của một công ty ở quận Bình Tân nhưng do công ty thiếu đơn hàng nên cho anh nghỉ, về mở quán cơm bình dân nhưng chẳng được mấy khách vì công nhân giảm chi tiêu, chọn ở nhà tự nấu ăn. Anh cho biết nếu tình trạng kéo dài, chắc anh dẹp quán rồi chạy grab hay giao hàng để trang trải cuộc sống.

Theo Người Lao động
MỚI - NÓNG