Trương Công Đức hiện đang là sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành Thiết kế Nội thất, trường ĐH Nghệ thuật (ĐH Huế). Công Đức bắt đầu làm quen với bộ môn kí họa từ năm thứ nhất đại học trong một lần cùng người quen ra ngoài vẽ tranh. Lúc đó, chàng sinh viên Nghệ thuật đã thấy những nét bút, đường cọ và đem lòng yêu thích bộ môn này đến tận bây giờ.
Lúc mới bắt đầu tìm hiểu về kí họa, Công Đức đã gặp phải những khó khăn nhất định. Trong những khó khăn đó, Đức cho biết, môi trường xung quanh còn nhiều điều lạ lẫm khiến anh chưa thể thích nghi và rèn luyện tốt các kỹ năng.
Công Đức sớm tìm ra niềm đam mê của mình ngay từ năm thứ nhất đại học. |
“Khó khăn lớn nhất đối với mình khi bắt đầu vẽ kí họa chính là môi trường xa lạ. Không giống các khu vực khác như Đà Nẵng, Hà Nội hay TP. HCM, bộ môn kí họa ở Huế vẫn chưa được phổ biến. Vì vậy, trong quá trình tiếp cận, mình không được học hỏi hoặc cọ xát cùng những người bạn có cùng đam mê. Điều này khiến mình mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện nét. Bên cạnh đó, mình cũng đã cố gắng khắc phục bằng cách tham khảo nhiều tài liệu có sẵn ở trên mạng, kết hợp với việc tự luyện tập ở nhà, qua đó tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân để ngày càng tiến bộ hơn”, Công Đức chia sẻ.
Một số tranh ký họa về công trình lịch sử do Công Đức thể hiện. |
Công Đức cho hay, kí họa có hai kĩ thuật vẽ, bao gồm tốc kí và thâm diễn. Nhằm tái hiện chân thật các phong cảnh, Đức đã chọn hướng đi thâm diễn cho những bức vẽ của mình. Chủ đề Công Đức thường lựa chọn là các di tích, công trình kiến trúc mang tính lịch sử. Một số bức vẽ được Đức thực hiện như: Cổng Ngọ Môn, cửa Hiển Nhơn, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng. Qua những tác phẩm kí họa, Công Đức hy vọng mảnh đất cố đô Huế sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa.
Công Đức từng tham gia nhiều triển lãm và cũng giành về cho mình không ít giải thưởng. |
Một bức kí họa được Công Đức hoàn thành trong khoảng 30 - 40 giờ đồng hồ cho khổ 40x60 cm. Để có một sản phẩm hoàn thiện, Đức đã thực hiện các quá trình như phác thảo bố cục, căn chỉnh tỉ lệ phù hợp với khổ giấy, dựng hình, phân chia mảng sáng tối. Sau những công đoạn đó, Đức tiếp tục đi sâu vào từng chi tiết cụ thể và cuối cùng là cho ra một bức vẽ hoàn chỉnh.
Công trình lịch sử tại Hội An qua nét vẽ của Công Đức. |
Với Công Đức, một bức kí họa đẹp cần chú trọng nhiều yếu tố về bố cục, đường nét, màu sắc và tỉ lệ sáng tối. Trong các yếu tố đó, chàng sinh viên chú trọng nhất ở đường nét vì nó định hình phong cách của người vẽ. Hiện Công Đức có hơn 30 tác phẩm lớn nhỏ. Đức cho biết, hai tác phẩm mình tự hào nhất là Trường tồn với thời gian và Nhà sàn Bác Hồ. Cả hai tác phẩm đã giúp cho anh đoạt nhiều giải thưởng trong các triển lãm lớn nhỏ.
Công Đức vẫn kiên trì với những đam mê của mình. |
Hiện tại, Công Đức có mở một lớp dạy kí họa trực tuyến cho các bạn trẻ có đam mê với bộ môn này. “Mình mở lớp học là để giúp đỡ những bạn yêu mến bộ môn này có thể học được những kiến thức bổ ích về kí họa, đồng thời mình muốn phát triển môn kí họa để nhiều người biết đến hơn nữa. Trong thời gian tới, mình dự định mở một studio nhỏ để mọi người có thể đến và thỏa mãn đam mê của mình. Hơn hết, mình mong muốn sau này bộ môn kí họa sẽ phát triển hơn, để mọi người có thể yêu mến nó như mình vậy”, Đức nói.